Nguồn trích dẫn văn bản đúng quy định là cơ sở để xác thực khi cần thiết

Nguồn trích dẫn (chú thích trích dẫn) văn bản là căn cứ để người đọc xác thực văn bản, người viết thể hiện tính trung thực và tôn trọng tác giả. Vì tầm quan trọng của nguồn văn bản nên trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh được hướng dẫn ngay từ đầu năm học lớp 10

Cách ghi nguồn trích dẫn văn bản đúng quy định là ghi rõ: tên tác giả, tên tài liệu, nhà xuất bản, năm xuất bản, trang được trích dẫn...

Cách ghi nguồn trích dẫn văn bản đúng quy định là ghi rõ: tên tác giả, tên tài liệu, nhà xuất bản, năm xuất bản, trang được trích dẫn...

Trong thời gian gần đây, người đọc phân vân về sự khác nhau của văn bản "Tuyên ngôn Độc lập" trong hai bộ sách giáo khoa. Cơ sở để giải thích chính là nguồn trích dẫn văn bản.

Sự khác nhau của văn bản "Tuyên ngôn Độc lập" trong 2 bộ sách

Bản "Tuyên ngôn Độc lập" của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử quan trọng của dân tộc, là áng văn chính luận mẫu mực, là kết tinh của tư tưởng tiến bộ, văn minh của nhân loại. Nên nhiều giáo viên và học sinh phân vân bởi văn bản "Tuyên ngôn Độc lập" trong hai bộ sách có nhiều chỗ khác nhau.

Theo đó, bản in trong sách Ngữ văn 12 (Chương trình giáo dục phổ thông 2018), tập 2 bộ Cánh Diều của Lã Nhâm Thìn, Đỗ Ngọc Thống đồng Tổng Chủ biên và trong sách Ngữ văn 12 (Chương trình 2006), tập 1 của Phan Trọng Luận Tổng Chủ biên có nhiều chỗ khác nhau.

Xét về nội dung, nhiều người cho rằng không có sự khác nhau đáng kể của những câu văn chứa những chi tiết trên. Còn với tác giả sách Cánh Diều, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống đã giải thích trên trang cá nhân của mình, nguyên nhân của sự khác nhau này là do hai văn bản trong hai bộ sách giáo khoa được lấy từ hai nguồn tài liệu khác nhau.

Nguồn văn bản "Tuyên ngôn Độc lập" in trong sách Ngữ văn 12 (Chương trình 2006) được chú thích như sau: "Hồ Chí Minh, toàn tập", tập 4, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.

Còn nguồn văn bản in trong sách Cánh Diều (Chương trình giáo dục phổ thông 2018) là: "Hồ Chí Minh, Toàn tập", tập 4, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.

Dựa vào năm xuất bản, hai tài liệu in ấn cách nhau 16 năm nên có đôi chỗ khác nhau. Nhưng vì sao một tác phẩm bất hủ lại có sự khác nhau trong những lần tái bản như vậy?

Trên trang cá nhân của mình, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống đã lý giải như sau:

"Trong tài liệu xuất bản 2011, ban biên tập còn ghi chú rất rõ: Bản "Tuyên ngôn Độc lập" này, chúng tôi lấy nguồn từ báo Cứu quốc, số 36, ngày 05/9/1945. Các lần xuất bản trước được lấy nguồn từ bản sao băng ghi âm của Viện Hồ Chí Minh".

Như vậy, hai bộ sách giáo khoa chọn hai văn bản trong hai tài liệu khác nhau nên có đôi chỗ không thống nhất với nhau. Tuy nhiên, do hai bộ sách này đều được dùng để giảng dạy chính thức trong nhà trường nên giáo viên và học sinh có tâm lý lo lắng cũng là điều dễ hiểu, nhất là với học sinh chưa đủ nhận thức để giải thích sự khác nhau này.

Bài thơ Tiếng Việt của nhà thơ Lưu Quang Vũ.

Bài thơ Tiếng Việt của nhà thơ Lưu Quang Vũ.

Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia từng gây tranh cãi về ngữ liệu

Cụ thể, trong đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2016, ở phần đọc hiểu, ngữ liệu trích trong bài thơ "Tiếng Việt" của nhà thơ Lưu Quang Vũ; ở dòng thứ ba có câu: "Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa". Nhưng theo nhiều giáo viên, bản gốc của đoạn trích này phải là "Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa".

Trước thông tin đề thi vướng sai sót, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời phản hồi, tránh dư luận không đúng có thể ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh. Căn cứ để Bộ Giáo dục và Đào tạo chứng minh ngữ liệu đề thi lựa chọn hoàn toàn chính xác là dựa vào nguồn trích dẫn văn bản để tìm tài liệu đối chiếu.

Trên đề thi có ghi nguồn gốc của ngữ liệu đầy đủ như: "Trích "Tiếng Việt" - Lưu Quang Vũ, "Thơ Việt Nam 1945-1985", Nhà Xuất bản Giáo dục, 1985, tr. 218".

Theo đó, năm xuất bản của tài liệu là 1985, tức là sách được xuất bản trong thời gian nhà thơ Lưu Quang Vũ còn sống. Điều đó càng khẳng định độ tin cậy của văn bản "Tiếng Việt" xét từ phương diện nội dung đến cơ sở pháp lý. Từ đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định ngữ liệu đề thi là hoàn toàn chính xác, không có sai sót và khẳng định trách nhiệm cao của bộ phận ra đề.

Một số so sánh khác nhau của bản Tuyên ngôn Độc lập từ nhiều nguồn.

Một số so sánh khác nhau của bản Tuyên ngôn Độc lập từ nhiều nguồn.

Nguồn trích dẫn văn bản chính xác, khoa học rất quan trọng

Từ hai sự việc trên, có thể nói việc ghi nguồn trích dẫn văn bản một cách chính xác, đầy đủ, chi tiết và đúng quy định là rất quan trong. Không thể xem đây là việc nhỏ mà dễ dãi, coi thường. Từ nguồn trích dẫn văn bản, người đọc có thể đi tìm tài liệu chứa văn bản để đối chiếu khi cần thiết. Nhất là trong bối cảnh bộ môn Ngữ văn hiện hành, đề kiểm tra đánh giá không được lấy lại ngữ liệu trong ba bộ sách giảng dạy.

Vì thế, bài học đầu tiên cho những giáo viên đang giảng dạy bộ môn Ngữ văn là khi chọn lựa ngữ liệu văn bản để xây dựng đề kiểm tra, giáo viên cần xem việc ghi nguồn chính xác, khoa học là một cách giáo dục học sinh. Bởi Chương trình Ngữ văn 2018 có dạy cho các em cách ghi trích dẫn, chú thích trích dẫn, cách lập danh mục tài liệu tham khảo… Những nội dung kiến thức cơ bản này sẽ giúp cho các em biết vận dụng và vận dụng một cách chính xác trong một bài nghiên cứu và viết báo cáo (chuyên đề học tập) hay bài tiểu luận sau này.

Bài học thứ hai là khi chọn ngữ liệu thiết kế đề kiểm tra, để tránh tranh cãi không đáng có thì giáo viên nên ghi nguồn văn bản đúng theo quy định.

Sách giáo khoa là một công trình khoa học được biên soạn kỹ càng, trải qua nhiều lần thẩm định, được cấp phép dùng để giảng dạy trong nhà trường nên đảm bảo tính khoa học, chính xác và tính giáo dục. Vì thế, khi gặp văn bản ngữ liệu có chỗ khác so với bản in quen thuộc, trước hết giáo viên cần bình tĩnh đối chiếu hai nguồn trích dẫn, cần thiết đối chiếu văn bản với tài liệu chứa văn bản. Đôi khi cùng một tài liệu nhưng thời gian xuất bản khác nhau cũng có thể khác nhau. Đó là dị bản, một đặc trưng của văn bản văn học.

Trần Văn Tâm

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/nguon-trich-dan-van-ban-dung-quy-dinh-la-co-so-de-xac-thuc-khi-can-thiet-179250122155634554.htm
Zalo