Tài sản Nga bị phong tỏa: Moscow có động thái bất ngờ, các quốc gia phương Tây 'không thân thiện' bị 'gọi tên'
Ngày 21/1, báo Izvestia trích dẫn tài liệu từ ủy ban pháp lý của chính phủ Nga đưa tin, chính quyền đất nước đang soạn thảo một dự luật mới cho phép tịch thu tài sản thuộc về những quốc gia phương Tây.
Dự luật đề xuất quy trình pháp lý chi tiết, trong đó, nhấn mạnh rằng, các tài sản nước ngoài bị nhắm đến sẽ được chuyển sang sở hữu Nhà nước Nga sau khi có phán quyết từ tòa án trọng tài.
Danh sách các tài sản và quỹ bị tịch thu sẽ do Ủy ban đầu tư nước ngoài của Nga lập ra.
Hồi tháng 5/2024, Tổng thống Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh đặt nền tảng cho việc tịch thu tài sản của các công ty và cá nhân Mỹ nhằm bù đắp cho các tài sản Moscow bị chính quyền Washington chiếm giữ.
Nếu được thông qua, dự luật này sẽ nhắm đến các quốc gia phương Tây “không thân thiện” và các cá nhân liên quan, cho phép xứ bạch dương tịch thu tài sản như một hình thức bồi thường cho các thiệt hại tài chính mà Nga phải chịu do việc bị tịch thu trái phép tài sản của mình.
Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, nền kinh tế lớn nhất thế giới và các đồng minh đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD tài sản quốc gia Nga tại Euroclear - một tổ chức tài chính có trụ sở ở Brussels.
Gần đây, Kiev đã liên tục kêu gọi phương Tây sử dụng tài sản Nga để mua sắm vũ khí và tái thiết quốc gia này.
Chính quyền của ông Joe Biden đã ủng hộ đề xuất trên, nhưng nhiều quốc gia châu Âu lên tiếng phản đối do lo ngại về tính hợp pháp và tác động tiêu cực đến hệ thống tài chính phương Tây.
Phía Điện Kremlin nhiều lần lên án các hành động đóng băng tài sản này là “ăn cắp” và cảnh báo, việc sử dụng những quỹ đó là bất hợp pháp, tạo tiền lệ nguy hiểm.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh: "Moscow sẽ khởi kiện chống lại bất kỳ bên nào liên quan việc chiếm đoạt tài sản của quốc gia này".