Quy định mới về quản lý dạy thêm học thêm: nhiều trường than khó

Liên quan đến quy định tại Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT về quản lý dạy thêm, học thêm, cán bộ quản lý tại nhiều trường phổ thông Hà Nội đã nêu lên những bất cập, băn khoăn; mong có giải pháp tháo gỡ, nhất là khi kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi lớp 10 THPT 2025 đang đến gần.

Vênh với thực tế

Trao đổi về những quy định mới tại Thông tư 29, các nhà trường hiểu tinh thần của Bộ GD&ĐT không cấm dạy thêm, học thêm chính đáng và mục đích là quản lý hoạt động này một cách phù hợp, hiệu quả. Đồng tình với các quy định của Bộ GD&ĐT đưa ra nhưng soi vào thực tế, hiệu trưởng nhiều trường phổ thông tại Hà Nội tiếp tục nêu những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thông tư.

Nhiều học sinh có nhu cầu học thêm trong nhà trường.

Nhiều học sinh có nhu cầu học thêm trong nhà trường.

Cụ thể, tại Thông tư 29 có quy định 3 đối tượng dạy thêm học thêm trong trường nhưng không được thu tiền gồm: học sinh có kết quả học tập chưa đạt, học sinh được chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh ôn cuối cấp và với đối tượng nào thì việc dạy thêm cũng không quá 2 tiết/tuần. Còn lại, giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh phương pháp tự học, tự tìm tòi để thẩm thấu những nội dung đã được học trên lớp, tránh chuyện học thêm theo kiểu dồn ép kiến thức, không mang lại hiệu quả.

Theo Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) Nguyễn Minh Phi, năm 2024, Hà Nội tăng 5 bậc tại kỳ thi tốt nghiệp THPT (từ vị trí 16 lên vị trí 11). Kết quả này là rất đáng ghi nhận, thể hiện sự cố lực, cố gắng vượt bậc của toàn ngành nói chung và các trường THPT nói riêng. Phát huy thành quả đó, đơn vị đang thực hiện tốt nhiệm vụ và kế hoạch năm học nhưng sau khi nhận được Thông tư 29, nhà trường bắt đầu cho cho dừng toàn bộ hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường.

“Có một điều chúng tôi rất trăn trở đó là, năm 2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, điều này dẫn đến bỡ ngỡ cho cả thầy và trò. Với học sinh, nếu không có quá trình chuẩn bị và ôn tập kỹ thì kết quả thi tốt nghiệp THPT khó có thể đạt như kỳ vọng”, nhà giáo Hoàng Minh Phi chia sẻ.

Đồng quan điểm, Hiệu trưởng Trường THPT Minh Hà (huyện Thạch Thất) Nguyễn Hữu Khương cho biết: Năm 2025 là năm đầu tiên Trường THPT Minh Hà có học sinh lớp 12 dự thi tốt nghiệp THPT. Với điểm đầu vào tương đối khiêm tốn (19 điểm), ngay từ đầu năm học 2024 – 2025, trường đã tổ chức kế hoạch bồi dưỡng học sinh. Tuy nhiên, một số quy định tại Thông tư 29 phần nào gây bất cập cho các nhà trường THPT nói chung và trường có đầu vào thấp như THPT Minh Hà nói riêng. Đơn cử như việc thông tư chỉ cho phép các nhà trường triển khai dạy thêm 2 tiết/tuần là chưa đủ”.

Mong sớm có giải pháp

Không chỉ với cấp THPT, nhiều cán bộ quản lý cấp THCS, tiểu học cũng chỉ ra một số bất cập về công tác quản lý dạy thêm, học thêm theo quy định tại Thông tư 29.

Nhiều trường học băn khoăn về quy định dạy thêm, học thêm, nhất là với đối tượng học sinh cuối cấp.

Nhiều trường học băn khoăn về quy định dạy thêm, học thêm, nhất là với đối tượng học sinh cuối cấp.

Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Xá (huyện Gia Lâm) Nguyễn Thị Hải Yến nêu câu hỏi: “Các nhà trường triển khai mô hình dạy 2 buổi/ngày có vi phạm Thông tư 29 không vì liên quan việc thu kinh phí dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Thông tư quy định về việc chỉ được dạy thêm trong nhà trường với 3 đối tượng (học sinh giỏi, học sinh kém, học sinh cuối cấp) và không thu phí nhưng lại có điều mục “kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật”. Vậy khoản thu nào là khoản thu hợp pháp? Ngoài ra, việc triển khai dạy bổ trợ tiếng Anh hay hoạt động liên quan dạy các môn học khác bằng tiếng Anh, các môn ngoại ngữ 2 (tiếng Nhật, tiếng Hàn) có vi phạm quy định dạy thêm - học thêm không?”

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường THCS Dị Nậu (huyện Thạch Thất) Cấn Văn Bình cho biết: các cơ sở giáo dục băn khoăn vì quy định quản lý dạy thêm, thêm học thêm, đặc biệt với vùng nông thôn và vùng kinh tế còn khó khăn.

“Dạy thêm trong nhà trường có ưu điểm là mức giá thấp, được triển khai nhiều năm, có nền nếp, góp phần nâng cao chất lượng dạy - học và hoàn toàn tự nguyện. Nay cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường (có thu phí) thì học sinh có nhu cầu học thêm sẽ phải tự tìm đến các cơ sở giáo dục ngoài nhà trường với giá cao hơn mà chất lượng chưa được kiểm định. Cơ sở vật chất, nền nếp dạy học tại các cơ sở ngoài nhà trường, nhất là khu nông thôn khó đáp ứng yêu cầu. Phần lớn phụ huynh đi làm cả ngày và có nguyện vọng cho học thêm tại trường, ngoài việc được học kiến thức, các con còn được quản lý và bảo đảm an toàn.

Không những vậy, Thông tư 29 có hiệu lực vào đầu học kỳ II, tức là giữa năm học 2024 – 2025; trong khi đó các nhà trường đã xây dựng và được phê duyệt kế hoạch dạy học ngay từ đầu năm học (bao gồm cả dạy thêm học thêm) thì nay lại phải điều chỉnh, tạo khoảng trống hụt hẫng với giáo viên, nhà trường…”, Hiệu trưởng Trường THCS Dị Nậu bày tỏ.

Một cán bộ quản lý tại huyện Ba Vì cho hay ngoài áp lực về mức phí cao thì việc phụ huynh tại Ba Vì tìm cơ sở học thêm ngoài nhà trường sẽ gặp nhiều khó khăn vì hiện địa bàn chưa có cơ sở dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.

Trước những bất cập nêu trên, các nhà trường mong muốn Sở GD&ĐT Hà Nội sớm tham mưu UBND TP ban hành hướng dẫn chi tiết về công tác dạy thêm, học thêm để vừa bảo đảm thực hiện đúng quy định, vừa phù hợp với tình hình địa phương.

Về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở mong muốn các đơn vị, nhà trường tiếp tục đưa ý kiến trao đổi; từ đó sẽ tổng hợp, báo cáo, tham mưu UBND TP ban hành văn bản hướng dẫn để thống nhất trong thực hiện trên phạm vi toàn TP.

Bạn đọc xem Thông tư 29 TẠI ĐÂY

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quy-dinh-moi-ve-quan-ly-day-them-hoc-them-nhieu-truong-than-kho.html
Zalo