ĐH Sư phạm Hà Nội mở 5 ngành mới, tăng chỉ tiêu, bỏ xét học bạ
Theo thông tin từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trong mùa tuyển sinh năm 2025, trường dự kiến mở 5 ngành học mới, tăng 1.000 chỉ tiêu và bỏ phương thức xét học bạ.
Bỏ phương thức xét tuyển học bạ
Năm 2025, Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội dự kiến xét tuyển theo 3 phương thức gồm: xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025; xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thí sinh có năng lực, thành tích vượt trội; xét tuyển dựa trên điểm thi đánh giá năng lực - SPT (bài thi đánh giá năng lực do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức) năm 2025.
Phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 áp dụng với tất cả ngành, chương trình đào tạo. Nhà trường xét điểm tổ hợp 3 môn thi tốt nghiệp THPT. Riêng với các ngành năng khiếu (Giáo dục mầm non, Giáo dục thể chất, Sư phạm âm nhạc, Sư phạm mỹ thuật) sẽ xét điểm tổ hợp 3 môn bao gồm môn thi tốt nghiệp THPT và môn thi năng khiếu. Thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển theo phương thức này.
Ngoài việc thỏa mãn điều kiện chung, thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức này cần phải tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với các môn thi tương ứng với tổ hợp xét tuyển vào ngành, chương trình đào tạo mà thí sinh có nguyện vọng theo học.
Riêng với các ngành Giáo dục mầm non, Giáo dục thể chất, Sư phạm âm nhạc, Sư phạm mỹ thuật, thí sinh còn phải tham dự kỳ thi năng khiếu năm 2025 do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức để lấy điểm thi năng khiếu xét tuyển kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT.
Phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thí sinh có năng lực, thành tích vượt trội cũng áp dụng với tất cả ngành, chương trình đào tạo, gồm diện xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT và ưu tiên xét tuyển theo quy định của trường. Thí sinh chỉ được đăng ký duy nhất một nguyện vọng xét tuyển theo phương thức này.
Phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi đánh giá năng lực - SPT năm 2025 áp dụng với 45/50 ngành, chương trình đào tạo, trừ các ngành năng khiếu: Giáo dục mầm non, Giáo dục thể chất, Sư phạm âm nhạc, Sư phạm mỹ thuật. Nhà trường xét điểm tổ hợp 3 môn thi SPT. Thí sinh được đăng ký tối đa 2 nguyện vọng xét tuyển theo phương thức này.
Ngoài việc thỏa mãn điều kiện chung, thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức này cần tham dự kỳ thi SPT năm 2025 với các môn thi (toán, ngữ văn, tiếng Anh, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý) tương ứng với tổ hợp xét tuyển vào ngành, chương trình đào tạo mà thí sinh có nguyện vọng theo học.
Thí sinh nếu đã dự thi đánh giá năng lực chuyên biệt do Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh tổ chức trước ngày 19/5/2025 và không dự thi kỳ thi SPT thì có thể đăng ký sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực chuyên biệt để xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội theo phương thức này.
Với riêng các ngành đào tạo giáo viên, nhà trường cập nhật chỉ tiêu chính thức sau khi nhận được công văn của Bộ GD&ĐT về phân bổ số lượng chỉ tiêu các ngành đào tạo giáo viên năm 2025.
Dự kiến mở 5 ngành học mới
Năm 2025, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội dự kiến tuyển 4.995 sinh viên vào 50 ngành, chương trình đào tạo đại học chính quy thuộc 9 lĩnh vực; tăng gần 1.000 chỉ tiêu so với năm 2024.
5 ngành mới dự kiến gồm: Công nghệ sinh học, Vật lý học (Vật lý bán dẫn và kỹ thuật), Lịch sử, Xã hội học, Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam.
Đối tượng, điều kiện dự tuyển đối với tất cả ngành đào tạo của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là thí sinh đã được công nhận tốt nghiệp THPT của Việt Nam hoặc có bằng tốt nghiệp THPT của nước ngoài được công nhận trình độ tương đương. Đồng thời, có kết quả rèn luyện (hạnh kiểm) tất cả 6 học kỳ cấp THPT đạt loại Khá trở lên.
Điều kiện dự tuyển (ngưỡng đầu vào) riêng với các ngành sư phạm là: kết quả học tập (học lực) trong cả 3 năm cấp THPT xếp mứcTốt trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên, trừ các ngành đặc thù Giáo dục thể chất, Sư phạm âm nhạc, Sư phạm mỹ thuật.
Đối với các ngành Giáo dục thể chất, Sư phạm âm nhạc, Sư phạm mỹ thuật, kết quả học tập (học lực) trong cả 3 năm cấp THPT cần xếp mứcKhá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên.