Mối nguy từ trà nóng, canh nóng
Thói quen uống trà nóng, canh nóng trên 65 độ C làm tăng nguy cơ tổn thương thực quản, thậm chí dẫn tới ung thư.
Bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa Trịnh Hồng Chí (Trung Quốc) cảnh báo rằng việc duy trì thói quen ăn uống không hợp lý, đặc biệt là thường xuyên dùng canh hoặc đồ uống quá nóng, có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc ung thư thực quản.
Ông dẫn chứng trường hợp một nam bệnh nhân luôn ăn cơm kèm theo bát canh nóng hổi mỗi ngày. Về sau, người này cảm thấy nuốt khó, tức ngực nên đi khám.

Bạn không nên uống trà quá nóng. Ảnh minh họa: Ban Mai
Ban đầu, bệnh nhân điều trị tại khoa tai mũi họng một thời gian nhưng tình trạng không cải thiện. Khi chuyển đến phòng khám của bác sĩ Trịnh, anh được nội soi và phát hiện phần dưới thực quản xuất hiện tổn thương tiền ung thư.
Nguyên nhân được cho là thói quen uống canh nóng trong thời gian dài, dẫn đến niêm mạc thực quản bị kích thích và tổn thương liên tục.
Theo bác sĩ Trịnh, thực quản là cơ quan yếu hơn dạ dày vì không có lớp niêm mạc dày bảo vệ. Khi một người thường xuyên tiếp xúc với đồ ăn hoặc đồ uống quá nóng, lớp niêm mạc mỏng dễ bị bỏng rát, lâu ngày sẽ dẫn đến tổn thương sâu và tăng nguy cơ biến đổi tế bào. Đặc biệt, phần thực quản dưới (gần dạ dày) có thể bị ảnh hưởng bởi cả nhiệt độ cao và tình trạng trào ngược axit, khiến quá trình phục hồi càng khó khăn hơn, từ đó làm gia tăng nguy cơ ung thư.
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế đã xếp các loại đồ uống nóng trên 65 độ C vào nhóm 2A - những chất có khả năng gây ung thư cho con người. Một nghiên cứu ở Iran ghi nhận, những người uống trà nóng hoặc canh nóng mỗi ngày có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn đến 90% so với những người dùng đồ uống ở nhiệt độ thấp hơn.
Để bảo vệ thực quản, bác sĩ Trịnh khuyến cáo mọi người nên thay đổi thói quen ăn uống đồ quá nóng. Ông đưa ra 3 cách đơn giản để nhận biết và điều chỉnh:
- Cảm thấy nóng thì nên chờ: Nếu ngụm đầu tiên khiến lưỡi bị bỏng rát hoặc cảm giác tê nhức, điều đó cho thấy nhiệt độ còn quá cao. Bạn không nên cố uống vì mỗi ngụm như vậy đều có thể làm tổn thương thực quản.
- Dùng đầu lưỡi kiểm tra và khuấy canh để giảm nhiệt: Đầu lưỡi rất nhạy cảm, có thể dùng để kiểm tra nhiệt độ bằng cách chạm nhẹ vào miệng cốc hoặc thìa. Nếu còn thấy nóng, nên chờ thêm vài phút hoặc khuấy đều để nhiệt phân tán đều. Có thể đổ ra nắp cốc để thử trước khi uống.
- Uống từng ngụm nhỏ, tránh nuốt vội: Uống từng ngụm nhỏ sẽ giúp hơi nóng phân tán trong miệng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với thực quản. Tránh uống liên tục và nên có khoảng nghỉ giữa các ngụm để thực quản thích nghi với nhiệt độ.