Người trẻ 'thắp lửa' tình yêu lịch sử, văn hóa
Không hề thờ ơ với lịch sử, giới trẻ Việt Nam ngày càng dành nhiều sự quan tâm, tìm hiểu về lịch sử và văn hóa truyền thống.
Nhiều tác phẩm nghệ thuật, chương trình, sự kiện được chính các bạn trẻ trực tiếp tham gia tổ chức nhằm khơi gợi tinh thần dân tộc, niềm tự hào và lòng yêu nước.
Linh hoạt trong cách tiếp cận
Những câu chuyện lịch sử cùng với nét đẹp văn hóa truyền thống làm nên niềm tự hào của mỗi quốc gia, dân tộc. Trong dòng chảy của thời đại giao thoa văn hóa hiện nay, nhiều bạn trẻ lại trăn trở tìm về những giá trị xưa cũ với mong muốn góp phần bảo tồn và phát huy những tinh hoa được cha ông bao đời tích lũy, vun đắp.
Trước đây, khi nhắc đến lịch sử, mọi người thường nghĩ tới việc tiếp cận bằng những phương diện, tài liệu truyền thống như sách, báo hay những bài học trên giảng đường. Tuy nhiên hiện nay, các phương tiện truyền thông phát triển ngày một mạnh mẽ, sự đổi mới trong cách tiếp cận thông qua mạng xã hội đã đưa văn hóa, lịch sử “chạm” gần tới thế hệ trẻ hơn.
Sự phát triển của công nghệ số đã góp phần không nhỏ trong việc tạo ra sự đa dạng về cách tìm hiểu và đón nhận lịch sử. Khung cảnh đất nước thời xa xưa không còn dừng lại trên những trang tài liệu, lời giảng của thầy, cô mà được tái hiện chân thực và sinh động thông qua những thước phim, hình ảnh hay những sự kiện văn hóa độc đáo.
Nhờ vậy, các hoạt động tìm hiểu về sự kiện lịch sử, văn hóa nước nhà nhận được sự quan tâm của đông đảo người trẻ. Từ đó, làm dấy lên phong trào tìm hiểu về lịch sử và văn hóa dân tộc. Từ không quan tâm, hiện nay nhiều bạn trẻ cảm thấy thích thú và dung nạp được nhiều kiến thức về các sự kiện lịch sử, các anh hùng dân tộc, văn hóa Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử, cổ phong, cổ phục Việt...
Em Phạm Đức Trung (17 tuổi, học sinh Trường THPT Đoàn Thị Điểm, Hà Nội) chia sẻ: “Cách đây vài tháng, qua các phương tiện truyền thông đại chúng, em có đọc được những thông tin về show diễn tại Nhà tù Hỏa Lò. Vì tò mò nên em có rủ các bạn cùng đi xem. Trước đó, em chỉ biết đây là một trong những di tích lịch sử nổi tiếng ở Thủ đô Hà Nội song cũng không để tâm tìm hiểu kỹ”.
Đức Trung cho biết, dù đã đọc và tham khảo một số tư liệu từ trước song em vẫn bị bất ngờ, không nghĩ là trải nghiệm lại chân thật đến thế. Không chỉ là các hiện vật với những dòng chú thích mà tại đây, khung cảnh được dàn dựng một cách chân thực, các diễn viên diễn xuất vô cùng xuất sắc.
Bên cạnh đó, chất giọng mạnh mẽ, truyền cảm của người thuyết minh khiến Đức Trung như được sống lại trong khói lửa của một thời gian khó. Các bạn trẻ vô cùng xúc động trước tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm của các anh hùng dân tộc, đồng thời, phẫn nộ với tội ác của thực dân Pháp đã gây ra cho nhân dân ta.
“Sau chuyến “du hành thời gian” kéo dài hai tiếng, em có cái nhìn khác hẳn về lịch sử. Không hề dài dòng và nhàm chán, lịch sử nước nhà được khắc họa một cách sinh động, tuy bi thương nhưng vô cùng hào hùng.
Em thật sự cảm thấy biết ơn công lao và sự hi sinh vĩ đại của cha anh đi trước, để chúng em được sống và học tập trong thời kì đất nước độc lập, hòa bình. Em thấy rất cần thiết nhân rộng mô hình tour tham quan này ở nhiều địa điểm và di tích lịch sử khác”, Đức Trung xúc động chia sẻ cảm nhận.
Trịnh Thị Ngọc Trâm (20 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết em rất thích xem những sản phẩm âm nhạc khai thác chất liệu văn hóa lịch sử, đó cũng là một cách tiếp cận đầy mới mẻ và không hề nhàm chán.
“Cách đây một thời gian, MV ca nhạc “Không thể cùng nhau suốt kiếp” của ca sĩ Hòa Minzy có lồng ghép nội dung mang yếu tố lịch sử, với câu chuyện về cuộc đời của Nam Phương Hoàng hậu - vợ của vua Bảo Đại. Sản phẩm được đầu tư chỉn chu và tỉ mỉ từ cốt truyện, trang phục, bối cảnh… đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội.
Từ đây, nhiều thông tin về Nam Phương Hoàng hậu, về vua Bảo Đại, về đời sống nhân dân dưới thời Nguyễn được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội. Rõ ràng, với âm nhạc, các tình tiết lịch sử sẽ trở nên hấp dẫn và trực quan sinh động hơn rất nhiều. Bản thân mình cũng nhờ vậy mà có thêm nhiều kiến thức về văn hóa, lịch sử Việt Nam”, Ngọc Trâm cho biết.
Trao đổi với phóng viên Báo GD&TĐ, PGS.TS Lâm Minh Châu - giảng viên Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, thế hệ trẻ ngày nay không hề thờ ơ với lịch sử như nhiều người vẫn nghĩ.
“Nhiều người vẫn hay ca thán rằng giới trẻ ngày nay không thích học lịch sử, không coi trọng truyền thống văn hóa. Tuy nhiên theo tôi, ý kiến này không thực sự khách quan. Ngược lại, tôi tin rằng sinh ra, lớn lên trong thời đại giao thoa văn hóa, thế hệ trẻ ngày nay lại càng có ý thức bảo tồn, gìn giữ nét đẹp và giá trị truyền thống của dân tộc.
Họ yêu lịch sử theo những cách riêng của mình. Có chăng, cách thức truyền tải lịch sử và văn hóa đến với lớp trẻ cần phải hấp dẫn hơn, thu hút hơn”, PGS.TS Lâm Minh Châu nhìn nhận.
Tự hào vẻ đẹp văn hóa truyền thống
Không chỉ tiếp cận và tìm hiểu những kiến thức lịch sử, các bạn trẻ ngày nay còn góp phần lan tỏa và truyền tải những nét đẹp văn hóa, những giá trị cổ truyền đến với cộng đồng một cách rất “gen Z”, mới mẻ và không hề nhàm chán.
Những năm gần đây, trào lưu mặc và phục dựng cổ phục đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của giới trẻ. Không chỉ là những hiện vật trưng bày trong bảo tàng hay xuất hiện trong các tác phẩm nghệ thuật, cổ phục Việt giờ đây đã dần đi vào đời sống thường ngày của các “cô chiêu cậu tú”.
Có thể nói, làn sóng phục dựng, nghiên cứu và quảng bá những giá trị văn hóa của cổ phục Việt trong những thời kỳ trước đang dần tạo thành xu hướng được giới trẻ đón nhận nhiệt tình.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hoàng Hưng (29 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ, hiện nay có rất nhiều bạn trẻ, cặp đôi lựa chọn cổ phục Việt để chụp ảnh trong các dịp quan trọng như đám cưới, làm kỷ yếu tốt nghiệp… Anh Hoàng Hưng cảm thấy kho tàng cổ phục nước ta rất đẹp, đa dạng, phong phú, mang đậm dấu ấn, bản sắc của từng thời kỳ lịch sử như áo Tấc, Nhật Bình, Ngũ thân, Giao Lĩnh… Vì vậy, anh thường tư vấn cho khách lựa chọn trang phục này trong những bộ ảnh của mình và họ cũng nhiệt tình đón nhận.
“Những bộ cổ phục, áo dài làm tôn lên vẻ đẹp và sắc vóc của người mặc một cách thanh lịch, kín đáo. Ngoài ra, nó còn góp phần nâng niu những giá trị văn hóa truyền thống của những thế hệ đi trước”, anh Hoàng Hưng chia sẻ.
Mới đây, nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, Ngày hội Việt phục “Bách Hoa bộ hành” lần thứ IV của nhóm tác giả Bách Hoa bộ hành (Việt phục xuống phố) do Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội phối hợp cùng Tạp chí Kiến trúc tổ chức thực hiện đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân, đặc biệt là các bạn trẻ. Với sự góp mặt của gần 500 người, Ngày hội Việt phục “Bách Hoa bộ hành” năm nay được xem là lễ hội diễu hành cổ phục lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay.
Với chủ đề “Dòng chảy cổ phục”, Ngày hội Việt phục “Bách Hoa bộ hành” là hoạt động ý nghĩa nhằm tôn vinh hồn cốt cổ phục Việt và cổ phục cách tân. Những nội dung hoạt động đi sâu quảng bá, giới thiệu, tôn vinh nét đẹp cổ phục Việt, giúp khán giả tìm hiểu thêm những nét văn hóa đặc sắc thông qua trang phục truyền thống của Việt Nam qua các thời kỳ.
Đồng thời, đây cũng là dịp để các cá nhân, nhóm nghiên cứu, sưu tầm và ứng dụng được giới thiệu, giao lưu những bộ cổ phục được dày công sáng tạo dựa trên tình yêu và mong muốn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.
Trịnh Thị Hà Vi (25 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) - tình nguyện viên tham gia chương trình diễu hành cổ phục cho biết cô vô cùng hào hứng và tự hào khi khoác trên mình bộ cổ phục Việt.
“Trước đây, tôi chưa từng được mặc cổ phục, vì vậy rất phấn khích khi tham gia sự kiện lần này. Tôi tới đây từ sớm cùng với đoàn diễu hành. Mọi người xuất phát từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, đi qua Nhà hát Lớn Hà Nội, Quảng trường Cách mạng tháng Tám, đi dọc phố Tràng Tiền và tiến vào phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm.
Với tôi, cổ phục Việt không chỉ đẹp, mà còn là biểu tượng cho nét văn hóa độc đáo và vô cùng quý báu của dân tộc. Tôi mong rằng với sự nỗ lực của những người trẻ, nét đẹp của cổ phục Việt sẽ được phổ biến đến với nhiều người hơn.
Từ những trang phục cổ ấy, chúng ta có thể nhìn thấy cả một giai đoạn lịch sử đầy thăng trầm với những nét văn hóa truyền thống riêng biệt, để thêm hiểu, thêm yêu lịch sử nước nhà”, Trịnh Thị Hà Vi tự hào chia sẻ về trải nghiệm lần đầu tiên mặc cổ phục Việt.
Khi xã hội phát triển, nhịp sống trôi đi ngày càng gấp gáp thì những nét đẹp của lịch sử, những giá trị truyền thống càng cần được bảo tồn. Có thể nói, việc các bạn trẻ ngày càng quan tâm và có ý thức tìm hiểu, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc là một tín hiệu đáng mừng.
Thế hệ trẻ không hề vô tâm, lãng quên lịch sử. Họ hướng về quá khứ theo những cách rất riêng, độc đáo và mang hơi thở của thời đại, phù hợp trong sự phát triển chung của xã hội, của nhân loại.