Người trẻ 'giữ lửa' nghề truyền thống

Giữa nhịp sống hiện đại, nhiều người trẻ vẫn chọn quay về với những giá trị xưa cũ - không phải để hoài niệm, mà để kể tiếp câu chuyện ấy theo cách của riêng mình với sự sáng tạo và niềm tin vào văn hóa Việt.

Khuê Nghi và những sản phẩm gốm đặc biệt.

Khuê Nghi và những sản phẩm gốm đặc biệt.

Không đơn giản chỉ là lựa chọn

Tốt nghiệp trường đại học ở nước ngoài với 4 năm hoạt động trong lĩnh vực truyền thông sáng tạo, chị Khuê Nghi (28 tuổi, đến từ TPHCM) đã khiến nhiều người bất ngờ khi từ chối công việc văn phòng để mở xưởng làm gốm Monday Maniac. Trong xưởng của mình, chị tỉ mẩn nặn từng đường nét, vẽ hoa văn bằng tay, pha giữa truyền thống và cảm hứng hiện đại.

Giống như chị Nghi, chị Minh Châu - người sáng lập thương hiệu trâm khảm trai Mun Artisan, cũng mang trong mình sự say mê giữ nghề truyền thống bằng cách riêng của mình. Lớn lên trong làng nghề Chuôn Ngọ (Hà Nội), nơi nổi tiếng với nghề khảm xà cừ, Minh Châu không chỉ kế thừa di sản của gia đình mà còn chủ động đưa nghề vào đời sống hiện đại. Những chiếc trâm cài được cô thiết kế vừa mang nét truyền thống, vừa gần gũi với thẩm mỹ thời trang của giới trẻ. “Mình muốn tiếp tục làm để bảo tồn và phát triển nghề, vì càng ngày càng ít người theo, mình sợ nó sẽ mai một và biến mất” - Minh Châu bày tỏ.

Những người trẻ như Khuê Nghi, Minh Châu... đang mở ra một lối rẽ riêng, không chỉ được gìn giữ mà còn biến nghề truyền thống thành điều gì đó rất mới, rất riêng. Bắt đầu từ đam mê, trải qua sự rèn giũa và học hỏi không ngừng, họ trở thành những truyền nhân đầy sáng tạo trong thời đại mới.

Tuy nhiên, việc lựa chọn theo đuổi con đường đặc biệt này đem đến cho người trẻ không ít băn khoăn… Khuê Nghi cho biết, so với mức thu nhập từ công việc cũ, thì quy mô làm gốm thủ công khi chưa có nhân sự, khó có thể đem được nguồn tài chính ổn định. Có tay nghề và đam mê với văn hóa truyền thống, chỉ bấy nhiêu thôi là chưa đủ để tồn tại trong một thị trường cạnh tranh về chất lượng và thương hiệu. Những sản phẩm thủ công dù mang giá trị văn hóa cao và yêu cầu sự tỉ mẩn, kì công của người làm nghề vẫn đứng trước nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với sản phẩm công nghiệp có giá thành, chất lượng và mẫu mã đa dạng. Việc thuyết phục người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm thủ công với mức giá tương xứng là một thử thách không nhỏ.

Nhưng, khó khăn với nghề truyền thống không chỉ dừng lại ở lợi nhuận. Việc tiếp cận để học hỏi một cách bài bản với người trẻ cũng không hề dễ dàng. Khác với các ngành nghề hiện đại có hệ thống đào tạo chính quy, tài liệu học tập và cộng đồng chuyên môn rộng mở, nghề thủ công truyền thống phần lớn tồn tại trong những xưởng nhỏ gia truyền, nơi kiến thức và kỹ năng được truyền miệng hoặc thực hành nội bộ dòng họ. Chính sự khép kín đó đã vô tình tạo nên bức tường ngăn cách giữa những người muốn học và những người nắm giữ nghề. “Tìm được người thầy đặt chữ tâm để truyền tải hết kiến thức về gốm là một điều rất khó” - Khuê Nghi chia sẻ khi mà gốm vẫn là một nghề cha truyền con nối là chủ yếu, ít ai chịu chia sẻ kiến thức và dạy người ngoài vì họ sợ bị mất nghề.

Không chỉ thiếu người chỉ dạy, việc tự học trong một lĩnh vực thiên về cảm quan, kinh nghiệm như gốm, khảm trai… cũng đặt ra nhiều trở ngại. Có người trẻ học gốm từ những video trên mạng, từ sách vở nước ngoài rồi vừa làm vừa sai, sửa dần theo bản năng. Nhưng không phải ai cũng đủ kiên nhẫn, thời gian và tài chính để đi đường vòng như vậy. Những lò nung sai nhiệt độ, mẻ gốm bị rạn nứt, màu men không ra đúng ý… tất cả đều phải trả giá bằng thời gian và tiền bạc.

Cái khó nữa, là bản thân nghề truyền thống không phải lúc nào cũng “nói tiếng nói hiện đại”. Chất liệu cũ, kỹ thuật đòi hỏi thời gian, không thể rút ngắn bằng máy móc hay dây chuyền, khiến sản phẩm dễ bị xem là chậm nhịp giữa dòng xoáy tiêu dùng nhanh. Việc tìm chỗ đứng cho sản phẩm thủ công giữa thị trường cạnh tranh là một hành trình dài, đòi hỏi không chỉ tài năng mà còn rất nhiều kiên định.

Sản phẩm gương khảm trai do Minh Châu chế tác.

Sản phẩm gương khảm trai do Minh Châu chế tác.

Vừa giữ lửa, vừa thắp sáng

Giữ nghề truyền thống ngày nay không còn chỉ là học đúng, làm giống. Những người trẻ theo đuổi nghề thủ công truyền thống nếu muốn nghề tiếp tục tồn tại thì buộc phải tìm cách thích nghi. Vẫn là những kỹ thuật cũ, chất liệu quen thuộc nhưng phải được thổi vào đó cách nhìn mới, ý tưởng mới sao cho vừa giữ được hồn nghề, vừa khiến nó gần hơn với đời sống hôm nay. Và thế là những phiên bản mới mẻ ra đời: tranh dân gian trên vải tote, gốm truyền thống phối màu pastel, bánh cổ truyền được gói trong bao bì thiết kế hiện đại…

Chính nhờ tư duy sáng tạo và khả năng linh hoạt trong việc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, các sản phẩm thủ công truyền thống đã trở nên gần gũi và hợp thị hiếu của người dùng trẻ. Những sản phẩm như gốm, tranh dân gian, hay bánh cổ truyền không còn đơn giản là những món đồ thủ công mang giá trị văn hóa dân gian, mà đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật, mỗi món đồ là một cách kể chuyện rất riêng của người làm ra nó.

Trong bối cảnh nhiều nghề truyền thống đang dần mai một, vai trò của những người trẻ càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Họ không chỉ là những người tiếp nối, mà còn là những người kiến tạo, mang trong mình ngọn lửa đam mê và tư duy đổi mới. Chính sự dấn thân của họ đã đánh thức những làng nghề từng im ắng suốt bao năm, biến những sản phẩm thủ công từ những món đồ lưu niệm đơn thuần thành những tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân và bản sắc văn hóa Việt, tạo ra một nhịp cầu kết nối quá khứ và hiện tại qua mỗi sản phẩm thủ công họ. Khi người trẻ chạm vào truyền thống bằng chính trái tim mình, văn hóa cũng chuyển mình theo.

Tiến Hưng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nguoi-tre-giu-lua-nghe-truyen-thong-10303517.html
Zalo