Người thầy lặng lẽ cõng chữ lên núi Cà Đam
27 năm công tác, thầy Nguyễn Thanh Tuấn luôn trăn trở khi chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của học trò người Co ở huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi.
Đèo chữ trên lưng
Con đường chính dẫn tới Trường TH&THCS Trà Bùi (huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) mùa mưa này thường xuyên bị đe dọa bởi nguy cơ sạt lở đất. Nhiều hôm mưa bất chợt, nước dâng đột ngột chảy xiết chắn ngang đường đi học.
Trên người vẫn chiếc áo mưa khi sáng, thầy vừa kể vừa rũ bùn đất: “Từ nhà tôi di chuyển 60km mới đến điểm trường do đi đường vòng qua xã bạn, còn có những ngày nước suối về mạnh quá thì phải đi bộ 20km đường đất nhưng luôn quyết tâm mang bằng được con chữ đến cho các em”.
Thời tiết giao mùa khiến đôi chân người thầy đã gần 50 tuổi ấy không khỏi đau nhức, nhưng vẫn không khỏi hân hoan khi chia sẻ về cuộc đời nhà giáo của mình gắn trọn với huyện Trà Bồng từ ngày đồng bào nơi đây còn chưa có điện, đời sống thiếu thốn đủ bề.
Đó là vào năm 1997 trước tình trạng thiếu trầm trọng giáo viên ở các huyện vùng cao, thầy Nguyễn Thanh Tuấn được phân về huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi công tác tại Trường TH&THCS Trà Tân. Đến năm 2010 sau nhiều năm công tác, thầy được luân chuyển đến Trường TH&THCS Trà Bùi giảng dạy cho đến nay.
Huyện Trà Bồng là huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Ngãi, địa hình bị xẻ dọc, chia cắt mạnh bởi các dãy núi dẫn đến không ít trở ngại về điều kiện cơ sở vật. Thầy nhớ lại: “Ngày mới về công tác thấy tôi là người lạ nên các em rất rụt rè khi mới gặp, bản thân tôi lại không biết tiếng Co, do vậy thầy trò mất nhiều thời gian và cả nỗ lực mới làm quen được”.
Năm đầu tiên của thầy Tuấn ở xã Trà Tân không buổi tối nào người dân trong xã không bắt gặp cảnh người thầy giáo trẻ một tay cầm chiếc đèn cốt, một tay cầm gói quà, lúc lại là thức ăn đến nhà đồng bào trong xã, vừa để học tiếng Co đồng thời cũng phổ biến vận động học sinh tới lớp.
Thời điểm ấy thầy Tuấn nghỉ luôn tại trường trên chiếc bàn học xếp tạm, mỗi tháng chỉ tranh thủ về thăm nhà được một lần.
“Ngày đó tôi ăn, ở cùng người dân địa phương dần dần tôi hiểu và giao tiếp thành thạo hơn, sau vài năm tôi đã có thể thông dịch từ tiếng Việt sang tiếng Co để các học trò hiểu bài”, thầy Tuấn chia sẻ
Đến năm 2010 thực hiện theo kế hoạch luân chuyển giáo viên của huyện với Trường TH&THCS Trà Bùi, thầy Tuấn đã tình nguyện về điểm trường ở thôn Tang.
“Tôi cảm thấy sự thôi thúc từ những học trò ngây thơ còn đang chờ đợi, bản thân lại là nhà giáo nam nên tôi càng quyết tâm thay các cô giáo điểm trường chính vào làm công tác giáo dục ở bản làng”, thầy cười hiền.
Thầy cũng cần tự học
Những năm trở lại đây, huyện miền núi Trà Bồng đã được điện hóa, thế nhưng đường đi đến điểm trường của thầy và trò vẫn chỉ là những con đường đất mùa hè bụi mù mịt, mùa mưa thì lầy lội, toàn xã Trà Bùi còn đến 95% là hộ nghèo.
Chính những khó khăn đó khiến làm thầy Tuấn nhiều đêm trằn trọc khôn nguôi; bao nhiêu trăn trở còn đó trong lòng người thầy mỗi khi nghĩ đến học trò nhỏ của mình.
“Tôi chỉ mong sao các em có đầy đủ sách vở đồ dùng học tập, có ngôi trường vững chắc, con đường bê tông dù nhỏ thôi cũng được để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão thế này”, thầy chia sẻ đầy xúc động.
Đâu đó trên các Nóc (làng), tiếng chiêng, trống của đồng bào Co đưa dòng cảm xúc gợi về miền hồi ức, nơi những câu chuyện còn vang vọng âm hưởng dân ca Xru nhẹ nhàng như suối bên ngọn núi Cà Đam gắn bó với vị nhà giáo đã nửa đời người.
Những năm trước, thầy Tuấn từng nhận kèm cặp một học trò có hoàn cảnh vô cùng khó khăn tên Hồ Minh Thái, em bị câm điếc bẩm sinh, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, không thể có đủ điều kiện đưa em tới trường dành riêng cho trẻ khuyết tật, gia đình đã nghĩ bụng đưa con tới nhờ thầy Tuấn ở điểm trường giúp.
“Tôi chỉ là một giáo viên bình thường, không hề có kinh nghiệm dạy trẻ khuyết tật, do đó vô cùng bối rối nhưng nghĩ đến ngày em ấy tiến bộ tôi đã không bỏ cuộc, tự soạn cho em một chương trình riêng”, thầy cho biết.
Vậy là, thầy trò kèm cặp từng chút một, từ dạy Thái nhận biết con chữ, nhận biết tranh và tô màu theo mẫu, bắt chước thầy làm bài. Thời gian dần trôi hết một năm học, thầy vẫn cần mẫn dạy kèm, chứng kiến học trò trưởng thành theo năm tháng, Thái sang năm thứ hai đã tự viết được tên mình, nhận biết được màu sắc, biết chào hỏi thầy cô giáo bằng những cử chỉ riêng của mình.
“Vào năm học tôi đến tận nhà đưa em tới lớp, thầy trò cùng chơi bóng trên sân trường là những kỉ niệm thực sự khó phai trong suốt cuộc đời cầm phấn của tôi”, thầy tâm sự.
Đồng hành cùng thầy Tuấn ở điểm trường bản Nia, cô Nguyễn Thị Bích Yến – giáo viên Trường TH&THCS Trà Bùi có những lời chia sẻ: “Thầy Tuấn là nhà giáo mẫu mực, luôn gương mẫu với học sinh, dù huyện nhà còn khó khăn nhưng thầy luôn năng nổ, xung phong đi đầu trong công tác giáo dục tại các bản làng vùng sâu vùng xa của huyện, đó là điều đáng tuyên dương”.
Thầy giáo Nguyễn Thanh Tuấn là một trong 60 tấm gương nhà giáo được tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024, do Trung ương Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ GD&ĐT và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức..