Những dấu hiệu bất minh ở Trường Tiểu học Đoàn Kết (Lai Châu)

Cơ quan thường trú TTXVN tại Lai Châu nhận được đơn thư phản ánh về những vi phạm xảy ra ở Trường Tiểu học Đoàn Kết (thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu) như: Điều chuyển giáo viên không đúng quy định; chế độ ăn của học sinh chất lượng thấp; nhiều khoản thu chi nhập nhằng...

Trường Tiểu học Đoàn Kết, thành phố Lai Châu. Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN

Trường Tiểu học Đoàn Kết, thành phố Lai Châu. Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN

Có hay không có đơn xin chuyển trường?

Năm học 2024-2025, Trường Tiểu học Đoàn Kết có 2 giáo viên T.T.H và T.T.T được UBND thành phố Lai Châu ký quyết định “Về việc điều chuyển công tác đối với viên chức” trong tháng 8/2024.

Theo trình bày của cô giáo T.T.H, cô không có nguyện vọng, không viết đơn xin chuyển trường, cũng không thuộc diện giáo viên phải chuyển đi. Hơn nữa, cô H có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, chồng mất năm 2016, công tác trong ngành Giáo dục 25 năm, có chuyên, môn nghiệp vụ tốt nhưng vẫn bị “ép” chuyển trường.

Tiếp xúc với phóng viên, cô T.T.H nghẹn ngào: "Hiệu trưởng cứ ép tôi viết đơn nhưng tôi không viết. Khi thấy tôi không chịu chuyển công tác thì gây khó dễ như liên tục đột xuất dự giờ lớp học và đánh giá tiết dạy khá, trung bình. Mong muốn bây giờ của tôi là được về lại trường cũ công tác".

Phóng viên làm việc với Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Kết Nguyễn Thị Phương (giữa). Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN

Phóng viên làm việc với Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Kết Nguyễn Thị Phương (giữa). Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN

Với trường hợp của cô T.T.T, cô đang là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh nhưng trong biên bản “Họp về điều chuyển công tác, biệt phái viên chức, người lao động” ngày 3/6 của Trường Tiểu học Đoàn Kết lại nhận xét “Nhược điểm: Xếp loại chuyên môn Trung bình”. Ngoài ra, đơn đề nghị biệt phái của cô T ghi rõ ngày 19/6/2024, nhưng ngày 3/6/2024 trường này đã họp bàn xong để chuyển công tác cho cô T.

Bà Nguyễn Thị Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Kết khẳng định, các cô đều có đơn xin chuyển công tác. Nhưng khi phóng viên đề nghị cung cấp đơn xin chuyển công tác của cô T.T.H và tại sao họp nhận xét cô T.T.T chuyên môn “trung bình” thì vị Hiệu trưởng này im lặng và không cung cấp được cho phóng viên.

Thực đơn không như… thực tế

Những ngày cuối tháng 10/2024, nhóm phóng viên đột xuất đến Trường Tiểu học Đoàn Kết để ghi nhận bữa ăn trưa của học sinh.

Phóng viên làm việc với bà Tạ Đặng Phượng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Lai Châu về những dấu hiệu bất minh ở Trường Tiểu học Đoàn Kết. Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN

Phóng viên làm việc với bà Tạ Đặng Phượng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Lai Châu về những dấu hiệu bất minh ở Trường Tiểu học Đoàn Kết. Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN

Ngày 29/10, tại khu vực ăn của học sinh cho thấy, bữa ăn chính chỉ một phần thịt xay nhỏ, vài sợi su su xào, tô nước canh chung cho 4 em học sinh chỉ một ít rau. Thực đơn thực tế cả tuần chủ yếu chỉ toàn thịt gà xay, thịt lợn xay, giò thái hạt lựu. Nhà trường có duy nhất một thực đơn sử dụng trong cả năm học.

Trong khi đó các học sinh ở đây có chế độ ăn 20.000 đồng/ngày. Bảng thực đơn của nhà trường thì rất phong phú như: Thứ Hai là thịt gà rang gừng, trứng rán; thứ Ba có món thịt lợn rim; thứ Năm thịt kho tàu…

Chia sẻ với phóng viên, nhiều học sinh trong trường khẳng định, mình chưa được ăn thịt lợn rim và thịt kho tàu tại trường. Các em chỉ quanh quẩn ăn món thịt lợn xay, thịt gà xay và giò thái hạt lựu.

Một cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Đoàn Kết chia sẻ: "Tôi không dám cho con ăn cơm ở trường. Thường nấu cơm ở nhà mang đi cho con ăn. Tận mắt thấy chia cơm cho học sinh chung một bát, nước thịt với rau ngấm xuống làm cơm nhão. Người lớn còn khó ăn nói gì đến trẻ nhỏ".

Một bữa ăn của học sinh tại Trường Tiểu học Đoàn Kết, thành phố Lai Châu. Ảnh: Nguyễn Oanh/ TTXVN

Một bữa ăn của học sinh tại Trường Tiểu học Đoàn Kết, thành phố Lai Châu. Ảnh: Nguyễn Oanh/ TTXVN

Ngoài chất lượng bữa ăn thấp, phóng viên còn phát hiện danh mục chi tiêu, mua thực phẩm có dấu hiệu bất thường. Bảng kê khai 29 ngày trong tháng 10/2024 của trường, các chỉ số gần như được sao chép lặp đi, lặp lại giữa các ngày. Bất thường nhất là gạo, gas và dầu ăn. Dù học sinh thay đổi về số lượng nhưng hầu như ngày nào nhà trường cũng chi hết 27 kg gạo. Giá thực phẩm qua khảo sát cũng cao hơn so với giá thị trường.

Thủ quỹ nhà trường Trần Thị Yến cho biết: "Trước khi kiểm tra thực phẩm cho nhà bếp chế biến, lượng gạo quy định 27kg. Thế nhưng, khi tôi xuống kiểm tra trước khi bàn giao thì nhà bếp đã ngâm trước 20 kg gạo. Còn lại 7 kg gạo tôi mới được cân sau. Nhiều lần tôi yêu cầu nhà bếp phải để kiểm tra thực phẩm xong rồi mới được nấu nhưng họ bảo phải ngâm gạo nấu trước mới kịp bữa cho học sinh".

Bà Nguyễn Thị Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Kết khẳng định: “Chế độ ăn của học sinh chúng tôi không cắt, bớt xén. Đối với trường khác họ dùng bằng khay, nhưng chúng tôi họp phụ huynh xin ý kiến ăn bằng bát. Vì có em ăn nhiều có em ăn ít, ăn khay dễ bị đổ canh ra ngoài. Chúng tôi chia cho các em nhưng vẫn để dư ra và bổ sung cho học sinh”.

“Về thực đơn, các đơn vị trường khác còn có cá, ngao, nhưng khi họp phụ huynh có phụ huynh nói con bị dị ứng. Thôi thì học sinh quanh đây không có điều kiện nên ăn bằng phổ thông toàn thịt. Trường cũng thông qua thực đơn khi họp phụ huynh. Do học sinh không ăn được thịt thái miếng nên nhà trường xay ra cho học sinh dễ ăn. Còn việc gas hết nhiều có thể bị rò rỉ. Trong phiếu chi hàng ngày số lượng gần như giống nhau thì do bộ phận kế toán”, bà Phương giải thích.

Cần sớm làm rõ những khoản thu, chi

Năm học 2024-2025, theo lộ trình, Trường Tiểu học Đoàn Kết sẽ được đón Bằng công nhận trường chuẩn mức độ 2. Trước đó, trường này đã lập ra một quỹ gọi là “Quỹ trường chuẩn” nhằm chi tiêu cho các khoản trong nhà trường. Nguồn tiền quỹ này được thu từ nhiều khoản như: Tiền % hoa hồng bảo hiểm y tế thu của học sinh, tiền cán bộ, công nhân viên ủng hộ, tiền khai giảng… Trong quỹ này, tổng số tiền hiện có hơn 43 triệu đồng, số tiền đã chi 36 triệu đồng, số tiền còn lại 7,5 triệu đồng. Số tiền thu, chi này chủ yếu là trong năm 2024.

Mặc dù được đầu tư mua sắm nhưng kệ sách tại thư viện Trường Tiểu học Đoàn Kết rất sơ sài. Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN

Mặc dù được đầu tư mua sắm nhưng kệ sách tại thư viện Trường Tiểu học Đoàn Kết rất sơ sài. Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN

Ở hạng mục làm phòng Stem tầng II, số tiền 15 triệu đồng được chi vào ngày 18/5/2024. Số tiền này được Hiệu trưởng Nguyễn Thị Phương khẳng định là từ nguồn “Quỹ trường chuẩn”. Thế nhưng, làm việc với văn thư kiêm thủ quỹ Trần Thị Yến của trường, chúng tôi được biết số tiền này là nguồn tiền Đảng, Công đoàn. Khi hỏi tại sao tiền Đảng, Công đoàn lại chi cho khoản làm phòng Stem, thủ quỹ Trần Thị Yến cho biết theo chỉ đạo của Hiệu trưởng.

Trong năm học 2022-2023 và 2023-2024, các giáo viên đứng lớp có học sinh khuyết tật còn thiếu 97 tiết dạy không được thanh toán. Đây là chế độ của giáo viên được hưởng nhưng vẫn không được nhận tiền. Thời gian gần đây, một số cô giáo cho biết, trường bảo ký vào giấy tờ là đã nhận tiền, nhưng thực tế các cô không được nhận.

Còn rất nhiều nội dung trong đơn thư phản ánh như: Hiệu trưởng không đứng lớp vẫn nhận được tiền phụ cấp đứng lớp; trả thiếu tiền tăng giờ cho giáo viên, tiền bảo hiểm nghỉ ốm của giáo viên, tiền mua khung tranh, nhiều khoản tiền xã hội hóa… cũng bất thường.

Tại buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Phương, vị nữ hiệu trưởng này chỉ thừa nhận sai ở khoản tiền thu bảo hiểm nghỉ ốm của các giáo viên. Còn các khoản khác đều làm đúng quy định và không có như trong đơn phản ánh.

Theo tìm hiểu của phóng viên, khoảng 2 tuần cuối tháng 10/2024, một số giáo viên cho biết bị yêu cầu ký vào hồ sơ, chứng từ liên quan đến các khoản tiền từ năm học 2022-2023 và 2023-2024. Những tờ giấy giáo viên ký mà không biết có nội dung gì.

Bà Tạ Đặng Phượng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Lai Châu cho hay: Trong thời gian thanh tra, Phòng tăng cường kiểm tra các hoạt động thông qua nhiều kênh, lắng nghe ý kiến đội ngũ giáo viên trong trường. Đến khi có kết quả xác minh của thanh tra, trách nhiệm từng cá nhân trong nhà trường đến đâu Phòng sẽ xem xét chấn chỉnh và xử lý theo quy định.

Trao đổi với phóng viên, bà Nghiêm Thị Kim Huê, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu khẳng định: Trước thông tin phóng viên cung cấp về những bất thường xảy ra tại Trường Tiểu học Đoàn Kết, quan điểm của Sở là cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến để có những nắm bắt và chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố kiểm tra kịp thời. Sở chưa nhận được đơn hay ý kiến phản ánh nào bằng văn bản.

Trong văn bản phúc đáp gửi Cơ quan thường trú TTXVN tại tỉnh Lai Châu, UBND thành phố Lai Châu cho biết đã ban hành Quyết định số 1161/QĐ-UBND ngày 21/10/2024 về thụ lý tố cáo; Quyết định số 1162/QĐ-UBND ngày 21/10/2024 về thành lập tổ xác minh nội dung tố cáo tại Trường Tiểu học Đoàn Kết. Hy vọng, các cơ quan chức năng của tỉnh Lai Châu sớm có kết luận chính thức về những nội dung tố cáo trên, xử lý nghiêm nếu có sai phạm.

Nguyễn Oanh - Đinh Thùy (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/nhung-dau-hieu-bat-minh-o-truong-tieu-hocdoan-ket-lai-chau-20241125083232949.htm
Zalo