Hái 'quả ngọt' giáo dục từ chính sách đúng
Những năm qua Quảng Ninh có nhiều chính sách cho sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo, từ đó gặt hái những kết quả tích cực.
Từ ý Đảng đến lòng dân
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV đã xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Trong đó, ưu tiên phát triển giáo dục - đào tạo là nhiệm vụ hàng đầu.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trên cơ sở mở rộng các chính sách hỗ trợ của Trung ương, Quảng Ninh đã ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách, nghị quyết tạo động lực, thúc đẩy giáo dục phát triển xứng tầm với sự tăng trưởng của tỉnh; tạo động lực cho thi đua học tốt, dạy tốt, bảo đảm thực hiện thắng lợi sự nghiệp “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.
Trong đó, có thể kể đến các nghị quyết về những chính sách đặc thù hỗ trợ giảng viên, giáo viên, trẻ em, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh, như: Chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; hỗ trợ một số đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025; quy định chế độ thưởng cho học sinh đoạt giải trong các kỳ thi tuyển sinh vào hệ chính quy các trường đại học, cao đẳng và giáo viên đào tạo học sinh đoạt giải...
Đặc biệt, Quảng Ninh là địa phương đi đầu trong việc hỗ trợ 100% học phí cho học sinh. Trong 3 năm học 2021 - 2022, 2022 - 2023 và 2024 - 2025, tỉnh dành hàng trăm tỷ đồng để hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Các chính sách đó phần nào giúp nhiều gia đình vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và bão số 3 (Yagi), nhất là những gia đình có thu nhập thấp, không ổn định.
Kiên trì thực hiện các quan điểm “Đầu tư, phát triển giáo dục và đào tạo phải được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”, tỉnh ưu tiên nguồn lực từ ngân sách đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất hệ thống các cơ sở giáo dục - đào tạo theo hướng đạt chuẩn, đồng bộ, hiện đại, giúp học sinh được thụ hưởng môi trường giáo dục tốt nhất. Quan tâm hỗ trợ, đầu tư xây dựng trường học theo tiêu chí chất lượng cao, cả ở địa bàn trung tâm cũng như vùng khó khăn.
Đến nay, các trường THPT: Hòn Gai, Ngô Quyền, Bình Liêu, Cẩm Phả, Trần Phú, Uông Bí…; THCS&THPT Quảng La, PTDT Nội trú Ba Chẽ, TH&THCS Vạn Yên, Tiểu học Đông Ngũ được xây mới với thiết kế đồng bộ, khang trang, hiện đại, tạo môi trường phát triển toàn diện cho học sinh, đáp ứng được kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân.
Các trường khác như Trường THPT Quảng Hà, Hoàng Quốc Việt, Bạch Đằng, Cô Tô; THCS Hải Hà... cũng đang được tích cực triển khai xây dựng để phấn đấu đến năm 2025, mỗi cấp học giáo dục phổ thông ở mỗi huyện có ít nhất một trường công lập theo tiêu chí chất lượng cao. Mỗi thành phố, thị xã có một trường THPT công lập theo tiêu chí chất lượng cao…
Từ những chính sách vượt trội, ngành Giáo dục tỉnh Quảng Ninh đã có những bước tiến không ngừng, gặt hái được nhiều trái ngọt. Các năm học từ 2020 đến nay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp có những tác động tiêu cực, tuy nhiên ngành Giáo dục tỉnh đã không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng dạy và học để đạt được những thành tích cao.
Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Khoảng cách chênh lệch về cơ hội tiếp cận và chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo giữa các vùng miền, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và đối tượng người nghèo, người yếu thế ngày càng được thu hẹp.
Cùng với kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tăng bậc so với năm đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, giáo dục mũi nhọn tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023 - 2024, Quảng Ninh có số lượng giải cao nhất trong 6 năm gần đây, xếp thứ 8/70 đơn vị dự thi, tăng 5 bậc so với năm trước.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh, trong thời gian tới, ngành tiếp tục phát huy thành quả, tận dụng cơ hội và khắc phục hạn chế khó khăn, quyết tâm tổ chức triển khai thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được giao về giáo dục và đào tạo.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc bổ nhiệm, tuyển dụng hợp đồng đối với giáo viên, nhân viên để bổ sung đội ngũ cho các cơ sở giáo dục. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên. Đồng thời, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số để tiếp tục nâng cao công tác quản lý cũng như công tác dạy và học…
Phấn đấu trong nhóm 15 tỉnh dẫn đầu
Chỉ thị số 38-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt mục tiêu:
Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục phổ thông. Phấn đấu Quảng Ninh là một trong những tỉnh, thành phố đi đầu trong phát triển giáo dục thông minh, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục, dạy học và đánh giá chất lượng.
Chậm nhất đến năm 2030, nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về trình độ, chất lượng phát triển giáo dục, đào tạo, một trong những trung tâm giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của vùng. Tham gia mạng lưới thành phố, tỉnh học tập toàn cầu của UNESCO.
Để thực hiện mục tiêu đặt ra, phát huy những kết quả đã đạt được, trong những năm học tới, ngành Giáo dục Quảng Ninh quyết tâm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa phương pháp giảng dạy và công tác quản lý để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu, rộng về giáo dục.
Ông Nguyễn Hồng Dương, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết, trước khi thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Quảng Ninh là tỉnh có nền giáo dục phát triển chưa mạnh, thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên ở các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số.
Đến nay, sau 10 năm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, mạng lưới cơ sở giáo dục của tỉnh tiếp tục được duy trì phát triển đa dạng, có đủ các loại hình, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.
Tỉnh ưu tiên nguồn lực từ ngân sách để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất hệ thống các cơ sở giáo dục - đào tạo theo hướng đạt chuẩn, đồng bộ, hiện đại; triển khai thí điểm mô hình “lớp học thông minh” trong giai đoạn 2011 - 2015; “trường học thông minh” trong giai đoạn 2016 - 2020; vận dụng linh hoạt hình thức đối tác công tư (PPP) để đẩy mạnh xã hội hóa đối với cơ sở giáo dục ở những nơi có điều kiện thuận lợi.
“Quảng Ninh là một trong những địa phương có tỷ lệ trường ngoài công lập trung học phổ thông đứng đầu cả nước. Trong giai đoạn 2013 - 2023, ngân sách tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư trên 3.345 tỷ đồng để xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất cho giáo dục và đào tạo. Đến nay, số trường đạt chuẩn quốc gia của tỉnh là 558/629 trường, đạt 88,7%, tăng cao so với năm 2013; tỷ lệ phòng học kiên cố hóa đạt 93,4%”, ông Dương thông tin.
Theo ông Dương, song song với việc đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị, Quảng Ninh quan tâm xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Trong 10 năm qua, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp đã được kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Đến nay, số lượng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành là 22.815 người (tăng 3.825 người so với năm 2013); trong đó, số cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ là 1.047 người; số cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn 17.143 người (84,2%), phân bố khá toàn diện ở các cấp học, địa bàn.
Chất lượng giáo dục và đào tạo ngày càng được nâng lên. Khoảng cách chênh lệch về cơ hội tiếp cận và chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo giữa các vùng miền, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiếu số, miền núi, biên giới, hải đảo và đối tượng người nghèo, người yếu thế ngày càng được thu hẹp.
Quảng Ninh được công nhận đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Chất lượng giáo dục mũi nhọn có nhiều chuyển biến tích cực.