Người Tân Đô giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Xóm Tân Đô, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) có 123 hộ dân với 548 nhân khẩu, trong đó chiếm trên 96% dân số là người dân tộc Nùng. Những năm qua, cùng với sự quan tâm của Nhà nước, người dân Tân Đô đã phát huy tinh thần đoàn kết, bảo tồn gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Bà con xóm Tân Đô vẫn gìn giữ văn hóa dân tộc qua trang phục truyền thống.

Bà con xóm Tân Đô vẫn gìn giữ văn hóa dân tộc qua trang phục truyền thống.

Được tham gia Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc xóm Tân Đô diễn ra trong tháng 11 vừa qua, chúng tôi khá ấn tượng với các chương trình văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa người Nùng do bà con biểu diễn... Các tiết mục: Những cô gái trên nương, múa trẩy hội, tổ khúc non xa xa, Việt Bắc nhớ Bác Hồ... những điệu then, câu sli lượn mượt mà, ngọt ngào sâu lắng, hòa cùng tiếng đàn tính làm đắm say người nghe.

Anh Chu Văn Hưởng, Trưởng xóm Tân Đô: Xóm có câu lạc bộ (CLB) văn nghệ nên mỗi khi địa phương có hoạt động, chương trình gì là CLB đều sẵn sang tham gia góp một vài tiết mục.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, từ năm 2004, xóm Tân Đô đã thành lập CLB văn nghệ với 11 thành viên nòng cốt tham gia, trong đó đa phần là những người am hiểu nghệ thuật dân gian truyền thống, biết hát điệu then, sli lượn như ông Hoàng Văn Toòng, Nguyễn Văn Hùng, bà Lý Thị Hoan, Tô Thị Bình, Đàm Thị Lành.

Với tâm niệm phải giữ gìn tiếng nói, tiếng hát để văn hóa, nguồn cội của dân tộc mình không bị mai một, thời gian qua, các bậc tiền bối luôn nỗ lực chỉ bảo, truyền dạy cho lớp con cháu những câu hát gần gũi trong đời sống hàng ngày. Chính vì vậy, CLB vẫn duy trì sinh hoạt qua các năm.

Đặc biệt là năm 2023, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã tổ chức lớp tập huấn, hướng dẫn bà con và học sinh của xóm thực hành một số làn điệu hát sli truyền thống, tìm hiểu về lịch sử, nội dung và ý nghĩa của làn điệu dân tộc Nùng, CLB văn nghệ xóm được ra mắt với 19 thành viên chính thức và có thêm chục thành viên dự bị là thanh, thiếu nhi...

Chị Lâm Thị Hồng, thành viên trong CLB văn nghệ xóm: Sự hỗ trợ của Nhà nước đã góp phần gieo niềm yêu thích cho thế hệ trẻ. Sau lớp tập huấn, con gái và cháu gái tôi đều yêu thích đàn tính, hát then, thường tranh thủ ngày cuối tuần học từ bà và mẹ. Hiện cháu đã biết đánh một số bài cơ bản, chuẩn bị tham gia thi giai điệu tuổi hồng của trường.

Cùng với các điệu hát, người dân trong xóm Tân Đô cũng quan tâm, gìn giữ nét đẹp trang phục, nhạc cụ truyền thống dân tộc. Hiện ở xóm có anh Trịnh Văn Kiên đã tự học và làm đàn tính, làm nhạc cụ cho các học viên CLB biểu diễn văn nghệ. Hay như các bà Lăng Thị Phong, Lăng Thị Lợi, Đàm Thị Lành, Tô Thị Bình vẫn nhận may, khâu tay trang phục người Nùng cho bà con bản địa.

Bà Đàm Thị Lành: Do ở địa phương không còn cây chàm nên khi người dân có nhu cầu, tôi đã đặt bột chàm, củ nâu hoặc vải đã nhuộm sẵn từ Cao Bằng về may. Dù mất thời gian chờ đợi nhưng do mọi người thích, vải chàm mặc bền đẹp hơn so với vải công nghiệp nên tôi cũng kiên trì làm.

Dạo quanh một vòng xóm Tân Đô, điểm đặc biệt khác so với các xã, thị trấn trong huyện mà chúng tôi nhận thấy là bà con nơi đây vẫn gìn giữ được nếp sinh hoạt ở nhà sàn.

Ngôi nhà sàn của một hộ dân trong xóm.

Ngôi nhà sàn của một hộ dân trong xóm.

Theo thống kê sơ bộ, hiện xóm có 70 ngôi nhà sàn, trong đó có gần 40 ngôi nhà sàn xây dựng từ những năm 1970-1975. Mặc dù một số nhà đã phải sửa chữa, thay thế hạng mục bằng các loại vật liệu xi măng, gạch, tôn nhưng về kết cấu, không gian sinh hoạt thì bà con vẫn bố trí theo truyền thống phong tục, tập quán sinh hoạt của người Nùng...

Cùng với sự nỗ lực của người dân, năm 2023, từ nguồn Ngân sách Nhà nước, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đầu tư xây dựng công trình “Bảo tồn làng truyền thống dân tộc Nùng”, gồm các hạng mục: Bảo tồn, tôn tạo đình làng; xây mới nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng với tổng diện tích khuôn viên rộng 2.000m2; bảo tồn nhà sàn truyền thống cho 5 hộ dân, đặt biển hiệu phục vụ khách du lịch... Tổng kinh phí xây dựng 10,6 tỷ đồng.

Đình làng và Nhà sàn truyền thống - nhà văn hóa xóm Tân Đô mới được xây dựng và hoàn thành năm 2024.

Đình làng và Nhà sàn truyền thống - nhà văn hóa xóm Tân Đô mới được xây dựng và hoàn thành năm 2024.

Công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong quý II năm 2024 đã tạo thuận lợi cho người dân sinh hoạt cộng đồng, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao; đồng thời tạo diện mạo nông thôn mới cho bản làng Tân Đô.

Các thành viên Câu lạc bộ văn nghệ xóm Tân Đô chụp ảnh lưu niệm với đại biểu, du khách tại Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng xóm.

Các thành viên Câu lạc bộ văn nghệ xóm Tân Đô chụp ảnh lưu niệm với đại biểu, du khách tại Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng xóm.

Với sự cố gắng của mỗi người dân cùng hỗ trợ của Nhà nước đời sống của bà con xóm Tân Đô ngày càng phát triển. Hiện nay, xóm có trên 90% nhà ở được cứng hóa bán kiên cố, 90% số hộ dân đạt danh hiệu gia đình văn hóa (tăng 3% so với năm 2023); xóm còn 2 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo (giảm 1 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo so với năm 2023); số hộ khá, giàu chiếm tỷ lệ 85%; bình quân thu nhập người dân đạt 55 triệu đồng/người/năm (cao hơn 4,5 triệu đồng so với năm 2023).

Ngọc Ánh

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202411/nguoi-tan-do-giu-gin-ban-sac-van-hoa-dan-toc-dfd1931/
Zalo