Văn hóa truyền thống và người trẻ: Xa lạ trong góc nhìn quen thuộc

Vừa qua, sự kiện các bạn trẻ tại Hà Nội diễu hành và lan tỏa cổ phục Việt đã thu hút nhiều người quan tâm về cách để văn hóa truyền thống bắt nhịp với hơi thở đương đại.

Một tiết mục hát bội Việt Nam biểu diễn tại sân khấu Liên hoan Sân khấu trẻ châu Á (AYTF) diễn ra tại Chiangmai, Thái Lan

Một tiết mục hát bội Việt Nam biểu diễn tại sân khấu Liên hoan Sân khấu trẻ châu Á (AYTF) diễn ra tại Chiangmai, Thái Lan

Phục dựng và phỏng dựng

Trong những năm gần đây, cổ phong (phong cách cổ, những nét đẹp tinh hoa thời xưa) được nhiều bạn trẻ quan tâm và chủ động thực hiện thông qua những dự án thiết thực nhằm lan tỏa văn hóa truyền thống ngàn năm của dân tộc. Trong đó nổi bật là việc tổ chức các hoạt động liên quan đến cổ phục Việt… và cũng từ đây, xuất hiện nhiều ý kiến quanh chuyện cổ phục Việt có đúng chất Việt hay chưa.

Một chiều ý kiến cho rằng, các quốc gia trong khối đồng văn (có vị trí địa lý gần nhau) vốn có sự giao thoa, tiếp biến văn hóa nên việc trang phục, phong tục hay nếp sống, sinh hoạt có nét tương đồng là điều dễ hiểu. Chiều ngược lại, không ít ý kiến chỉ trích gay gắt từng chi tiết nhỏ, như hoa văn, cách thắt cúc áo… chưa đúng với cổ phục Việt.

Cuốn sách Dệt nên triều đại (tựa tiếng Anh: Weaving a Realm, được soạn thảo bởi Vietnam Centre - tổ chức hoạt động độc lập, phi chính phủ và phi lợi nhuận, với sứ mệnh quảng bá văn hóa Việt ra thế giới) đã phát hành 6.000 bản (2 lần tái bản). Đây là cuốn sách đầu tiên và là ấn phẩm song ngữ duy nhất (đến thời điểm này) về trang phục truyền thống Việt Nam. Tác phẩm này đã hiện diện ở các thư viện lớn như: thư viện quốc gia và tất cả các thư viện đại học ở Australia; hệ thống các thư viện đại học ở Hà Lan; thư viện Đại học Harvard, Đại học Yale (Mỹ); thư viện nghệ thuật Los Angeles (Mỹ); hệ thống thư viện Đại học Cambridge (Anh)…

Tuy nhiên, khi nói về cổ phục Việt, chị Ngọc Linh, thành viên sáng lập Vietnam Centre (tham gia biên soạn Dệt nên triều đại) phân tích: “Khác với phục dựng, tức là tái tạo lại một bản sao dựa trên một bản gốc nguyên vẹn, phỏng dựng là quá trình chắp ghép các cứ liệu rời rạc để nhằm dựng được một vật mẫu gần nhất có thể với hiện thực lịch sử. Nếu như việc phục dựng có khả năng tạo ra được các bản sao giống với bản gốc đến 100%, việc phỏng dựng không có bản gốc để đối chiếu, do vậy, người dựng sẽ không bao giờ có thể khẳng định được mình đã dựng chính xác 100%. Người dựng chỉ có thể càng ngày càng tiệm cận đến giá trị lịch sử với việc phát hiện ra những tình tiết, dữ liệu mới và cập nhật vào bản dựng của mình. Một trong những khó khăn lớn nhất chúng tôi gặp phải là việc thiếu hiện vật, tư liệu và sự thất truyền các kỹ nghệ dệt - may cổ xưa”.

Truyền thống không có nghĩa là cũ

Bảo tồn và phát triển là hai mặt, hai khía cạnh thường được bàn luận khi chạm đến những giá trị truyền thống hay loại hình văn hóa truyền thống.

Tháng 11-2024, nhóm bạn trẻ Hiếu Văn Ngư phối hợp với Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM giới thiệu nghệ thuật hát bội của Việt Nam tại Liên hoan Sân khấu trẻ châu Á (AYTF) diễn ra tại Chiangmai (Thái Lan). Đây là lần thứ ba Hiếu Văn Ngư tham dự sự kiện này. Nhiều năm qua, miệt mài cùng các dự án mang hát bội đến gần hơn với người trẻ, Lục Phạm Quỳnh Nhi, sáng lập dự án Hiếu Văn Ngư, chia sẻ: “Càng tìm hiểu về hát bội, tôi càng thấy nó hay và đẹp nhưng hơi thiệt thòi, vì nhiều lần giới thiệu các dự án hát bội tôi cũng bắt gặp ý kiến như “hát bội xưa lắm rồi, bây giờ ai mà coi hát bội” hay “hát bội là văn hóa của Trung Quốc”. Thực tế không phải vậy, hát bội Việt Nam hoàn toàn khác biệt và đặc sắc đến độ khoa học, chặt chẽ trong từng tiết tấu, âm nhạc. Không phải người trẻ xa lạ với hát bội đâu, chỉ cần chúng ta biết cách làm lan tỏa, các bạn trẻ bắt nhịp rất nhanh, thậm chí khi đã thích thì nghiên cứu và tìm hiểu rất kỹ”.

Trong xu thế toàn cầu hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ như hiện nay, ở khía cạnh bảo tồn, việc lưu giữ những giá trị tốt đẹp cổ xưa giúp con người hiện đại có thể xác lập căn tính cho bản thân. Bảo tồn cũng là cách làm giúp chúng ta lưu giữ được sợi dây nối kết với các thế hệ tiền nhân, hiểu cách sống, nếp ăn nết ở của người xưa. Song, mỗi thời đại thường quy định những hệ giá trị tương ứng với thời đại đó, những hệ giá trị xưa nếu không phát triển, tiếp biến, thích ứng với bối cảnh mới, có thể sẽ dẫn đến hệ lụy bị lạc lõng, cô độc, thiếu điểm tựa để tồn tại.

Chuyện cổ phục bị hiểu lầm là trang phục ngoại lai, bắt chước hay hát bội bị lầm là văn hóa nước bạn có lẽ “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Bởi đôi khi lẩn khuất trong mấy ngàn năm văn hiến, một chiếc áo cổ phục, một loại hình nghệ thuật truyền thống chưa được nhắc nhiều, chưa được biết đến trong hiện tại, thì đó vẫn là một phần bản sắc của chúng ta, đừng vội dán nhãn bắt chước hay ngoại lai.

HỒNG DƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/van-hoa-truyen-thong-va-nguoi-tre-xa-la-trong-goc-nhin-quen-thuoc-post770761.html
Zalo