Người phụ nữ khuyết tật và hành trình 'thắp sáng hy vọng cho những mảnh đời kém may mắn'

Từ cô bé khuyết tật phải di chuyển khó khăn theo chị gái đến lớp, rồi trở thành người mẹ đơn thân chống nạng mưu sinh khắp Hà Nội, chị Trần Thị Thuần (SN 1983) đã vượt lên nghịch cảnh, biến khát vọng sống bằng việc sáng lập HTX Tâm Ngọc – mái nhà chung cho những người khuyết tật.

Cuộc đời thử thách và nghị lực phi thường

Gặp chị Thuần tại cửa hàng nhỏ của HTX Tâm Ngọc ở Sóc Sơn (Hà Nội), tôi ấn tượng với dáng người nhỏ nhắn, chân trái teo tóp phải chống gậy, nhưng gương mặt lại rạng rỡ, ánh mắt và nụ cười tràn đầy lạc quan. Ít ai ngờ, người phụ nữ này đã trải qua vô vàn sóng gió.

Từ nhỏ, căn bệnh quái ác khiến chân trái chị Thuần bị teo, việc đi lại chỉ trông cậy vào đôi tay và đầu gối. Năm 9 tuổi, chị mới chập chững đứng dậy nhờ bấu víu vào đồ vật để có thể đến trường như bao bạn bè.

Năm 2013, cuộc sống của chị tưởng chừng "sang trang" sau khi lập gia đình và sinh con, nhưng một tai nạn giao thông nghiệt ngã ập đến, khiến chị phải mang 12 chiếc đinh vĩnh viễn trong chân trái. Nỗi đau thể xác chưa nguôi, nỗi đau tinh thần lại giáng xuống khi chồng bỏ đi, để lại chị cùng hai con thơ dại. Với mức trợ cấp ít ỏi 450 nghìn đồng mỗi tháng, ba mẹ con chị sống lay lắt qua ngày. Sức khỏe yếu đi sau tai nạn cùng với những khiếm khuyết trên cơ thể khiến chị bị từ chối ở mọi nơi xin việc.

Không còn lựa chọn, chị Thuần đành chống nạng, bắt xe buýt xuống Hà Nội mỗi sáng, rong ruổi khắp các ngõ ngách bán từng gói tăm. "Đi mãi, mình phồng rộp hết cả nách và tay lên vì chống nạng…", chị kể về những vết chai sần trên tay, minh chứng cho chuỗi ngày vật lộn mưu sinh đầy vất vả.

Chị Thuần với nụ cười đầy nghị lực. Ảnh: Vân Chi

Chị Thuần với nụ cười đầy nghị lực. Ảnh: Vân Chi

Khát vọng sẻ chia và hành trình gây dựng HTX Tâm Ngọc

Trong những tháng ngày tăm tối nhất, chính tình người đã sưởi ấm trái tim chị. Đó là vòng tay yêu thương của các con, là người bạn thân Lê Thị Hương âm thầm giúp đỡ, hay chị Đàm Thị Hiếu – người đã tạo cơ hội cho chị vào làm tại một công ty sản xuất linh kiện điện tử. "Có những người như thế mà mình vượt qua được… Mình cảm thấy được yêu thương và không phải là thứ vô dụng, bỏ đi", chị Thuần bày tỏ lòng biết ơn.

Từ những trải nghiệm cá nhân, chị luôn ấp ủ khát vọng tạo việc làm cho những người cùng cảnh ngộ. "Mình muốn có một công việc để các bạn cùng về làm với mình", chị chia sẻ. Năm 2019, chị cùng 6 người khuyết tật khác thành lập HTX Tâm Ngọc, chuyên trồng và chế biến dược liệu, đồng thời kinh doanh in ấn - photo và spa dưỡng sinh. Chị chọn dược liệu vì dễ chăm sóc, ít cần hóa chất, phù hợp với người khuyết tật, và đặc biệt là xuất phát từ mong muốn mang lại sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

Hành trình xây dựng HTX không hề dễ dàng. Ngay khi thành lập, đại dịch Covid-19 bùng phát khiến sản phẩm không bán được, nguyên liệu khó vận chuyển. "2-3 năm đầu gần như HTX không có nguồn thu. Các bạn đến làm đều không có lương nhưng vẫn đồng hành mà không đòi hỏi gì", chị Thuần xúc động kể.

Định kiến về sản phẩm do người khuyết tật làm ra cũng là một rào cản lớn. HTX Tâm Ngọc đã chọn cách thuyết phục bằng chính chất lượng sản phẩm, để thành viên và gia đình dùng thử rồi lan tỏa ra cộng đồng. Việc chị tích cực đưa sản phẩm tham gia các cuộc thi cũng giúp thương hiệu được biết đến rộng rãi. Đến nay, HTX đã có 3 sản phẩm trà túi lọc đạt chứng nhận OCOP 4 sao.

Từ 7 người ban đầu, HTX Tâm Ngọc hiện có 41 thành viên, gồm người khuyết tật và người có hoàn cảnh khó khăn. Nơi đây không chỉ là một tổ chức kinh tế mà còn là một gia đình lớn với văn hóa làm việc linh hoạt, đậm tình thân. "Ai khỏe thì làm, không thì lại nghỉ. Các bạn góp vốn với nhau rồi cứ thế mà làm, được tiền hay không cũng không ai than vãn gì", chị Thuần chia sẻ với nụ cười rạng rỡ.

Trong không khí gắn bó ấy, những con người từng thu mình trong mặc cảm đã dần mở lòng, sống vui vẻ hơn và thôi oán trách số phận. "Ngày xưa, các bạn còn không dám mơ tưởng đến chuyện sẽ lập một gia đình nhỏ. Nhưng vào đây, khi tự chủ được cuộc sống, các bạn cũng biết mưu cầu hạnh phúc và tự tin gánh vác trách nhiệm", chị Thuần tự hào kể.

Anh Nguyễn Văn Long (SN 1994), thành viên HTX từ năm 2020, chia sẻ: "Từ khi biết đến chị Thuần và làm việc tại đây, được chị chỉ dạy thì mình dần cảm thấy tự tin hơn. Mình cũng muốn làm được nhiều thứ như chị." Anh Nguyễn Bảo Ngọc (SN 1972), Chủ tịch Hội Người Khuyết tật huyện Sóc Sơn, Phó Giám đốc HTX Tâm Ngọc, khẳng định: "Thuần là một cô gái rất nghị lực, kiên cường. Bạn dám nói, dám làm. Hai anh em đều muốn cố gắng xây dựng HTX ngày càng phát triển, giúp đỡ được nhiều người khuyết tật có công ăn việc làm và có thu nhập ổn định."

Chị Thuần cùng các đông nghiệp bên cơ sở của mình. Ảnh: Vân Chi

Chị Thuần cùng các đông nghiệp bên cơ sở của mình. Ảnh: Vân Chi

Lan tỏa giá trị, chắp cánh ước mơ

Nhìn về tương lai, chị Thuần ấp ủ dự định mở rộng HTX, tiếp cận những đơn hàng lớn hơn để tạo thêm việc làm. Chị cũng muốn chuyển giao mô hình cho các địa phương khác, giúp người khuyết tật có thể làm việc ngay tại quê nhà. Một dự án dành riêng cho người khuyết tật đặc biệt nặng cũng đang được nhen nhóm, với hy vọng giúp họ tự chủ cuộc sống.

Từ nghịch cảnh, chị Trần Thị Thuần không chỉ đứng vững mà còn trở thành chỗ dựa cho nhiều phận đời kém may mắn. Chị là minh chứng sống động rằng nghị lực và giá trị con người không bị giới hạn bởi những khiếm khuyết thể chất. Giữa bao biến động, vẫn có những người như chị – lặng lẽ thắp lên niềm tin vào lòng nhân ái và nghị lực sống.

Nỗ lực của chị Trần Thị Thuần đã được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quý, như "Gương mặt trẻ tiêu biểu huyện Sóc Sơn năm 2020", "Gương người tốt việc tốt huyện Sóc Sơn năm 2021", "Gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu" trong chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt" năm 2022, "Phụ nữ khởi nghiệp tiêu biểu" ...

T.Sơn - Vân Chi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-phu-nu-khuyet-tat-va-hanh-trinh-thap-sang-hy-vong-cho-nhung-manh-doi-kem-may-man-169250525121727344.htm
Zalo