Đừng tự làm khổ mình vì những lỗi lầm đã qua
Có những đêm nằm trằn trọc vì một lỗi lầm đã qua, một lời nói khiến ai đó tổn thương, hay một lựa chọn sai lầm đổi cả cuộc đời. Quá khứ vẫn còn đó không thể xóa đi, nhưng bạn hoàn toàn có thể bước ra khỏi nó.

Ảnh minh họa. Nguồn: Pexels.
Chắc hẳn bạn từng ít nhất một lần thốt lên: “Giá mà mình làm khác đi...” hay “Ước gì có thể quay lại thời điểm đó…”. Cái cảm giác tiếc nuối, day dứt là điều mà bất kỳ ai cũng từng trải qua. Dù lý trí nhắc rằng: “Hãy sống cho hiện tại”, nhưng lòng ta vẫn chật vật khi cố buông bỏ quá khứ. Một quyết định sai lầm, một cơ hội vuột mất, hay một lời nói không nên nói… tất cả tích tụ thành những khối đá vô hình đè nặng tâm trí. Và chúng khiến bạn không thể nhẹ lòng, không thể vui trọn vẹn với hiện tại, và dần đánh mất sự tự tin vào chính mình.
Thật ra, tiếc nuối không sai. Nó chỉ trở nên nặng nề khi ta để mình kẹt lại trong đó quá lâu. Nhưng bạn không đơn độc. Bởi ai rồi cũng từng vấp ngã, từng chọn sai. Chúng ta không ngừng học hỏi, trưởng thành từ chính những sai lầm ấy. Quan trọng là: bạn rút ra được gì sau đó và bước tiếp như thế nào.
Và thực tế là, ngay cả khi bạn được quay lại quá khứ, chưa chắc bạn đã làm khác đi. Bởi nếu bên trong vẫn là bạn của ngày hôm đó - với cùng những suy nghĩ, cảm xúc và giới hạn - thì lỗi lầm có thể vẫn lặp lại. Nhưng chính những vết xước ấy đã tạo nên bản lĩnh của bạn hôm nay. Vì từng sai nên bạn mới hiểu rõ điều đúng. Đó là một bài học mà không trường lớp nào có thể dạy.
Trong Đường vào Thiền, Osho viết: “Biết được sự thật không quan trọng bằng việc thực sự khao khát sự thật... Nếu mong muốn điều nhỏ nhặt, bạn sẽ không có niềm vui ngay cả khi đạt được nó; nhưng nếu khao khát điều lớn lao, mà không đạt được, bạn vẫn tràn ngập niềm vui.”
Quá khứ là một phần của bạn, nhưng không phải là tất cả. Nếu cứ ôm mãi những điều không thể thay đổi, bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội sống trọn vẹn trong hiện tại. Thay vì trách móc bản thân, hãy nhìn lại bằng lòng biết ơn, bởi chính những điều ấy đã giúp bạn hiểu bản thân rõ hơn, và biết mình thực sự muốn gì.

Sách Đường vào Thiền.
Hành trình chuyển hóa luôn bắt đầu từ một quyết định bên trong - quyết định dừng lại, đối diện, và cam kết sống khác đi.
Osho từng kể lại khoảnh khắc Đức Phật Thích Ca ngồi dưới cội bồ đề và tự nhủ: “Nếu chưa giác ngộ, ta sẽ không đứng lên.” Đó không chỉ là một lời thề cứng rắn, mà là một cam kết nội tâm mạnh mẽ: không chạy trốn, không hối tiếc, chỉ lặng lẽ hiện diện với chính mình. Và rồi, chính trong đêm đó, Ngài đã giác ngộ.
Bạn không cần phải ngồi dưới một gốc bồ đề nào. Nhưng hành trình đến với sự bình an của bạn có thể bắt đầu từ một hành động cho phép mình buông bỏ điều không thể thay đổi. Đó có thể là vài phút giữ im lặng mỗi ngày, một hơi thở sâu, hay một lần tha thứ cho chính mình.
Tiếc nuối là điều rất bình thường. Nhưng nếu để quá khứ điều khiển bạn, bạn sẽ đánh mất chính mình. Thay vì mãi tiếc nuối điều đã qua, hãy thử tiếc vì mình đã từng không sống trọn vẹn trong hiện tại. Vì mỗi ngày là một cơ hội mới để sống nhẹ nhàng hơn, sáng suốt hơn và tự do hơn.