Người nặng lòng với cây sứ
Với anh Nguyễn Thanh Châu (khu phố Hòa Long, phường Lái Thiêu, TP.Thuận An) chơi cây bonsai không đơn thuần là một sở thích mà còn là một niềm đam mê nghệ thuật. Bởi theo anh Châu, muốn tạo tác cây bonsai có giá trị cao cần tính kiên nhẫn, sáng tạo, chịu khó cắt tỉa và quấn bẻ, uốn nắn từ rễ đến ngọn; phải biết cách chăm sóc những vết thương của cây...
Từ niềm đam mê
Đến thăm vườn cây cảnh của anh Châu, chúng tôi được khám phá ra nhiều điều thú vị. Xuất phát từ niềm yêu thích đối với nghệ thuật cây cảnh, sau khi tốt nghiệp cấp 3 anh Châu đã đăng ký học lớp dạy nghề sinh vật cảnh ở trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh). Anh Châu vừa học ở trường vừa tự nghiên cứu, tìm tòi học hỏi thêm kinh nghiệm từ những người trồng và chế tác bộ môn sinh vật cảnh.
Để đầu tư làm cây cảnh, anh Châu đã bỏ ra nhiều công sức sưu tầm nhiều loại cây sứ nhằm tạo các loại dáng thế. Đến nay, vườn cây bonsai của anh có nhiều loại cây sứ cảnh có tuổi đời từ vài năm đến vài chục năm, với nhiều loại dáng thế đẹp khác nhau và đã được Hội Sinh vật cảnh TP.Thuận An bình chọn.
Anh Châu cho hay, cây sứ là loài hoa dễ trồng, ít sâu bệnh, khả năng nhân giống nhanh, đơn giản, có thể cắt cành giâm hoặc chiết cành, đạt tỷ lệ sống rất cao. Cây sứ được mệnh danh là “hoa hồng sa mạc”, bởi cây chịu hạn tốt, không mất nhiều công chăm sóc, đây là một đặc điểm khiến người chơi ưa chuộng loại cây này. Cùng với màu sắc rực rỡ, tươi thắm, cây sứ còn sai nụ, hoa lâu tàn (thời gian mỗi hoa nở khoảng 8-10 ngày mới tàn). Hoa sứ nở quanh năm nhưng rộ nhất là thời gian cuối mùa xuân đến hết mùa hè. Ngoài vẻ đẹp của hoa, cây sứ còn được nhiều người yêu thích bởi cành nhánh mềm mại, hình dáng thân phình to với bộ rễ rất đẹp, có thể uốn tạo thành cây cảnh, cây thế với những dáng thế đẹp, độc đáo, hấp dẫn.
Nắm vững kỹ thuật, thị trường
Đến nay, anh Châu có khu vườn rộng hơn 1.000m2 với gần 100 chậu hoa sứ gốc to, trị giá từ 2-5 triệu đồng/cây và nhiều chậu gốc nhỏ. Vườn cây bonsai mang lại nguồn thu nhập khá và ổn định cho gia đình anh. Trong khu vườn của anh còn có chậu cây cảnh mai có giá trị cao, với nhiều dáng thế đẹp khác nhau. “Muốn thành công từ nghề cây cảnh, trước tiên mình phải có niềm đam mê và hiểu được nghệ thuật bonsai. Trong những năm vừa qua, tôi thấy thị trường cây cảnh ở Bình Dương còn nhiều mới mẻ và chưa có nhiều người đầu tư. Vì vậy, tôi đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực cây cảnh. Niềm đam mê đó đã giúp tôi bước đầu có được thành công như ngày hôm nay. Bên cạnh đó, để có thể tạo nên nhiều loại dáng thế đẹp, đòi hỏi người làm nghề phải có những kinh nghiệm nhất định và bí quyết riêng”, anh Châu chia sẻ.
Ngoài chăm sóc, kinh doanh vườn cây của mình, anh Châu còn tích cực tham gia các hoạt động của Hội Sinh vật cảnh TP.Thuận An, Hội Sinh vật cảnh tỉnh, các hội nhóm cây cảnh trên mạng xã hội. Tại đây, anh không chỉ học hỏi thêm về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mà còn chia sẻ các giống cây và kết nối với những người có cùng đam mê.
Khi được hỏi về dự định trong thời gian tới, anh Châu cho biết sẽ tiếp tục đa dạng hóa các loại hình cây cảnh để phục vụ cho nhu cầu của những người chơi cây cảnh trong và ngoài tỉnh. Theo anh, người làm nghề cung ứng cây cảnh cũng phải biết tạo cho người chơi cây hiểu về ý nghĩa của từng loại cây, với từng loại dáng thế; phải biết liên kết với thành viên các Hội Sinh vật cảnh các địa phương để giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và nắm bắt nhanh nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh.
Trong những năm qua, các tác phẩm chế tác cây sứ kiểng của anh Châu thường được trưng bày tại Hội Hoa xuân do tỉnh Bình Dương tổ chức. Anh Châu đạt nhiều giải thưởng, giấy khen của Hội Sinh vật cảnh TP.Thuận An trong nghề trồng và chế tác bộ môn sinh vật cảnh. Mới đây, anh được UBND tỉnh công nhận nghệ nhân tỉnh Bình Dương năm 2024 thuộc ngành nghề trồng và chế tác các bộ môn sinh vật cảnh.