Lệ ban quốc tính thời xưa
Thời xưa, công thần họ khác có công được vua ban 'quốc tính', tức cho đổi sang họ vua. Lệ này ở thời Lê sơ bị Vua Lê Thánh Tông bãi bỏ. Đây cũng là một biện pháp để gạt thế lực của các bề tôi, tập trung quyền hành về tay vua, nhờ đó, Vua Lê Thánh Tông đã có toàn quyền trong việc ra quyết định trị quốc. Với những quyết sách đúng đắn, nhà vua đã đưa đất nước tiến tới bước phát triển rực rỡ, đời sau gọi là 'Hồng Đức thịnh trị'.
Vì sao ban “quốc tính”?
Việc ban “quốc tính” của các triều đại phong kiến Việt Nam là học từ các triều vua Trung Quốc. Có thể hiểu rõ điều này trong lời tâu của Thượng thư Bộ Lễ Phạm Công Nghị lên Vua Lê Thánh Tông năm Quang Thuận thứ 8 (1467), khi vua muốn tìm hiểu về nguồn gốc của việc này rằng:
"Đời xưa, khi dựng nước, nhân tên nước mà đặt tên họ (tính), nhân chia đất mà ban tên họ (thị). Như ông Tiết khi được phong ở đất Thương, được ban họ Tử (Tử thị), ông Tắc khi được phong ở đất Thai, được ban họ, để lập tông phái. Từ đó về sau, các đời đều có tên họ, như Ngu Thuấn là họ Diêu (Diêu tính), Hạ Vũ họ Tự (Tự tính), Chu Văn họ Cơ (Cơ tính); mà Cửu khanh, Tam công, Ngũ thần, Thập loạn đều có công lao với nước, nhưng chưa từng thấy ai được ban họ (nhà vua) cả. Đến Hán Cao Tổ cho là Lâu Kính có công dâng kế sách dựng đô thành bèn ban cho họ Lưu, Đường Cao Tổ khen Thế Tích có khí tiết bề tôi trong sạch nên ban cho họ Lý. Đó đều là phương sách chế ngự hào kiệt mà thôi”.
Ở nước ta, việc ban quốc tính có từ thời Lý, như trường hợp vị hoạn quan có tài năng quân sự Ngô Tuấn (có tài liệu khác lại cho rằng ông vốn họ Quách, nhưng cũng có tài liệu nói ông là con trai tướng quân Ngô An Ngữ, cháu của sứ quân Ngô Xương Xí, hậu duệ Vua Ngô Quyền), được Vua Lý Thánh Tông nhận là “Thiên tử nghĩa đệ” (em kết nghĩa của vua), ban quốc tính và đổi tên là Lý Thường Kiệt, sau trở thành Thái úy, Việt quốc công, danh thần qua các triều vua Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, có công đánh đuổi quân Tống xâm lược và giữ yên bờ cõi. Em trai của ông cũng được ban quốc tính, đổi tên là Lý Thường Hiến, cũng là danh tướng đương thời.
Thời Lý Thần Tông, thiền sư Minh Không (tên thật là Nguyễn Chí Thành) có công chữa bệnh cho vua (mà dã sử kể là bệnh “hóa hổ”, hay có sách kể vua bị bệnh mọc lông đầy người) mà cũng được ban quốc tính, được gọi là Lý triều Quốc sư.
Thời Trần, không có nhiều công thần được ban quốc tính. Nổi bật có viên cận thần của Vua Trần Thánh Tông là Đỗ Khắc Chung, có công đi sứ sang trại giặc Nguyên khi chúng sang xâm lược nước ta lần 2 (1285) để thăm dò và hòa hoãn, không làm nhục mệnh vua, nên sau đó được ban quốc tính, đổi tên thành Trần Khắc Chung. Sau này, Trần Khắc Chung còn được thăng lên làm Đại hành khiển (Tể tướng), rồi Ngự sử đại phu. Tuy nhiên, về đạo đức của vị Đại hành khiển này lại không được tốt đẹp, nên bị các bạn đồng liêu chê trách, thậm chí “Đại Việt sử ký toàn thư” còn chép: “Hưng Nhượng Đại vương ghét lắm, mỗi khi thấy Khắc Chung thì mắng phủ đầu: “Thằng này là điềm chẳng lành đối với nhà nước. Họ tên nó là Trần Khắc Chung thì nhà Trần rồi mất về nó chăng? Khắc Chung thường sợ hãi né tránh”. Sau này, vì hãm hại Quốc tể Thượng phụ Trần Quốc Chẩn mà khi qua đời, Trần Khắc Chung bị gia nô của Thiệu Vũ (con của Trần Quốc Chẩn) băm vằm xác!
Một vị danh tướng có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên được ban quốc tính là Trần Bình Trọng. Sự hy sinh anh dũng và lời nói khảng khái của ông khi bị giặc bắt đã khiến hai vua (Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông) hết sức cảm kích, ông được truy phong làm Bảo Nghĩa vương. Theo nhiều tài liệu, Trần Bình Trọng nguyên gốc họ Lê, có thể là con trai của danh tướng Lê Phụ Tần và cựu nữ hoàng Lý Chiêu Hoàng.
Ban quốc tính cho công thần nhiều nhất là sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi, Bình Định vương Lê Lợi lên ngôi vua, thưởng công cho các công thần.
“Đại Việt sử ký toàn thư” viết: “Tháng 2, năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), định các mức khen thưởng cho những hỏa thủ và quân nhân của quân Thiết đột có công lao siêng năng khó nhọc ở Lũng Nhai gồm 121 người.
Công hạng nhất, được ban quốc tính là bọn Lê Vấn, Lê Quy, Lê Dịch, Lê Ê..., tất cả 52 người làm Vinh lộc đại phu, tả Kim ngô vệ đại tướng quân, tước Thượng trí tự.
Công hạng hai, được ban quốc tính là bọn Lê Bồ, Lê Liệt, Lê Khảo..., 72 người, làm Trung lượng đại phu, tả Phụng thần vệ tướng quân, tước Đại trí tự.
Công hạng ba, được ban quốc tính là bọn Lê Lễ..., 94 người, làm Trung vũ đại phu Câu kiềm vệ tướng quân, tước Trí tự”.
Như vậy, có đến hàng trăm công thần từ họ khác đã được đổi sang họ vua là họ Lê. Các tướng vốn gốc họ Nguyễn gồm Nguyễn Xí, Nguyễn Chích, danh thần Nguyễn Trãi; gốc họ Đinh như Đinh Lễ, Đinh Liệt; họ Trịnh như Trịnh Khả, Trịnh Đồ; họ Phạm như Phạm Lôi; họ Trương như Trương Lôi, Trương Chiến... Anh trai của hoàng hậu được truy phong Phạm Thị Ngọc Trần là Phạm Vận cũng được ban quốc tính, đổi tên thành Lê Vận.
Vì sao Vua Lê Thánh Tông bỏ lệ ban quốc tính?
Ngay sau khi lên ngôi, Vua Lê Thánh Tông đã quan tâm đến những nhân vật được ban quốc tính. Sau cuộc đảo chính lật đổ Lê Nghi Dân vào tháng 6/1460, nhà vua lên ngôi, lập tức cho đổi ngay niên hiệu là Quang Thuận thứ nhất (1460) và đến tháng 9 năm đó, đã sắc cho bọn tể thần Lê Xí tâu thăng các quan công thần tại chức hay đã chết, được ban quốc tính hay không được ban, cùng số con trai của họ chưa được thăng bổ. Trong số này, có Nguyễn Sư Hồi là con trai của Nguyễn Xí thuộc nhóm chưa được ban quốc tính. Nguyễn Sư Hồi về sau nhiều lần được nhà vua che chở khi phạm những lỗi lầm, bị các quan đàn hặc.
Đến tháng 12, năm Quang Thuận thứ 5 (1464), Vua Lê Thánh Tông lại sắc dụ đại thần và các quan rằng: "Xưa Thái tổ ta dãi gió dầm mưa để bình định thiên hạ, bấy giờ các bề tôi có công ra sức giúp dân, cùng chịu gian lao khổ ải, tình nghĩa đều vẹn toàn. Vì thế, đặc ân ban quốc tính để tỏ lòng yêu quý khác thường. Nhưng, con cháu các ngươi truyền nối lâu dài e rằng họ cũ của tổ tiên, trái với đạo dạy người ta hiếu thảo. Từ nay về sau, công thần được đặc ân ban quốc tính thì chỉ một đời người ấy thôi, còn con cháu thì đều theo họ cũ".
Và đến năm Quang Thuận thứ 8 (1467), nhà vua đưa ra quyết định quyết liệt hơn, khi yêu cầu Bộ Lễ kiểm tra lại các cơ sở của việc ban quốc tính. Hiểu ý vua, Thượng thư Bộ Lễ tâu rằng: “(Việc ban quốc tính), người làm tôi thì cũng cho thế là vinh hạnh, mà không hiểu rằng họ hàng phải có phả hệ, tuyệt đối không thể lẫn lộn được. Cái sai của việc ban tên họ có quan hệ rất lớn. Vì người làm tôi mà cùng họ với vua thì bất kính, người làm con mà quên mất gốc thì bất hiếu. Làm sao có kẻ bất kính, bất hiếu mà làm nên việc được? Nên sửa bỏ lệ ấy đi. Tất cả bề tôi đã được ban cho họ nhà vua đều cho đổi lại theo họ cũ của ông cha để cho tông phái nhà vua được phân minh, cội gốc các họ được rõ ràng". Nhà vua đã y theo lời bàn này.
Đây là một trong những biện pháp của Vua Lê Thánh Tông nhằm tập trung quyền lực, bên cạnh việc bãi bỏ các chức vụ Tể tướng, Đại hành khiển, Tam tư, cấm các vương công đại thần lập phủ, chiêu mộ lính riêng, chia lại bộ máy hành chính thành 13 đạo thừa tuyên, phân công quan chức quản lý và lập bộ máy giám sát chặt chẽ. Nhờ đó, Vua Lê Thánh Tông đã thâu tóm được quyền lực tuyệt đối để cai trị đất nước.
Lệ ban quốc tính từ đó gần như đã không còn được thực hiện. Tuy nhiên, thời Lê trung hưng, vẫn có trường hợp công thần được ban họ chúa Trịnh. Đó là trường hợp Tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan, người cùng Thái sư Trịnh Kiểm phò các vua Lê Trang Tông, Lê Trung Tông ở vùng Thanh Nghệ chống lại nhà Mạc. Năm Nhâm Tý (1552), theo kế của Lê Bá Ly, Thái sư Trịnh Kiểm kéo đại quân ra chiếm Thăng Long, trong chiến dịch này, Nguyễn Cảnh Hoan lập nhiều chiến công lớn, được gia phong là chức Thái bảo và được ban họ của nhà chúa, gọi là Trịnh Mô, được coi là bề tôi tâm phúc, chúa lại cấp thêm quân binh, trao cho ông quyền được trông nom mọi việc quan trọng trong kinh ngoài trấn và luôn kề cận bàn việc trong màn trướng với chúa Trịnh.
Đến năm Tân Mùi 1571, xét công phong thưởng, vua Lê gia phong cho Trịnh Mô làm Thiếu phó, chỉ xếp dưới Tiết chế Trịnh Tùng. Tuy nhiên, Trịnh Mô sau đó lại bị tướng của nhà Mạc là Nguyễn Quyện bắt, đem về Thăng Long chiêu hàng không được, rồi giết. Dù vậy, ông vẫn được Nguyễn Quyện kính trọng, xin vua Mạc cho đem thi hài về quê ở Thanh Chương, Nghệ An an táng.
Thời Nguyễn cũng có trường hợp được ban quốc tính, là danh tướng Nguyễn Huỳnh Đức. Ông vốn tên thật là Huỳnh Tường Đức, quê ở dinh Long Hồ (nay là Long An), theo phò chúa Nguyễn Ánh có nhiều công lao nên được ban họ của chúa, từ đó lấy họ kép là Nguyễn Huỳnh. Ông là người rất gần gũi với chúa Nguyễn Ánh, từng dùng đùi làm gối cho vị chúa trẻ ngủ đêm khi bị quân Tây Sơn truy đuổi. Do đó, sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi Vua Gia Long, đã coi Nguyễn Huỳnh Đức như người trong gia tộc. Nguyễn Huỳnh Đức là người được Vua Gia Long tin cẩn, lần lượt được giao trọng trách làm Tổng trấn Bắc thành và Gia Định, có hai con trai được lấy công chúa. Nhờ những ân điển này nên Nguyễn Huỳnh Đức có cuộc đời trọn vẹn đến già, không như những công thần khác của Vua Gia Long sau này bị nhà vua trị tội như Nguyễn Văn Thành, hay trị tội cả sau khi đã qua đời như Lê Văn Duyệt.