Trăn trở giữ nghề truyền thống
Ở một góc nhỏ trong thôn người Nùng Dín ở xã Nấm Lư, huyện Mường Khương vẫn có đôi tay miệt mài, chăm chỉ cầm kim khâu và chỉ thêu, may vá mỗi ngày với trái tim yêu văn hóa truyền thống, đam mê nghề thủ công của dân tộc mình.
Đang độ tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” nên bà Lù Thị Hà ở thôn Cốc Chứ, xã Nấm Lư còn khỏe mạnh, đôi tay nhanh nhẹn và đôi mắt tinh tường. Mỗi ngày, ngoài lên nương trồng ngô, cấy lúa, chăm sóc gia đình, bà Hà dành phần nhiều thời gian cho niềm đam mê, yêu thích của riêng mình. Biết cầm kim may quần áo, thêu địu, làm mũ vải, giày vải từ năm 17 tuổi, đến giờ, bà Hà đã có “thâm niên” hơn 35 năm theo nghề may trang phục truyền thống của dân tộc Nùng Dín.
Nhớ lại những ngày "chập chững" thêu thùa, may vá, bà Hà kể: Hồi mới theo nghề, được mẹ và bà dạy từng đường chỉ may, dạy thêu ghép từng vuông vải theo kỹ thuật truyền thống của người Nùng Dín, tôi cũng phải mất quãng thời gian dài để học, làm đi làm lại nhiều lần mới thành. Lúc đó, thêu được mảnh đẹp thì tôi mới dám khoe với mọi người, còn mảnh nào mà đường kim mũi chỉ chưa thẳng, mảnh thêu ghép vải còn vụng, tôi đem “giấu biệt”…
Cũng chính vì khao khát được làm ra sản phẩm ngày một đẹp hơn, nên tôi cứ theo đuổi và gắn bó mãi với nghề may thủ công. Càng làm tôi càng cảm thấy yêu thích, có những hôm, mải làm quên cả đêm khuya, đến khi trời sáng mới buông kim.
- Bà Lù Thị Hà chia sẻ -
Ban đầu là đường may cơ bản, đường thêu đơn giản, sau dần là hoa văn khó hơn, zíc zắc và phối nhiều màu sắc hơn, những mẫu thêu hoa văn cầu kỳ hơn… Nhất là các mẫu hoa văn phượng hoàng - một mẫu hoa văn đặc trưng truyền thống của dân tộc Nùng Dín để may trên địu, túi vải và mũ trẻ em. Mỗi lần tự mình “chinh phục” được mẫu thêu, mẫu hoa văn khó, càng làm cho tôi yêu thích công việc của mình. Cứ có thời gian rảnh, bà Hà lại cầm kim chỉ để may, để thêu, để được thỏa niềm đam mê đang chảy trong huyết quản, trong trái tim mình.
Bà Hà không chỉ tự may trang phục cho mình, cho các con và người thân trong gia đình, mà còn may sẵn những bộ trang phục truyền thống, giày vải, may những chiếc địu, những chiếc mũ vải trẻ em rồi mang ra chợ phiên bán. Cũng bởi đam mê, yêu thích chứ tính kinh tế thì thu nhập từ công việc này không đáng là bao, bởi các công đoạn may thêu hoàn toàn thủ công, mất rất nhiều thời gian mới thành sản phẩm hoàn chỉnh…
Thế nhưng, với bà Hà, được làm công việc mình yêu thích từ tuổi thanh xuân cho đến bây giờ là một niềm vui, niềm hạnh phúc của cuộc đời. Hơn thế, còn là nỗi niềm trăn trở của bà Hà về việc gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Bà Hà chỉ suy nghĩ đơn giản một điều rằng, mình làm để giáo dục thế hệ trẻ và mai sau luôn biết trân trọng giá trị văn hóa, tri thức nghề truyền thống của cha ông trao truyền lại.
Theo truyền thống của người Nùng Dín, phụ nữ biết làm địu để mình địu con khi về nhà chồng, biết làm mũ cho cháu ngoại, biết may túi cho trẻ em đựng quà trong Tết tháng Bảy. Thế nên, cũng giống như bao phụ nữ ở bản người Nùng Dín, bà Hà cũng được tiếp nối truyền thống văn hóa ấy từ mẹ, từ bà rồi lại trao truyền cho con gái, cho cháu gái của mình.
Mặc dù, trong thôn người Nùng Dín, phụ nữ đều biết khâu, biết may, thêu trang phục truyền thống, nhưng các bà, các cô, các chị em chủ yếu tranh thủ lúc nông nhàn để tự phục vụ chính nhu cầu của bản thân cũng như của gia đình mình. Nhiều người bận rộn với công việc thì thường đặt may hoặc ra chợ phiên mua đồ may sẵn… Thế nên, những người làm nghề may trang phục truyền thống và “nặng lòng” như bà Lù Thị Hà hiện không còn nhiều.
Bà Lù Thị Hà tâm sự: Ngoài nghề may trang phục truyền thống, người Nùng Dín cũng còn một số nghề thủ công như đan lát (gùi, mẹt), làm trang sức bạc (vòng cổ, vòng tay, trang sức trên trang phục váy áo, mũ…) cũng đã dần mai một theo năm tháng. Trong các thôn, bản người Nùng Dín không còn nhiều người biết làm nghề và theo đuổi nghề. Lâu dần nếu không duy trì và phát huy trong đời sống hiện tại, về sau nghề truyền thống dần dần sẽ mất đi… Tôi mong rằng, địa phương sẽ có một số chương trình liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có nghề truyền thống đặc trưng của đồng bào Nùng Dín.
Trăn trở của bà Hà cũng là nỗi lòng của những người đang công tác trong ngành văn hóa, cũng như cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Mặc dù thời gian qua, ngành văn hóa địa phương cũng đã triển khai một số chương trình, dự án liên quan đến bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống (trang phục, hoa văn thổ cẩm, dân ca dân vũ, ẩm thực, phong tục lễ hội…).
"Tuy nhiên, vẫn cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành trong việc nghiên cứu sâu về văn hóa truyền thống, từ đó xây dựng chiến lược bảo tồn, đặc biệt là phải phát huy được giá trị văn hóa truyền thống ấy trong đời sống đương đại" - bà Nguyễn Thị Điều, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mường Khương chia sẻ.
Hơn nữa, cần có cơ chế chính sách để khuyến khích và tôn vinh những người đam mê tâm huyết giữ nghề truyền thống, yêu văn hóa truyền thống dân tộc mình như bà Lù Thị Hà.