Triển lãm ngành nghề truyền thống: Tôn vinh di sản văn hóa

Với chủ đề 'Thuận An, đất và người' - 'Giao lưu và hội tụ', triển lãm ngành nghề truyền thống TP.Thuận An năm 2024 gồm 523 hiện vật của 58 nhà sưu tập từ Bình Dương và các tỉnh lân cận đang được trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao TP.Thuận An đã thu hút đông đảo người dân đến thưởng lãm. Ở đây, những nghề thủ công truyền thống của Thuận An, từ gốm Lái Thiêu đến chạm khắc gỗ tinh xảo như được tái hiện lại hết sức sinh động.

Nhiều du khách, trong đó có các em học sinh thích thú tham quan triển lãm với các hiện vật gốm quý

Trong số các hiện vật được trưng bày, có hơn 350 hiện vật nghề truyền thống của Lái Thiêu - Thuận An và gần 200 hiện vật nghề truyền thống thuộc các dòng sản phẩm như gốm Hoa Mai, gốm Thanh Lễ, gốm Chợ Lớn, gốm Biên Hòa - Đồng Nai… Đây là những tranh ảnh, hiện vật quý, có giá trị thuộc các nghề gốm, tranh kính, sơn mài, chạm khắc gỗ qua các thời kỳ, trong đó có những hiện vật được làm ra từ những năm 1900, được các nhà sưu tập sưu tầm và gìn giữ đến nay.

Bên cạnh các sản phẩm trưng bày, triển lãm, nhân dịp này, Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao TP.Thuận An cũng nhận được trên 40 hiện vật gốm của 20 nhà sưu tập đã hiến tặng cho đơn vị, để bổ sung cho nguồn hiện vật nghề truyền thống địa phương.

Các hiện vật gốm xưa thu hút nhiều người dân đến thưỡng lãm

Bà Đỗ Thị Quyên, Chủ tịch Hội cổ vật tỉnh An Giang, cho biết tham gia triển lãm lần này, đơn vị đã mang đến nhiều hiện vật độc đáo. Cụ thể như bộ sưu tập gối bằng gốm, đèn dầu, khuôn bánh bằng gỗ… Trong bộ sưu tập gối có gốm Lái Thiêu với kiểu dáng và nét vẽ rất đặc trưng.

Ông Trương Ngọc Tường (sinh năm 1949, nghệ nhân dân gian ở TX.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) hiến tặng cho ngành văn hóa và thông tin TP.Thuận An một cái dĩa đựng đồ cúng có chân bằng gốm. Ông mong muốn địa phương sẽ tái hiện lại các nét đẹp văn hóa xưa để các thế hệ con cháu sau này nghiên cứu học tập.

Ông Trương Ngọc Tường (sinh năm 1949, nghệ nhân dân gian ở TX.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) hiến tặng cho ngành văn hóa và thông tin TP.Thuận An một cái dĩa đựng đồ cúng có chân bằng gốm. Ông mong muốn địa phương sẽ tái hiện lại các nét đẹp văn hóa xưa để các thế hệ con cháu sau này nghiên cứu học tập.

Theo bà Bùi Ngọc Vi, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao TP.Thuận An, nghề gốm bắt đầu hình thành từ cuối thể kỷ XIX và phát triển vào đầu thế kỷ XX. Gốm Lái Thiêu nổi tiếng với những sản phẩm tinh tế, đậm chất Nam bộ và mang tính ứng dụng cao. Gốm Lái Thiêu là sự kết hợp đồng thời giữa nhu cầu tiện ích lẫn hiệu quả mỹ thuật, đa dạng về chủng loại sản phẩm, phong phú về hình dáng, bố cục. Vừa đẹp lại vừa là sản phẩm ứng dụng. Gốm Lái Thiêu từ xưa đã chiếm lĩnh thị trường miền Nam trong suốt hàng chục năm. Đặc biệt trong những năm đầu thế kỷ XX cho đến tận ngày nay, không chỉ được ưa chuộng trong nước, gốm Lái Thiêu còn được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài khá nhiều.

Triển lãm do Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể Thao TP.Thuận An tổ chức nhằm giới thiệu những sản phẩm đặc sắc của vùng đất Lái Thiêu xưa, TP.Thuận An ngày nay để phục vụ nhu cầu thưởng lãm của công chúng và quảng bá ngành nghề truyền thống Thuận An. Đây cũng là dịp giao lưu, hội tụ các sản phẩm ngành nghề truyền thống và các nhà sưu tập của các địa phương. Triển lãm mở cửa miễn phí từ ngày 23-11-2024 đến hết ngày 15-12-2024 tại Nhà Truyền thống TP.Thuận An.

THỤC VĂN

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/trien-lam-nganh-nghe-truyen-thong-ton-vinh-di-san-van-hoa-a336387.html
Zalo