Người mừng kẻ tiếc trong mùa cổ tức ngân hàng

Trong mùa tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2024, nhiều cổ đông ngân hàng hân hoan nhận cổ tức nhưng cũng có nhiều người ấm ức vì không được chia…

Dù năm 2024 ghi nhận lợi nhuận tích cực ở nhiều nhà băng, song không ít cổ đông vẫn ngậm ngùi khi trong mùa đại hội đồng cổ đông không thấy cổ tức đâu.

Kỳ vọng được “trong hái quả ngọt” sau một năm gắn bó, nhiều nhà đầu tư cá nhân không khỏi thất vọng trước quyết định giữ lại lợi nhuận để tăng vốn tự có, trích lập dự phòng hoặc phục vụ các kế hoạch dài hạn của ngân hàng.

CỔ ĐÔNG NGÂN HÀNG "KHÁT" CỔ TỨC

Theo tài liệu trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, ngân hàng ABBank cho biết lợi nhuận sau thuế của ngân hàng trong năm 2024 là 627,2 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là 470,4 tỷ đồng. Cùng với lợi nhuận còn lại của các năm trước chưa sử dụng là gần 1.841 tỷ đồng, tổng lợi nhuận chưa phân phối của ABBank đang là 2.311 tỷ đồng.

Hội đồng quản trị có đề xuất sẽ để lại toàn bộ/chưa phân phối số lợi nhuận sau thuế còn lại của năm 2024 sau khi trích lập các quỹ nhằm bổ sung nguồn vốn thực hiện kế hoạch chiến lược, tạo tích lũy nội tại để tăng vốn điều lệ trong tương lai. Điều này đồng nghĩa các cổ đông không được chia cổ tức.

Tương tự, Eximbank ghi nhận lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ của năm 2024 là 2.431 tỷ đồng, lợi nhuận lũy kế chưa phân phối đến năm 2024 là 2.526 tỷ đồng. Song ngân hàng này cho biết sẽ không thực hiện chia cổ tức năm 2024 nhằm củng cố năng lực tài chính.

Tại ngân hàng TPBank, năm 2024 ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 7.599 tỷ đồng, hoàn thành 101,33% kế hoạch đề ra. Sau khi trừ thuế và trích lập các quỹ, lợi nhuận chưa phân phối còn lại gần 4.852 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm nay, ngân hàng không trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức.

Cùng xu hướng, ngân hàng SeABank cho biết lợi nhuận còn lại sau khi nộp thuế và trích lập các quỹ năm 2024 là 3.625 tỷ đồng; lợi nhuận chưa phân phối lũy kế còn lại sau khi trích lập các quỹ là 3.743 tỷ đồng.

SeABank dự kiến phần lợi nhuận chưa phân phối lũy kế còn lại sau khi trích lập các quỹ năm 2024 sẽ được giữ lại, không chia cổ tức trong năm 2025, nhằm tăng cường năng lực tài chính, bổ sung nguồn vốn kinh doanh thời gian tới.

Với cổ đông ngân hàng Sacombank, cổ tức là “trái ngọt” được chờ đợi sau hành trình dài tái cơ cấu. Nhưng để chạm tay vào thành quả ấy, họ vẫn chưa biết sẽ phải đợi đến bao giờ.

Năm 2024, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Sacombank đạt 10.087 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, ngân hàng còn hơn 7.013 tỷ đồng. Cộng với 18.339 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại từ những năm trước, Sacombank hiện đang có hơn 25.352 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế.

Mặc dù ghi nhận lợi nhuận đáng kể trong năm 2024, Sacombank không có kế hoạch chia cổ tức. Nếu không có động thái nào tại Đại hội cổ đông diễn ra ngày 25/4 tới, đây sẽ là năm thứ 9 liên tiếp Sacombank không chia cổ tức.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết, Sacombank là ngân hàng tái cơ cấu, sáp nhập. Hiện nay, Sacombank đã xử lý nợ xấu cơ bản và chỉ còn lại khoản phần cổ phiếu của ông Trầm Bê.

Sacombank đã trình Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng mua lại để bán đấu giá, hiện đang chờ được phê duyệt. Điều kiện để chia cổ tức là Sacombank phải tái cơ cấu thành công.

“Tôi là cổ đông lớn của ngân hàng, tôi cũng mong được chia cổ tức lắm chứ”, ông Minh chia sẻ thời điểm đó. Cũng như ông Minh, cổ đông Sacombank năm nay có thể vẫn phải tiếp tục chờ cho việc tái cơ cấu hoàn tất để có thể hưởng những đồng cổ tức đầu tiên.

NHIỀU NGÂN HÀNG CHIA CỔ TỨC HẤP DẪN

Trái ngược với những ngân hàng nêu trên, mùa đại hội năm nay cũng ghi nhận nhiều nhà băng lên phương án cho cổ tức với tỷ lệ cao.

Điển hình, LPBank gây bất ngờ khi tuyên bố chi trả cổ tức tiền mặt 25% tương ứng hơn 7.500 tỷ đồng, một con số thuộc hàng cao nhất ngành. Tính đến thời điểm hiện tại, LPBank là ngân hàng có tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt cao nhất thị trường. Đây cũng là lần đầu tiên LPBank trả cổ tức bằng tiền mặt sau hơn 7 năm. Lần gần nhất ngân hàng này trả cổ tức tiền mặt diễn ra vào tháng 2/2018 với tỷ lệ là 10%.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 vừa qua, Hội đồng quản trị ACB trình cổ đông thông qua kế hoạch chia cổ tức tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt, tương ứng với gần 11.167 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức này cũng được ngân hàng dự kiến tiếp tục áp dụng cho năm 2025 với mức vốn sử dụng tương ứng là gần 12.842 tỷ đồng.

Với kế hoạch chia cổ tức trên, ACB dự kiến sẽ phát hành thêm gần 670 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tăng vốn điều lệ thêm gần 6.700 tỷ đồng lên gần 51.367 tỷ đồng. Thời gian dự kiến hoàn thành kế hoạch phát hành tăng vốn điều lệ là quý 3/2025.

Tương tự, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của VIB mới đây đã thông qua kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7% vốn điều lệ (vốn điều lệ tại ngày 31/12/2024 là 29.791 tỷ đồng), ước tính số tiền để chi trả cổ tức là hơn 2.085 tỷ đồng.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư gần đây, Ban lãnh đạo HDBank cũng hé lộ kế hoạch trả cổ tức năm 2024 với tỷ lệ tối đa là 30% vốn điều lệ, trong đó bao gồm cổ tức tiền mặt tối đa 15%. Kế hoạch chi tiết sẽ được trình tại Đại hội đồng cổ đông sắp tới.

Ngân hàng OCB nối gót sau khi công bố lần đầu tiên chia tiền mặt với tỷ lệ 7%, tổng chi hơn 1.726 tỷ đồng. Trước đó, ngân hàng chủ yếu chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc phát hành cổ phiếu thưởng nhằm tăng vốn điều lệ.

Theo báo cáo gửi tới cổ đông, lợi nhuận trước thuế năm 2024 của SHB đạt 11.339 tỷ đồng. Sau khi trừ thuế và trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại của ngân hàng đạt 7.305 tỷ đồng, nâng tổng lợi nhuận lũy kế lên 8.273 tỷ đồng.

Với kết quả này, SHB dự kiến dành 7.317 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông, tương ứng tỷ lệ 18%. Trong đó, 5% sẽ được chia bằng tiền mặt, còn 13% là cổ phiếu. Đây là mức cổ tức cao hơn so với năm 2024, khi ngân hàng chi trả 16% (5% tiền mặt, 11% cổ phiếu).

Dự kiến trong năm 2025, ngân hàng MB sẽ sử dụng 21.556 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 35%, theo hai cấu phần. Số lợi nhuận còn lại sau khi thực hiện chia cổ tức là 2.195 tỷ đồng.

Theo đó, MB sẽ dành 1.831 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 3% và dành 19.726 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 32%, giúp vốn điều lệ tăng thêm tương ứng. So với năm 2024 (20% cổ tức, tương đương 10.613 tỷ đồng), mức chi năm nay đã tăng gấp đôi.

Đại hội ngân hàng VPBank sắp tới cũng sẽ cân nhắc về phương án chia cổ tức 5% bằng tiền mặt từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ tính đến 31/12/2024, ước mức chi 3.967 tỷ đồng. Thời điểm dự kiến chia trong quý 2 hoặc quý 3/2025, thời điểm cụ thể do Hội đồng quản trị VPBank quyết định. Dù vậy, so với năm 2024, tỷ lệ cổ tức tiền mặt đã giảm một nửa (năm ngoái VPBank chi tới 10% tương đương 7.934 tỷ đồng).

Trong năm 2024, Techcombank đã chi gần 5.300 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông, sau 10 năm liên tiếp giữ lại toàn bộ lợi nhuận để tái đầu tư, mở rộng kinh doanh.

Tổng Giám đốc Jens Lottner cũng khẳng định, ban lãnh đạo Techcombank đang xây dựng chính sách để chia cổ tức bằng tiền mặt một cách bền vững và dài hạn chứ không chỉ là một vài năm. Cụ thể, Ban lãnh đạo Techcombank dự kiến mức chi trả cổ tức hàng năm bằng tiền mặt ít nhất 20%/ tổng lợi nhuận

Minh An

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/nguoi-mung-ke-tiec-trong-mua-co-tuc-ngan-hang-post559346.html
Zalo