Doanh nghiệp tư nhân: Lực lượng chủ công nâng tầm thương hiệu

Doanh nghiệp tư nhân đang trở thành lực lượng chủ lực, góp phần nâng tầm thương hiệu quốc gia Việt Nam bằng đổi mới sáng tạo, chất lượng sản phẩm.

Nhân dịp kỷ niệm 17 năm Ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4/2008 - 20/4/2025), ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã có buổi trao đổi với báo chí về những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân (DNTN) trong xây dựng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam và những vấn đề đặt ra trong thời gian tới.

Lực lượng chủ lực trong quá trình định vị giá trị thương hiệu Việt

- Thưa ông, qua hơn 20 năm thực hiện Chương trình Thương hiệu Quốc gia và 17 năm kỷ niệm Ngày Thương hiệu Việt Nam, ông nhìn nhận như thế nào về vai trò của cộng đồng DNTN trong việc xây dựng và phát triển Thương hiệu Quốc gia Việt Nam?

Ông Hoàng Minh Chiến:Trải qua hơn 20 năm triển khai, Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đã không ngừng lan tỏa, góp phần nâng tầm nhận thức của các cấp, ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội về vai trò của thương hiệu trong phát triển kinh tế.

Trong hành trình đó, cộng đồng DNTN đã và đang đóng vai trò vô cùng quan trọng, thậm chí có thể nói là lực lượng chủ lực trong việc hiện thực hóa các mục tiêu của Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam.

Chính các DNTN, với tinh thần đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, đã tiên phong đầu tư vào nghiên cứu phát triển (R&D), công nghệ, chất lượng sản phẩm và chiến lược thương hiệu - đã tạo ra những sản phẩm, dịch vụ không chỉ đạt chất lượng cao, mà còn mang đậm bản sắc Việt Nam, từng bước khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Rất nhiều DNTN đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành những thương hiệu tiêu biểu, có sức lan tỏa, được thị trường trong nước và quốc tế ghi nhận.

Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, sự chủ động của DNTN trong việc đầu tư cho công nghệ, quản trị, thiết kế và xây dựng thương hiệu là một yếu tố then chốt góp phần định vị giá trị mới cho hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Từ đó, góp phần nâng tầm hình ảnh quốc gia Việt Nam.

Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương.

Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương.

Tôi cho rằng, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt và đồng hành bền bỉ của khu vực DNTN, Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam sẽ khó đạt được những kết quả như hiện nay. Trong thời gian tới, tôi cho rằng, khu vực DNTN vẫn sẽ là lực lượng quan trọng trong quá trình định vị giá trị, bản sắc và sức cạnh tranh của thương hiệu Việt trên trường quốc tế.

- Xin ông chia sẻ một vài ví dụ điển hình về đóng góp cụ thể của DNTN trong việc xây dựng và phát triển Thương hiệu Quốc gia Việt Nam?

Ông Hoàng Minh Chiến: Trong 190 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, nhiều DNTN đều đóng góp tích cực và có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển Thương hiệu Quốc gia Việt Nam.

Một vài ví dụ tiêu biểu có thể kể đến như: Vinamilk - thương hiệu sữa xếp hạng thứ 6 trong Top 10 thương hiệu sữa giá trị nhất toàn cầu và Top 2 thương hiệu mạnh toàn cầu của ngành sữa theo xếp hạng của Brand Finance. VinFast - một thương hiệu mang tính đột phá trong ngành công nghiệp ô tô điện. Chỉ trong một thời gian ngắn, VinFast đã trở thành đại diện tiêu biểu của tinh thần đổi mới sáng tạo, bứt phá công nghệ.

Việc mở rộng thị trường ra Bắc Mỹ, châu Âu là một minh chứng cho khát vọng và năng lực xây dựng thương hiệu tầm quốc tế của DNTN Việt Nam.Duy Tân - một DNTN trong ngành nhựa, đã tiên phong trong chuyển đổi mô hình sản xuất xanh, xây dựng thương hiệu gắn với tái chế và kinh tế tuần hoàn. Điều này không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn nâng cao hình ảnh thương hiệu Việt Nam gắn với trách nhiệm môi trường và phát triển bền vững.

Ngoài ra, còn rất nhiều thương hiệu tiêu biểu khác như TH Milk, Nafoods trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm, đồ uống, PlasmaMED trong y tế công nghệ cao..., đều là những DNTN đang nỗ lực đổi mới, sáng tạo và từng bước đưa thương hiệu Việt chạm tới những chuẩn mực toàn cầu.

Có thể nói, chính từ những đóng góp cụ thể như vậy, cộng đồng DNTN không chỉ nâng cao giá trị hàng hóa, dịch vụ Việt Nam, mà còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng hình ảnh một Việt Nam năng động, sáng tạo và có trách nhiệm trong mắt bạn bè quốc tế.

Đổi mới là "chìa khóa" hội nhập

- Từ thực tiễn thực hiện Chương trình Thương hiệu Quốc gia và kinh nghiệm quốc tế, theo ông, cần đột phá nào để thúc đẩy DNTN đóng góp nhiều hơn nữa trong giai đoạn tới - trong kỷ nguyên đổi mới và hội nhập sâu rộng?

Ông Hoàng Minh Chiến:Theo tôi, trong thời gian tới, vẫn rất cần sự vào cuộc đồng bộ từ phía Nhà nước, các hiệp hội ngành hàng và chính cộng đồng DNTN.

Về phía nhà nước, thứ nhất, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm đảm bảo duy trì và tăng cường đầu tư kinh doanh bền vững của DNTN.

Hai là, tạo cơ chế, chính sách khuyến khích DNTN ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

Ba là, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ nâng cao năng suất lao động trong doanh nghiệp; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp.

Bốn là, tăng cường vai trò của các tổ chức hội, hiệp hội doanh nghiệp trong hỗ trợ DNTN phát triển hiệu quả, bền vững…

Thế còn cộng đồng DNTN thì sao? Họ cần làm gì để thích ứng và đóng góp nhiều hơn trong phát triển Thương hiệu Quốc gia Việt Nam thời gian tới, thưa ông?

Ông Hoàng Minh Chiến:Về phía doanh nghiệp, thứ nhất, cần đổi mới sản phẩm. Doanh nghiệp Việt cần chú trọng phát triển những sản phẩm có chất lượng cao, mang bản sắc riêng, gắn với lợi thế so sánh của quốc gia. Trong đó, cần lưu ý tích hợp yếu tố văn hóa, bản địa hóa thiết kế và gia tăng hàm lượng chất xám trong quá trình tạo ra sản phẩm, dịch vụ để góp phần tạo dựng thương hiệu Việt mang tầm quốc tế.

Thứ hai là đổi mới quy trình. Doanh nghiệp cần từng bước chuẩn hóa, số hóa các quy trình quản trị và sản xuất theo chuẩn mực quốc tế, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm thiểu lãng phí và thích ứng linh hoạt với các biến động của thị trường toàn cầu.

Vinamilk giới thiệu các sản phẩm sữa xuất khẩu tại hội chợ quốc tế Gulfood Dubai. Ảnh: Thanh Huyền

Vinamilk giới thiệu các sản phẩm sữa xuất khẩu tại hội chợ quốc tế Gulfood Dubai. Ảnh: Thanh Huyền

Thứ ba là đổi mới công nghệ. Việc mạnh dạn đầu tư ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, tự động hóa… sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng truy xuất nguồn gốc - những yếu tố ngày càng được thị trường quốc tế coi trọng.

Thứ tư là đổi mới tổ chức. Doanh nghiệp cần xây dựng mô hình quản trị hiện đại, lấy con người làm trung tâm, khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo trong toàn bộ hệ thống. Đồng thời, đổi mới tổ chức phân phối tạo dựng được uy tín lâu dài trên thị trường toàn cầu.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo ông Hoàng Minh Chiến, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đã và đang đóng vai trò vô cùng quan trọng, thậm chí có thể nói là lực lượng chủ lực trong việc hiện thực hóa các mục tiêu của Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam.

Nguyên Long - Lê Trang (ghi)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-tu-nhan-luc-luong-chu-cong-nang-tam-thuong-hieu-384044.html
Zalo