Ai hưởng lợi lớn khi đồng USD suy yếu?
Đồng USD đã giảm gần 10% từ đỉnh tháng 1, thắp lên lợi thế xuất khẩu và đẩy giá vàng vượt 3.300 USD.
Đồng đôla Mỹ, vốn được xem là nền tảng của hệ thống tài chính toàn cầu, đã giảm gần 10% so với mức đỉnh hồi giữa tháng 1, chạm mức thấp nhất trong ba năm khi so với rổ các đồng tiền chủ chốt.

Hình minh họa giá đồng USD đi xuống. Ảnh: Getty
Một trong những nguyên nhân chính khiến đồng tiền này mất giá là do chính sách thuế nhập khẩu gây nhiều tranh cãi của Tổng thống Donald Trump. Những chính sách này đã làm dấy lên lo ngại về lạm phát và nguy cơ suy thoái, đồng thời làm suy giảm niềm tin của giới đầu tư vào giá trị của đồng bạc xanh.
Việc đồng USD mất giá khiến sức mua của người tiêu dùng Mỹ bị ảnh hưởng và làm gia tăng chi phí nhập khẩu đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều này cũng mang lại lợi thế khi giúp hàng hóa xuất khẩu của Mỹ trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế.
Tác động của việc đồng USD suy yếu không chỉ giới hạn trong phạm vi nước Mỹ mà còn ảnh hưởng tới toàn cầu. Bởi đồng USD hiện đang là đồng tiền dự trữ chủ yếu của thế giới, được sử dụng trong hầu hết các giao dịch hàng hóa, dịch vụ cũng như các công cụ tài chính khác.
Các đồng tiền khác đang hưởng lợi
Sự mất giá của đồng đôla đã tạo điều kiện cho nhiều đồng tiền khác tăng giá mạnh trong năm nay, khi nhà đầu tư tìm đến các kênh trú ẩn an toàn hoặc lựa chọn thay thế.
Đồng franc Thụy Sĩ, được hậu thuẫn bởi sự ổn định chính trị và hệ thống tài chính vững mạnh, đã tăng hơn 9% so với USD và hiện đang ở gần mức cao nhất trong vòng hơn một thập kỷ. Đồng yên Nhật cũng ghi nhận mức tăng tương tự, nhờ lạm phát thấp và nhu cầu lớn đối với trái phiếu chính phủ.
Đồng euro đã vươn lên mức cao nhất trong ba năm so với USD, phản ánh niềm tin của thị trường vào Ngân hàng Trung ương châu Âu. Một số đồng tiền thuộc nhóm thị trường mới nổi như đôla Singapore và won Hàn Quốc cũng cho thấy xu hướng tăng giá rõ rệt.
Mặc dù tiền mã hóa thường được nhắc đến như một kênh phòng ngừa rủi ro trước lạm phát và biến động tiền tệ, nhưng trong thực tế, bitcoin lại đang giảm hơn 9% và hiện giao dịch ở mức khoảng 84.400 USD.
Ông Charlie Bilello, Giám đốc chiến lược thị trường tại công ty quản lý tài sản Creative Planning, nhận định trên nền tảng mạng xã hội X rằng trong năm nay, thị trường đang chứng kiến làn sóng rút vốn rộng khắp khỏi đồng đôla Mỹ.
Nhiều nền kinh tế xuất khẩu được hưởng lợi
Việc đồng USD suy yếu thường tạo điều kiện thuận lợi cho các nền kinh tế có thế mạnh về xuất khẩu như Trung Quốc, Đức, Nhật Bản và Malaysia. Khi đồng USD giảm giá, hàng hóa từ các quốc gia này sẽ rẻ hơn đối với người tiêu dùng Mỹ, giúp tăng doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp, từ đó đẩy giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nội địa đi lên.
Tuy nhiên, lợi thế này cũng phần nào bị giảm thiểu do chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp thuế lên phần lớn hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.
Ngoài ra, những quốc gia có thế mạnh về tài nguyên như Ả Rập Xê Út hoặc Australia cũng đang được hưởng lợi khi giá trị xuất khẩu dầu mỏ, vàng và các tài nguyên khác của họ trở nên hấp dẫn hơn trong bối cảnh đồng USD suy yếu. Thị trường chứng khoán tại các nước này cũng có cơ hội tăng trưởng khi dòng tiền đầu tư chuyển dịch sang tìm kiếm lợi nhuận cao hơn.
Một tác động khác đang được ghi nhận là xu hướng giảm dần sự phụ thuộc vào đồng USD trong thương mại toàn cầu. Các quốc gia như Brazil, Ấn Độ, Nga, Trung Quốc và Nam Phi đang đẩy mạnh nỗ lực nhằm từng bước giảm vai trò chi phối của đồng đôla Mỹ, một xu hướng được gọi là "phi đô la hóa".
Giá hàng hóa cơ bản có chiều hướng đi lên
Các loại hàng hóa cơ bản như dầu mỏ, vàng và nông sản thường có xu hướng tăng giá khi đồng USD suy yếu, do chúng được định giá bằng đôla và trở nên tương đối rẻ hơn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Giá vàng - vốn được xem là tài sản trú ẩn an toàn, đã vượt mốc 3.300 USD/ounce trong năm nay, trong bối cảnh nhà đầu tư rút vốn khỏi các tài sản rủi ro hơn như cổ phiếu Mỹ và đồng USD.
Tuy nhiên, trái ngược với xu hướng của vàng, giá dầu thô lại đang giảm kể từ đầu năm, do lo ngại rằng căng thẳng thương mại leo thang sẽ làm chậm lại tăng trưởng kinh tế toàn cầu, kéo theo nhu cầu tiêu thụ dầu giảm mạnh.
Trong khi đó, giá hợp đồng tương lai đậu tương đã tăng khoảng 4%, hiện đạt mức 10,40 USD mỗi giạ. Nguyên nhân chủ yếu đến từ nguồn cung thắt chặt và chính sách áp thuế của Trung Quốc đối với đậu tương Mỹ, khiến giá mặt hàng này tăng lên đáng kể.