Người mẹ mạnh mẽ, vượt lên hoàn cảnh

Đã từ lâu, chị Diệp Thị Xuân, ấp Sơn Ton, xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) đã quên ước mơ của mình là gì mà chỉ sống vì gia đình, chăm lo cho con cái. Với chị, hạnh phúc của chị là thấy hai người con hạnh phúc. Phần nhiều thời gian chị làm việc, phát triển kinh tế gia đình để lo cho các con tương lai tốt hơn.

Chị là con út trong gia đình nghèo, với 10 anh chị em. Khi lập gia đình, chị được mẹ cho hơn 1 công đất trồng mía. Chị Xuân kể: “Do gia đình không khá giả, nên hai vợ chồng phải chăm chỉ làm ăn để có cuộc sống kinh tế tốt hơn. Ngoài trồng mía, công việc gì kiếm thêm thu nhập, miễn là chính đáng là hai vợ chồng không nề hà. Được gia đình rèn luyện tính chịu khó từ nhỏ nên cả hai chúng tôi luôn sát cánh làm việc, kiếm được bao nhiêu dành dụm mua đất canh tác thêm”.

Cuộc sống bình yên không bao lâu thì chị bị bệnh nặng, tốn nhiều chi phí điều trị. Khi đó hai vợ chồng phải vay mượn nhiều nơi để có tiền cho chị trị bệnh. Nhớ lại thời gian khó khăn của gia đình, ánh mắt chị đượm buồn: “Tôi bị thai trứng, nếu không điều trị sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Tiền bạc bao năm dành dụm đội nón ra đi. Khi tôi hết bệnh, hai vợ chồng ráng làm dành dụm lại để trả nợ cho mọi người. Những tưởng, đó chỉ là khó khăn duy nhất nhưng cuộc sống của tôi hết chuyện này đến chuyện khác. Giờ tôi chỉ lo làm việc, gặp người này người kia trò chuyện, không để thời gian rảnh, sợ nhớ lại những chuyện không vui”.

Chị Diệp Thị Xuân, ấp Sơn Ton, xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) có nguồn thu nhập ổn định từ ươm cây ớt giống. Ảnh: NGỌC HẢI

Chị Diệp Thị Xuân, ấp Sơn Ton, xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) có nguồn thu nhập ổn định từ ươm cây ớt giống. Ảnh: NGỌC HẢI

Chị Xuân nhớ lại: “Chồng tôi bị phổi tắc nghẽn mạn tính, không chỉ không lao động được mà còn phải có người chăm sóc. Lúc đó, một mình tôi đi làm lo cho gia đình tôi 4 người và mẹ già. Hết giờ ngoài đồng áng, về nhà, tôi vệ sinh, lo cơm nước cho mẹ, cho chồng. Ngoài trồng mía, tôi còn kinh doanh mua bán”.

Tuy cuộc sống gặp nhiều khó khăn, làm nhiều việc để kiếm tiền trang trải các chi phí gia đình nhưng chị Xuân vẫn lo cho 2 người con ăn học đến nơi đến chốn. Dù bận rộn thế nào chị cũng dành thời gian quan tâm, nhắc nhở 2 con cố gắng học hành. Khi con trai chị học hết cấp 3 xin chị đi học nghề ở Đức, chị đồng ý ngay nhưng đi học được khoảng 1 năm, lúc này chị không còn đủ sức gồng gánh nên đành nuốt nước mắt gọi điện cho con trai, bảo con nghỉ học về nhà.

Bà Nguyễn Thị Hoa - Trưởng Ban Công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Sơn Ton cho hay: “Xuân là hội viên phụ nữ của chi hội. Em là người con hiếu thảo, người phụ nữ đảm đang. Luôn chăm lo chu đáo cho người thân. Dù chồng em bị bệnh nặng suốt 5 năm rồi qua đời nhưng em luôn chăm sóc chu đáo. Về phần con cái em lo cho 2 con ăn học nên người. Hiện con gái của Xuân đang học ngành Luật tại Cần Thơ. Hoàn cảnh gia đình như thế nhưng em là người phụ nữ giỏi làm kinh tế, hiện nay em phát triển tốt mô hình ươm cây ớt giống, cho nguồn thu nhập ổn định”.

Nói về mô hình này, chị Xuân cho biết, trước đây chị thu mua ớt, có khách hàng muốn mua cây con nên chị tìm đến trại ươm mua cây ớt giống. Thấy hiệu quả kinh tế, chị hỏi nhưng người ta không thông tin gì cả. Nhờ tham gia hội thảo, được hướng dẫn cơ bản cách thức làm. Thế là chị không do dự bắt tay làm ngay. Do không có kinh nghiệm, nên thời gian đầu chị gặp khá nhiều khó khăn trong xây dựng nhà lưới, làm kệ… “Mình là phụ nữ, có cố gắng nhưng nhiều khi cũng thua sức đàn ông. Dù vậy, tôi không nản chí, vừa làm vừa học nên hiện nay tôi đã duy trì mô hình này được nhiều năm nay”, chị Xuân chia sẻ.

Hiện chị xây dựng nhà lưới ươm ớt giống với diện tích khoảng 3 công. Công việc này của chị không theo mùa vụ mà làm liên tục theo đơn đặt hàng của khách, hết giàn ớt này xuất bán lại tiếp tục ươm giàn ớt khác. Tính bình quân mỗi năm chị thu nhập khoảng 300 triệu đồng từ mô hình này. Tuy nguồn thu nhập khá nhưng công việc bận rộn liên tục không ngơi tay, có ngày chị làm suốt 12 tiếng đồng hồ.

Điều chị hài lòng là dù cuộc sống gia đình có nhiều biến cố, lắm lúc khó khăn nhưng 2 người con của chị vẫn ngoan ngoãn, học tập tốt. Vì hoàn cảnh gia đình nên con trai chị dang dở chuyện học hành nhưng con gái út được theo đuổi ước mơ học tập. Chị cười bảo: “Ngày con gái tôi ra trường, có việc làm, chắc tôi mừng không tả nổi”. Niềm vui của người phụ nữ ấy rất đỗi giản đơn như sự mộc mạc bên ngoài của chị vậy nhưng ẩn sâu bên trong đó là nghị lực vượt lên chính mình để bước qua hoàn cảnh.

NGỌC HẢI

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/thi-dua-khen-thuong/202505/nguoi-me-manh-me-vuot-len-hoan-canh-df42e44/
Zalo