Cha mẹ nên làm gì khi con sốt và nổi ban?

Những ngày gần đây, có khá nhiều trẻ nhỏ bị sốt mấy ngày, rồi bắt đầu nổi ban đỏ khám tại các phòng khám nhi. Nhiều bậc cha mẹ rất lo lắng, sợ con bị sốt xuất huyết. Có trường hợp còn tự mua thuốc uống, tự bôi thuốc lên da mà không đưa con đi khám. Điều này rất nguy hiểm!

Vừa rồi có một bé gái 28 tháng tuổi, ở xã Mỹ Phong, Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang bị sốt cao liên tục 3 ngày, kèm theo ban đỏ lấm tấm sau lưng và quấy khóc nhiều. Mẹ bé hoang mang vì nghĩ con bị sốt xuất huyết, nên đưa bé đi khám và làm xét nghiệm nhiều nơi, nhưng bé không hạ sốt.

Mẹ lo sợ, nhất định muốn con nhập viện, nhưng vừa vào bệnh viện khám thì bé tự nhiên hết sốt. Bác sĩ khám kỹ, làm xét nghiệm và nói bé bị nhiễm siêu vi, rồi cho toa, hướng dẫn mẹ về nhà theo dõi. Bác sĩ còn nói thêm: “Bệnh thường gặp và có thể tự khỏi”. Nghe vậy, mẹ của bé như trút được gánh nặng trong lòng, hết lo lắng.

Để giúp cha mẹ có con nhỏ hiểu rõ về căn bệnh nói trên, chúng tôi xin được chia sẻ như sau:

Sốt nổi ban siêu vi là tình trạng trẻ sốt do vi rút. Sau vài ngày sốt, khi bé hạ sốt thì da mới bắt đầu nổi ban đỏ nhẹ. Ban thường xuất hiện ở thân mình rồi lan ra tay chân. Trẻ vẫn tỉnh táo, chơi được, không ói, không li bì. Tuy nhiên. cha mẹ cũng không nên chủ quan.

Vì từ tháng 5 trở đi, miền Nam bắt đầu vào mùa mưa, là thời điểm dịch bệnh sốt xuất huyết bắt đầu có thể tăng trở lại. Bệnh sốt xuất huyết là một bệnh nguy hiểm, cũng gây sốt cao, đôi khi có ban đỏ, nên dễ bị nhầm với sốt siêu vi thông thường.

Điểm khác biệt là: Sốt xuất huyết thường có biểu hiện nguy hiểm sau 3 - 4 ngày sốt: Trẻ lừ đừ, mệt nhiều, ói, đau bụng, tay chân lạnh, chảy máu cam hoặc chảy máu răng. Ban trong sốt xuất huyết có thể là chấm xuất huyết, nốt bầm, hoặc ban đỏ dạng “dấu trắng trên nền da đỏ” khác với ban siêu vi thông thường. Ban đỏ dạng “dấu trắng trên nền da đỏ” là hiện tượng rò rỉ huyết tương.

Khi mắc sốt xuất huyết, người bệnh có thể gặp hai dấu hiệu dễ nhầm lẫn: Rò rỉ huyết tương và xuất huyết dưới da. Dù nghe giống nhau nhưng đây là hai hiện tượng hoàn toàn khác biệt, mỗi loại lại gây nguy hiểm theo cách riêng của nó.

1. Rò rỉ huyết tương là dấu hiệu bệnh trở nặng

Khi vi rút sốt xuất huyết tấn công các mạch máu, chúng làm thành mạch bị tổn thương và trở nên “rò rỉ”. Huyết tương là phần nước và chất dinh dưỡng trong máu sẽ rỉ ra ngoài, thấm vào các mô và khoang cơ thể như màng phổi, màng bụng, gây tình trạng tràn dịch, khó thở. Nguy hiểm nhất là khi huyết tương thoát ra quá nhiều, khiến lượng máu lưu thông giảm mạnh, làm tụt huyết áp, dẫn đến sốc. Nếu không được truyền dịch kịp thời, người bệnh có thể tử vong.

Điều đặc biệt là hiện tượng này không gây chảy máu hay bầm tím, vì máu chưa thoát ra ngoài, chỉ có phần dịch trong máu bị rỉ ra. Dấu trắng trên nền da đỏ còn gọi là dấu ấn ngón tay, khi chúng ta ấn vào vùng da đỏ, nơi đó trở nên màu trắng, khi nhấc ngón tay ra một lúc thì da đỏ trở lại.

2. Xuất huyết dưới da do máu thật “thoát ra ngoài” lòng mạch

Khác với rò rỉ huyết tương, là dấu xuất huyết dưới da. Khi các mao mạch bị vỡ, máu bao gồm cả hồng cầu, tiểu cầu thoát hẳn ra ngoài lòng mạch, gây ra các chấm đỏ li ti trên da, bầm tím, chảy máu cam, chảy máu răng, thậm chí nôn ra máu, đi cầu phân đen. Nguyên nhân là do số lượng tiểu cầu, tế bào giúp cầm máu bị giảm mạnh trong bệnh sốt xuất huyết, kết hợp tình trạng rối loạn đông máu khiến mạch máu vỡ và chảy máu ra ngoài.

Cả hai đều là dấu hiệu cảnh báo bệnh đang trở nặng, cần được theo dõi sát và điều trị kịp thời. Nếu thấy có dấu hiệu dấu trắng trên nền đỏ và bầm da bất thường hay chảy máu, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức.

Cha mẹ nên làm gì khi con sốt và nổi ban?

Đưa trẻ đi khám sớm nếu sốt từ 2 ngày trở lên, đặc biệt là vào mùa dịch. Không tự ý mua thuốc hạ sốt, thuốc bôi da hay kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Theo dõi sát các dấu hiệu cảnh báo như ói nhiều, đau bụng, trẻ li bì, tay chân lạnh, chảy máu - cần đưa đi bệnh viện ngay.

Đừng để muỗi mang bệnh vào nhà

Sốt xuất huyết lây qua muỗi vằn đốt. Để phòng bệnh, cha mẹ nên: Cho trẻ ngủ mùng kể cả ban ngày. Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, không để nước đọng quanh nhà như chậu cây, lu nước… Thay nước bình hoa, lật úp các vật chứa nước mỗi tuần.

Tóm lại, sốt nổi ban có thể là bệnh nhẹ, nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng như sốt xuất huyết. Cha mẹ đừng chần chừ, mà cứ đưa trẻ đi khám sớm để an toàn cho trẻ

BS NGUYỄN THÀNH ÚC

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202505/cha-me-nen-lam-gi-khi-con-sot-va-noi-ban-1042440/
Zalo