Điều gì xảy ra khi ăn tiết canh?
Nhiều người tin rằng ăn thực phẩm màu đỏ như tiết canh sẽ giúp bổ máu vì theo quan niệm dân gian 'ăn gì bổ nấy', quan điểm này có đúng về mặt khoa học không?
Nhiều người tin rằng ăn thực phẩm màu đỏ như tiết canh sẽ giúp bổ máu vì theo quan niệm dân gian "ăn gì bổ nấy", quan điểm này có đúng về mặt khoa học không?
PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội
Tiết canh là món ăn khoái khẩu của nhiều người, song thực chất đây là máu động vật chưa qua nấu chín, dễ chứa các loại vi sinh vật, ký sinh trùng và ấu trùng gây bệnh. Việc tiêu thụ tiết canh có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa, nhiễm khuẩn, ngộ độc cấp với biểu hiện nôn, tiêu chảy nhiều lần, thậm chí sốc nhiễm trùng.
Đặc biệt, tiết canh từ lợn là nguồn lây lan vi khuẩn liên cầu lợn - tác nhân có thể gây viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết, hoại tử chi, và trong nhiều trường hợp không qua khỏi. Điều đáng lo ngại là ngay cả những con vật trông khỏe mạnh vẫn có thể mang vi khuẩn này.
Ngoài việc ăn tiết canh, nguy cơ nhiễm bệnh còn đến từ việc tiếp xúc trực tiếp với lợn bệnh hoặc thịt sống qua các vết trầy xước, vết thương hở trên da khi giết mổ hoặc chế biến.
Nhiều người vẫn lầm tưởng tiết canh 'bổ máu" do có màu đỏ và chứa sắt. Thực tế, thiếu sắt chỉ là một trong nhiều nguyên nhân gây thiếu máu, và ăn tiết canh không phải là giải pháp an toàn hay hiệu quả để cải thiện tình trạng này.
Để phòng tránh bệnh, bạn cần tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc 'ăn chín, uống sôi". Không ăn tiết canh, nội tạng sống hay thịt động vật chưa nấu kỹ. Khi xử lý, giết mổ hoặc tiếp xúc với động vật bệnh, cần mang đồ bảo hộ đầy đủ để tránh nguy cơ lây nhiễm qua da.
Nếu nghi ngờ thiếu máu hay mệt mỏi kéo dài, bạn nên đến cơ sở y tế để được kiểm tra chính xác và có hướng điều trị hợp lý, thay vì nghe theo các quan niệm truyền miệng dễ gây hại cho sức khỏe.