Phân biệt say nắng và kiệt sức do nắng nóng để can thiệp sớm, tránh nguy hiểm tính mạng

Cả say nắng và kiệt sức do nắng nóng đều là những tình trạng sức khỏe có liên quan tới việc tiếp xúc với nhiệt độ môi trường quá cao. Nếu không được can thiệp đúng, cả hai đều có thể dẫn tới các tác động tiêu cực tới sức khỏe, thậm chí đe dọa tới tính mạng.

Việt Nam đang bước vào những tháng hè với nền nhiệt tăng dần. Khi nhiệt độ và độ ẩm tăng cao, cơ thể chúng ta sẽ có cơ chế tự làm mát bằng cách đổ mồ hôi. Tuy nhiên, vào những ngày nắng gay gắt nhiều người gặp khó khăn trong việc đổ mồ hôi làm mát, nhất là khi hoạt động gắng sức ngoài trời trong thời gian dài sẽ dẫn tới các bệnh liên quan tới nhiệt. Do đó, điều quan trọng là cần biết các triệu chứng sức khỏe bất thường khi ở ngoài trời nắng trong thời gian dài, chẳng hạn như say nắng và kiệt sức do nhiệt (kiệt sức do nắng nóng).

- Say nắng:Còn được biết đến tên gọi là sốc nhiệt, đây là tình trạng sức khỏe cần chăm sóc y tế khẩn cấp. Say nắng xảy ra khi cơ thể không thể kiểm soát nhiệt độ từ bên trong ở mức an toàn (mất cân bằng giữa sản sinh và giải phóng nhiệt) hay có thể hiểu là mất khả năng tự làm mát. Lúc này thân nhiệt tăng quá cao (thường tới 40 độ C) khi tiếp xúc với nhiệt độ cao từ môi trường trong thời gian dài. Có hai dạng sốc nhiệt gồm: Sốc nhiệt kinh điển và sốc nhiệt do gắng sức.

Say nắng có nguy hiểm không? Nếu không được điều trị ngay lập tức, nạn nhân bị say nắng có thể gặp phải tổn thương đa cơ quan và suy tạng, bao gồm: Não và hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, phổi, gan, thận, hệ tiêu hóa và cơ bắp.

- Kiệt sức do nhiệt: Xảy ra khi cơ chế tự làm mát của cơ thể bị rối loạn và không thể hoạt động hiệu quả. Khác với say nắng thì kiệt sức do nhiệt đơn thuần là các triệu chứng thể chất xảy ra khi thân nhiệt dưới mức 40 độ C trước khi tiến triển nghiêm trọng hơn dẫn tới các thay đổi hành vi và nhận thức ở tình trạng sốc nhiệt.

Triệu chứng say nắng và kiệt sức do nhiệt có gì khác nhau? Ảnh: ST

Triệu chứng say nắng và kiệt sức do nhiệt có gì khác nhau? Ảnh: ST

1. Triệu chứng say nắng và kiệt sức do nhiệt có gì khác nhau?

Cả say nắng và kiệt sức do nhiệt đều khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao hơn mức bình thường. Và nhiệt độ cơ thể tăng đột biến này sẽ đi kèm với một số triệu chứng khác biệt tùy từng tình trạng. Theo Healthline, để phân biệt say nắng và kiệt sức do nhiệt, bạn có thể dựa vào một số thông tin dưới đây:

- Dấu hiệu bị kiệt sức do nhiệt: Chuột rút cơ bắp; mạch đập nhanh và yếu; cảm giác yếu ớt nói chung; buồn nôn và nôn mửa; đổ mồ hôi quá mức; da lạnh và ẩm ướt; chóng mặt và đôi khi ngất xỉu; nước tiểu sẫm màu; đau đầu.

- Dấu hiệu say nắng: Như đã nói, trước khi bị say nắng, người bệnh có thể trải qua các triệu chứng kiệt sức do nhiệt và khi các triệu chứng này tiến triển nhanh chóng có thể khiến tình trạng nghiêm trọng hơn và đe dọa tới tính mạng. Người bị say nắng có thể có: Thân nhiệt cao hơn 40 độ C; da nóng và khô; nhịp tim đập nhanh; dấu hiệu thay đổi nhận thức như lú lẫn, kích động, ảo giác, mất ý thức thậm chí hôn mê; nói lắp bắp; cơn động kinh.

Như vậy có thể thấy, người bị kiệt sức do nhiệt dường như có các triệu chứng ở mức độ nhẹ hơn, thân nhiệt thường dao động từ 38,3 độ C tới dưới 40 độ C; trong khi đó các triệu chứng sốc nhiệt có thể phát triển nhanh chóng và nghiêm trọng với thân nhiệt trên 40 độ C. Da của người bị kiệt sức do nhiệt nhợt nhạt, có cảm giác lạnh và ẩm ướt khi sờ vào; còn nạn nhân bị sốc nhiệt lại có làn da đỏ bừng, khô hơn.

Cả say nắng và kiệt sức do nhiệt đều khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao (Ảnh: ST)

Cả say nắng và kiệt sức do nhiệt đều khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao (Ảnh: ST)

Thêm vào đó, nếu như người bị kiệt sức do nhiệt đổ mồ hôi nhiều hơn thì ngược lại, ở tình trạng sốc nhiệt, cơ thể người mắc không có khả năng đổ mồ hôi như bình thường. Các dấu hiệu rối loạn nhận thức cũng được ghi nhận ở người bị sốc nhiệt, nghiêm trọng hơn so với các rối loạn thể chất nhẹ ở người bị kiệt sức do nắng nóng.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần chú ý là cả say nắng và kiệt sức do nhiệt đều cần được chăm sóc kịp thời. Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy tránh xa ánh nắng mặt trời, cố gắng hạ nhiệt độ cơ thể xuống và tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu các triệu chứng tiếp tục trở nên tồi tệ hơn.

2. Yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh liên quan tới nhiệt

Theo Medical News Today, có một số yếu tố có thể làm tăng rủi ro bị các tình trạng liên quan tới nhiệt như say nắng và kiệt sức do nhiệt, gồm:

+ Tuổi tác:Trẻ sơ sinh, trẻ dưới 4 tuổi và người già trên 65 tuổi có nguy cơ gặp phải các tình trạng sức khỏe liên quan tới nhiệt cao hơn do khả năng điều chỉnh nhiệt độ khó khăn.

+ Thuốc theo đơn: Một số loại thuốc điều trị huyết áp cao, thuốc lợi tiểu hoặc bệnh tim có thể làm giảm khả năng giữ nước của cơ thể, trong khi đó - mất nước lại là nguyên nhân dẫn tới kiệt sức do nhiệt và say nắng.

+ Béo phì, thừa cân:Theo Healthline, người thừa cân hay béo phì thường "tích nhiệt" nhiều hơn, ảnh hưởng tới khả năng tự làm mát của cơ thể.

+ Nhiệt độ cao:Tiếp xúc với môi trường có nhiệt độ cao thường xuyên kèm theo đọ ẩm cao khiến mồ hôi bốc hơi chậm hơn, tác động tới tốc độ làm mát cơ thể bị chậm hơn.

+ Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột:Khi di chuyển từ nơi có nhiệt độ mát mẻ sang nơi có nhiệt độ nóng ẩm cao hơn, cơ thể có thể gặp khó khăn trong việc thích nghi dễ dẫn tới vấn đề liên quan tới trung tâm điều khiển nhiệt của cơ thể.

May mắn rằng kiệt sức do nhiệt và say nắng có thể phòng ngừa được (Ảnh: ST)

May mắn rằng kiệt sức do nhiệt và say nắng có thể phòng ngừa được (Ảnh: ST)

May mắn rằng, các tình trạng này có thể phòng ngừa được bằng cách giữ cho cơ thể mát mẻ, chẳng hạn:

+ Hạn chế ra ngoài khi nhiệt độ tăng cao, đặc biệt là thời điểm từ 11 giờ sáng tới 3 giờ chiều.

+ Nếu có việc cần ra ngoài, hãy ở trong bóng râm nhiều nhất có thể.

+ Uống đủ nước, đặc biệt nếu hoạt động thể chất cường độ cao ngoài trời trong thời gian dài.

+ Nghỉ giải lao thường xuyên.

+ Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, thấm hút mồ hôi, sáng màu; ưu tiên chất liệu cotton thay vì sợi tổng hợp.

+ Đội mũ rộng vành, đeo kính râm nếu có thể.

+ Tránh các loại đồ uống gây mất nước, bao gồm cả đồ uống có chứa caffeine hoặc cồn.

3. Khi nào cần khám bác sĩ?

Trước tiên, bất kì ai có dấu hiệu bị sốc nhiệt đều cần được can thiệp y tế khẩn cấp. Trong trường hợp phát hiện một người có các triệu chứng kiệt sức do nhiệt, nếu đã thực hiện các biện pháp như di chuyển tới nơi râm mát, bù nước, chườm mát để hạ thân nhiệt mà trong vòng 30 - 60 phút không có sự cải thiện thì cần nhanh chóng liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn giúp đỡ. Đặc biệt là khi có các triệu chứng: Nhịp tim nhanh; thở nhanh hoặc khó thở; rối loạn ngôn ngữ, nhận thức và phối hợp vận động như lú lẫn, co giật, động kinh, ngất xỉu, nói lắp,...

Tại cơ sở y tế, bác sĩ sẽ tiến hành xác nhận bằng cách kiểm tra triệu chứng lâm sàng, chỉ định các xét nghiệm hỗ trợ gồm xét nghiệm máu, lấy mẫu nước tiểu, xét nghiệm kiểm tra đánh giá chức năng thần kinh cơ, kiểm tra chức năng thận, chụp X-quang hoặc các chẩn đoán hình ảnh khác nếu cần thiết.

Nhìn chung, nếu được can thiệp kịp thời thì một người có thể hoàn toàn phục hồi sau các bệnh liên quan tới nhiệt như say nắng và kiệt sức do nhiệt. Do vậy mà việc nhận biết một người khi nào bị kiệt sức do nhiệt hay khi nào đang bị sốc nhiệt là rất quan trọng, nhất là với những người có yếu tố nguy cơ cao.

Nguồn: Medical News Today, Healthline

Châu Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/phan-biet-say-nang-va-kiet-suc-do-nang-nong-de-can-thiep-som-tranh-nguy-hiem-tinh-mang-20250513170333351.htm
Zalo