Người may cờ kết nối hàng triệu trái tim

Trên kỳ đài Hiền Lương thuộc cụm di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, lá cờ Tổ quốc tung bay tự hào kết nối hàng triệu trái tim, là biểu tượng cho hòa bình thống nhất. Thế nhưng, ít ai biết rằng, có những người thợ đã bất chấp bom đạn để may, vá cờ trong những năm tháng khốc liệt của cuộc chiến.

Lá cờ Tổ quốc tung bay trên kỳ đài phía Bắc cầu Hiền Lương - nơi thường được tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ thượng cờ “Thống nhất non sông” mỗi dịp lễ 30.4 hằng năm

Lá cờ Tổ quốc tung bay trên kỳ đài phía Bắc cầu Hiền Lương - nơi thường được tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ thượng cờ “Thống nhất non sông” mỗi dịp lễ 30.4 hằng năm

Dòng sông Bến Hải - cầu Hiền Lương cứ mỗi dịp tháng 4 lịch sử, nhiều CCB và người dân khắp cả nước lại trở về để vui ngày “non sông sum họp một nhà”. Và cứ vào ngày 30.4 hằng năm, UBND tỉnh Quảng Trị thường tổ chức lễ thượng cờ ở ngay kỳ đài Hiền Lương, kỷ niệm ngày non sông thống nhất.

Trong niềm vui ấy, nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió, mỗi người dân Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung không khỏi tự hào. Đặc biệt, ông Nguyễn Đức Lãng, người có hơn 13 năm may cờ Tổ quốc để treo trên cột cờ Hiền Lương, phía Bắc sông Bến Hải.

Những ngày này, trước ngõ nhà CCB già Nguyễn Đức Lãng ở trong con hẻm cuối đường Hàm Nghi, phường 5, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) đã treo cờ đỏ sao vàng mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bản thân ông rất háo hức chờ mong sự kiện trọng đại này. Trong ký ức của người lính, ông vẫn không quên những tháng năm nhận vải, may cờ để treo lên cột cờ Hiền Lương phía Bắc giới tuyến.

Có những lúc mưa bom dội xuống, những người thợ may cờ phải núp dưới hầm chật chội nhưng phải canh chuẩn đường may để nhanh có cờ treo.

Ông Nguyễn Đức Lãng sinh ra, lớn lên ở huyện Cam Lộ. Lúc gần 20 tuổi ông vượt tuyến ra Bắc tham gia công tác ở Vĩnh Linh.

Năm 1959, ông được điều về công tác tại Ban Hậu cần Công an vũ trang Vĩnh Linh với nhiệm vụ nhận cờ Tổ quốc tại Quân khu 4 mang về để treo lên cột cờ Hiền Lương. Sau đó, do tình hình, ông chuyển sang nhiệm vụ nhận vải rồi trực tiếp may cờ.

Ông Nguyễn Đức Lãng, người có hơn 13 năm may cờ Tổ quốc để treo ở cột cờ Hiền Lương trong cuộc sống đời thường

Ông Nguyễn Đức Lãng, người có hơn 13 năm may cờ Tổ quốc để treo ở cột cờ Hiền Lương trong cuộc sống đời thường

“Đây là trọng trách lớn nhưng thiêng liêng và đầy tự hào. Từng đường kim mũi chỉ phải tỉ mỉ để lá cờ vừa đạt yếu tố thẩm mỹ và đảm bảo độ bền. Ban đầu khi may cờ, chưa có kinh nghiệm, tôi phải mất khoảng 7 ngày, sau đó quen dần thì còn tầm 2,5 ngày. Lá cờ rộng khoảng 96m2, phải cần đến 122m2 vải đỏ và gần 12m2 vải màu vàng mới may đủ”, ông Nguyễn Đức Lãng kể.

Ông Lãng cũng không thể nào quên câu chuyện “chọi cờ” hai bên bờ giới tuyến. Ban đầu là cột cờ được dựng bằng những ống thép, sau đó năm 1962, Chính phủ đã điều một đơn vị xây dựng chở vật liệu từ Hà Nội vào xây cột cờ cao 38,6m và kéo lá cờ rộng 134m2 nặng 15 kg lên cao.

Cách đỉnh cột cờ 10m có một ca bin để các chiến sĩ đứng thu và treo cờ. Người dân ở bờ Nam giới tuyến, từ các địa phương xa hàng chục cây số vẫn nhìn thấy được lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới.

Mỗi năm, ông may gần 30 lá cờ có diện tích lớn để treo trên kỳ đài Hiền Lương, cứ gió đánh rách là phải thay cờ. Có thời điểm không may kịp để thay thì vá cờ, đảm bảo nhiệm vụ thường xuyên có cờ Tổ quốc tung bay bên bờ giới tuyến.

Không chỉ may cờ treo trên cột cờ Hiền Lương, ông Lãng còn may nhiều cờ (cỡ 6m x 4m) để treo ở các đồn Mũi Si, Cửa Tùng, Cù Bai...

Giai đoạn 1965 đến 1968, khi đế quốc Mỹ thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, khu vực giới tuyến Hiền Lương trở thành một trong những điểm bị không quân Mỹ tập trung đánh phá.

Bom đạn ném xuống ác liệt, người dân ở Vĩnh Linh phải thường xuyên nấp dưới hầm trú ẩn. Ông Lãng nhớ lại, “thời điểm đó, chúng tôi phải sơ tán, trải bạt trong hầm trú chật hẹp để may cờ. Dù ngồi khom lưng giữa bụi bặm, thiếu ánh sáng nhưng chúng tôi căng từng tấm vải để may ngày đêm, với khát vọng và mơ ước về ngày hòa bình thống nhất. Những lúc đó, mỗi mét vải đều rất quý, từ khâu đo, cắt vải đến may ráp đều phải tính toán thật kỹ để tránh tối đa hao hụt”.

Năm 1968 ông được cử ra Bắc học rồi trở về tiếp tục nhiệm vụ may cờ Tổ quốc cho đến sau khi Quảng Trị giải phóng. Khi chiến dịch Hồ Chí Minh phát động, ông Lãng được điều động vào chiến trường Khu 5 và bổ sung vào lực lượng An ninh vũ trang tỉnh Phú Yên.

Sau khi đất nước thống nhất, ông về công tác ở bộ phận hậu cần của lực lượng Công an Nhân dân vũ trang (sau đổi tên là Bộ đội Biên phòng) tỉnh Phú Khánh. Năm 1979, vì lý do sức khỏe, ông nghỉ hưu sớm và đưa vợ con trở về quê nhà Quảng Trị sinh sống cho đến nay.

Thiếu tướng Hồ Thanh Tự, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Quảng Trị, chia sẻ: Những người như ông Nguyễn Đức Lãng là nhân chứng của quê hương, đã đóng góp công sức và trí tuệ, thậm chí sẵn sàng hy sinh tính mạng để lá cờ Tổ quốc được kéo lên cột cờ bờ Bắc sông Bến Hải.

Đặc biệt, các chiến sĩ, dân quân, nhân dân được giao nhiệm vụ, ai cũng tự hào và quyết tâm may cờ, vá cờ bị rách do bom đạn, do khí hậu thời tiết để lá cờ đỏ sao vàng tung bay mãi trên bầu trời Hiền Lương. Đó là niềm kiêu hãnh, niềm tin và sức mạnh động viên đồng bào hai bên bờ giới tuyến.

Những năm tháng sau ở quê nhà, ông Nguyễn Đức Lãng vẫn giữ thói quen may cờ Tổ quốc để treo vào những dịp trọng đại của quê hương, đất nước như: Lễ Quốc khánh; kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; kỷ niệm Ngày Giải phóng tỉnh Quảng Trị 1.5;...

Đóng góp thầm lặng mà to lớn của ông Nguyễn Đức Lãng trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước đã được Nhà nước ghi công và nhân dân trân quý, cảm phục. Những nhân chứng lịch sử như ông Lãng nhắc nhở chúng ta rằng các thế hệ cha ông đã lặng thầm cống hiến, hy sinh để vun đắp cho hòa bình, thống nhất.

Ông Nguyễn Đức Lãng đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba và Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba.

SƠN THÙY - HỒNG NGUYÊN

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/doi-song/nguoi-may-co-ket-noi-hang-trieu-trai-tim-130749.html
Zalo