'Báu vật' lưu giữ lịch sử và tinh thần người lính Cụ Hồ
Nửa thế kỷ đã đi qua, cuốn nhật ký nhỏ của CCB Nguyễn Xuân Quang (77 tuổi, phường Trần Phú, TP Quảng Ngãi) giờ đây đã ố vàng, sờn rách theo năm tháng.

Bức ảnh các chiến sĩ Tiểu đoàn 81 chụp ngày 25.3.1975 trong trận địa tại xã Bình Long (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) do ông Nguyễn Xuân Quang gìn giữ
Nhưng với ông, từng trang giấy ấy vẫn còn nguyên hơi thở chiến trường - là thước phim sống động về một thời hoa lửa, được viết nên bằng mồ hôi, máu và nước mắt; đồng thời cũng là biểu tượng thiêng liêng của niềm tự hào người lính Cụ Hồ.
Lật giở cuốn sổ cũ, ông Quang như trở về với những năm tháng hào hùng của tuổi trẻ, từng dòng chữ được ông nắn nót viết từ năm 1966- 1975, ghi lại dấu mốc thời gian, diễn biến từng trận đánh, kết thúc từng chiến dịch với sự chính xác của một người chiến sĩ - nhà báo giữa lửa đạn.
Ông vẫn nhớ như in những ngày tháng 3 lịch sử năm 1975, khi chiến sự tại Quảng Ngãi bước vào giai đoạn ác liệt. Lúc đó, ông giữ chức Chính trị viên Tiểu đoàn 81, Trung đoàn 94 - đơn vị chủ lực gồm ba tiểu đoàn: 81, 83 và 48.
Thực hiện chủ trương mở rộng vùng giải phóng về phía Tây huyện Bình Sơn, Tiểu đoàn 81 họp khẩn ngày 15.3.1975, âm thầm triển khai đội hình cho những trận đánh lớn sắp tới.
Chỉ hai ngày sau, đơn vị đã nổ súng tấn công đồn Gò Sỏi (xã Bình Trung), tiêu diệt một đại đội địa phương cùng hai trung đội dân vệ của địch. Phối hợp với Tiểu đoàn 48, họ tiếp tục phục kích thành công một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 5, Sư đoàn 2 Cộng hòa, thu giữ toàn bộ vũ khí, bắt sống nhiều binh lính địch.
Chưa dừng lại, từ ngày 19 - 20.3.1975, Tiểu đoàn 81 tiếp tục chặn đánh lực lượng biệt động quân từ Trà Bồng, tiêu diệt thêm một tiểu đoàn đối phương.
Ngày 24.3, đơn vị đào hào, bố trí phục kích tại truông Ba Gò (xã Bình Hiệp), khóa chặt tuyến rút lui của địch, ngăn không cho tháo chạy về Chu Lai.

Cuốn nhật ký và những dòng thơ viết vội về người đồng đội đã hy sinh
“Chiến thắng ở Quảng Ngãi tạo ra bước ngoặt quyết định, mở toang cánh cửa giải phóng miền Trung. Từ đó, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa… lần lượt được giải phóng. Kẻ địch hoảng loạn, tan rã từng mảng, đẩy nhanh sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn và mở ra đại thắng mùa Xuân 1975,” ông Quang xúc động hồi tưởng.
Sau đại thắng, tháng 2.1976, ông cùng Trung đoàn 94 hành quân lên Tây Nguyên, tiếp tục chiến đấu trên mặt trận Campuchia cho đến năm 1979.
Vì luôn phải đối mặt với các trận đánh liên miên, thời gian ghi chép vào nhật ký rất ít. Nhưng những dòng chữ sót lại - dù ngắn ngủi - vẫn gói trọn ký ức của một thời máu lửa.
Trong một trang nhật ký ngày 24.3.1975, ông ghi lại rõ ràng chiến lợi phẩm của Tiểu đoàn 81: Tiêu diệt 500 lính địch, bắt sống 650, thu gần 700 khẩu súng và hàng chục khẩu pháo, phá hủy 300 xe quân sự cùng hàng trăm thiết bị thông tin.
Xen lẫn dữ kiện khốc liệt ấy là những dòng thơ giản dị ông viết về quê hương và tình đồng đội: “Chiều nay đi nhưng lòng mãi đợi / Hẹn ngày về cùng với quê hương...”.
Nâng niu cuốn nhật ký như báu vật, ông Quang cẩn trọng từng lần lật giở, như sợ làm nhòe vết mực hay vô tình chạm vào nỗi đau chưa lành. “Việc ghi nhật ký với tôi không chỉ là thói quen. Đó là cách giữ lại ký ức của một đời người lính. Mỗi dòng chữ là một phần lịch sử - là tên người đồng đội đã ngã xuống, là chiến công mà chúng tôi từng đi qua”.
Ngoài cuốn nhật ký, ông Quang còn lưu giữ một số bức ảnh tư liệu quý hiếm ghi lại khoảnh khắc những người lính bên chiến lợi phẩm, ánh mắt ngời sáng giữa chiến trường.
Nhiều trong số đó, ông đã hiến tặng cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi - như một cách để ký ức không chỉ sống mãi trong ông, mà còn sống mãi với hậu thế.