Hậu 'concert quốc gia': Khi giới trẻ yêu nước bằng cách riêng
Hòa mình vào 'concert quốc gia', giới trẻ không chỉ là khán giả mà là người kể chuyện lịch sử theo phong cách mới, hiện đại, cảm xúc và sâu sắc.
Giới trẻ kể lại lịch sử theo cách của mình
Lễ diễu binh, diễu hành ngày 30/4/2025 không chỉ là sự kiện chính trị văn hóa quan trọng mà còn đánh dấu một chuyển động đáng chú ý trong cách người trẻ tiếp cận và sống cùng lịch sử.
Điều đọng lại không phải chỉ là khí thế hào hùng của các khối diễu hành hay khoảnh khắc xúc động khi quốc kỳ tung bay giữa quảng trường lịch sử, mà còn là làn sóng hưởng ứng sôi nổi từ giới trẻ.
Trước ngày đại lễ hàng tháng, trên mạng xã hội đã rầm rộ các bài viết hướng dẫn đi xem diễu binh. TikTok tràn ngập video chia sẻ mẹo chọn góc quay đẹp, gợi ý trang phục phù hợp với không khí lịch sử.

Giới trẻ chờ xuyên đêm để xem "concert quốc gia". Ảnh: Thanh Thảo
Thậm chí, các nhóm Facebook sôi nổi bàn luận từ cách phân biệt đội hình diễu binh đến câu chuyện về từng nhân vật, từng khối đại diện. Giới trẻ không chờ đợi ai nhắc nhở hay kêu gọi mà tự thân vận động, tự mày mò tìm hiểu với sự háo hức thực sự.
Nhiều bạn trẻ đã lên kế hoạch kỹ lưỡng từ sớm. Có người vượt hàng nghìn cây số hoặc bay từ nước ngoài về TP. Hồ Chí Minh chỉ để tận mắt chứng kiến lễ diễu binh, một khoảnh khắc 50 năm mới có một lần. Thậm chí, có người không kịp về thăm gia đình mà đến xem ngay đại lễ, chỉ vì không muốn bỏ lỡ sự kiện trọng đại này.
Sự quan tâm không dừng lại ở mặt hình thức. Giới trẻ chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng về ý nghĩa các khối diễu binh, sự khác biệt giữa duyệt binh và diễu binh, hay những câu chuyện cảm động về các anh hùng lịch sử như Đại tá Tư Cang, Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn.
Những bài viết chia sẻ thông tin này nhanh chóng lan tỏa, kèm theo là hàng ngàn bình luận xúc động, những bức ảnh đẫm nước mắt và dòng trạng thái nghẹn ngào như một cách để giới trẻ hòa mình vào không khí thiêng liêng của ngày đại thắng.
Lịch sử truyền cảm hứng sống mỗi ngày
Không thể không nhắc đến bộ phim điện ảnh ra mắt trước thời điểm đại lễ 30/4 mang tên “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”. Với những cảnh quay chân thực về cuộc sống chiến đấu trong địa đạo Củ Chi, bộ phim đã tạo nên cơn sốt trong giới trẻ.
Nhiều người xem xong phim đã rủ nhau đi Củ Chi để tận tay chạm vào địa đạo, thử chui xuống lòng đất để cảm nhận sự hy sinh, gian khổ của cha anh năm xưa. Từ màn ảnh đến đời thật, lịch sử bước ra khỏi sách vở và đi vào đời sống bằng những trải nghiệm chạm đến trái tim.

Nhiều bạn trẻ tìm đến bảo tàng để tìm hiểu thêm về lịch sử và cảm nhận rõ hơn những hy sinh của thế hệ đi trước. Ảnh: Thanh Thảo
Điều đáng nói là sự quan tâm này không hề hời hợt, giới trẻ không chỉ đu trend mà thật sự biến những điều học được thành cảm hứng để sáng tạo.
Họ remix nhạc cách mạng thành những bản phối hiện đại, vẽ tranh minh họa các khối diễu binh bằng phong cách truyện tranh, viết lại những câu chuyện lịch sử bằng giọng kể trẻ trung trên nền tảng số.
Lịch sử trở thành chất liệu để tạo nên nội dung truyền thông hấp dẫn, lan tỏa trên mọi nền tảng từ Facebook đến Instagram, từ YouTube đến TikTok.
Hiệu ứng domino càng lúc càng mạnh mẽ, người này truyền cảm hứng cho người kia. Người biết chia sẻ cho người chưa biết, người từng thờ ơ bắt đầu tò mò. Như vậy, một thế hệ mới đang được hình thành, một thế hệ yêu nước theo cách rất riêng nhưng cũng đầy xúc động, sâu sắc và bền vững.
Sức hút của “concert quốc gia” được minh chứng qua những con số ấn tượng. Truyền hình trực tiếp lễ diễu binh trên fanpage Thông tin Chính phủ đạt 40 triệu lượt xem, hơn 700.000 lượt yêu thích và 250.000 lượt chia sẻ chỉ trong một ngày.
Từ 27/3 đến 22/4, chủ đề lễ diễu binh thu hút hơn 2,45 triệu lượt thảo luận và 18,13 triệu lượt tương tác trên mạng xã hội. Hashtag #hoabinhdeplam của chiến dịch Hòa bình đẹp lắm đạt 1 tỷ lượt xem trên TikTok tính đến ngày 30/4.
Ngay sau đại lễ 30/4, nhiều bạn trẻ đã bắt đầu nhắc đến dịp kỷ niệm 80 năm Quốc khánh 2/9. Có người đã lên kế hoạch tiết kiệm tiền để ra Hà Nội, có người đặt áo nhóm, đặt vé máy bay từ bây giờ. Điều họ chờ đợi không chỉ là một ngày lễ, mà là cơ hội để kết nối với truyền thống, với cội nguồn bằng tâm thế chủ động và yêu thương.
Cách mà người trẻ kể lại lịch sử hôm nay có thể không giống thế hệ cha anh. Họ dùng ngôn ngữ số, biểu cảm hiện đại, hình ảnh đậm chất cá nhân, nhưng điều quan trọng hơn cả là trái tim họ đã thật sự chạm vào lịch sử.