Luang Prabang: Viên ngọc chờ tỏa sáng
Luang Prabang (Lào) từng được ví như 'viên ngọc ẩn' của Đông Nam Á. Nhưng giờ đây, cố đô yên bình bên dòng Mekong đang đón nhận dòng khách du lịch khổng lồ, thổi bùng làn gió khởi nghiệp.

Chợ đêm trên đường Sisavangvong, phía sau là đền Haw Pha Bang. (Nguồn: Getty Images)
Những nét xưa cũ...
Nằm giữa hai dòng sông Mekong và Nam Khan, thành phố Luang Prabang được bao bọc bởi thiên nhiên hiền hòa, núi non trùng điệp và bầu không khí trong lành hiếm có.
Được biết đến là trung tâm Phật giáo của Lào, Luang Prabang sở hữu hàng chục ngôi chùa cổ được bảo tồn gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay. Các ngôi chùa mang nét kiến trúc riêng, với nhiều tầng mái đồ sộ; những bức tường, cột trụ chạm khắc họa tiết tỉ mỉ cầu kỳ và tô điểm sơn son thiếp vàng... Vào sáng sớm, cảnh tượng hàng trăm nhà sư khoác áo vàng đi khất thực trong im lặng, giữa làn sương mỏng trở thành biểu tượng của sự thanh tịnh nơi đây.
Du khách thường chọn leo núi Phousi để ngắm hoàng hôn, phóng tầm mắt bao quát toàn cảnh thành phố cổ: Những mái chùa cong, nhà gỗ kiến trúc Pháp, phố nhỏ rợp bóng cây và hai dòng sông uốn lượn. Khi nắng tắt, Luang Prabang nhuộm màu vàng cam huyền ảo.
Cách trung tâm khoảng 30km, thác Kuang Si là điểm đến hút khách với làn nước xanh ngọc chảy qua nhiều tầng đá trắng, tạo nên khung cảnh thiên nhiên sống động.
Buổi tối, chợ đêm Luang Prabang nhộn nhịp với các gian hàng thủ công mỹ nghệ và khu ẩm thực đặc sắc, nơi du khách có thể thưởng thức thịt nướng, xôi nếp thơm, gỏi đu đủ cay nồng quyện vị béo của lạc...

Sông Nam Khan chảy qua Luang Prabang. (Nguồn: Getty Images)
Luồng sinh khí mới
Trong một bài viết đăng trên SCMP, nhà báo người Mỹ Ron Gluckman nhắc tới lần đầu tiên ông đến Luang Prabang năm 1993. Thời điểm đó, số du khách quốc tế ghé thăm Lào hằng năm chỉ khoảng 30.000 lượt và rất ít người chịu vượt qua những cung đường hiểm trở để tới Luang Prabang, nơi được mệnh danh là bức tranh vẽ bằng ký ức Đông Dương với những cung điện cũ, ngôi chùa lặng lẽ, nhà gỗ xưa cũ và những ngọn núi xanh thẳm.
Ba thập niên sau, mọi thứ đã đổi thay. Luang Prabang không còn là “bí mật” được giữ trong ký ức của những kẻ lữ hành hoài cổ. Bên cạnh sân bay quốc tế Luang Prabang, tuyến đường sắt cao tốc Vientiane - Boten (thị trấn giáp biên giới Trung Quốc) đã góp phần đưa Luang Prabang bước vào bản đồ du lịch đại chúng.
Bên cạnh đó, ngành du lịch vốn chật vật do đại dịch Covid-19, nay tái sinh mạnh mẽ nhờ sự trở lại của Liên hoan phim quốc tế thường niên Blue Chair, một trong những liên hoan phim thú vị nhất thế giới tại một thành phố không có rạp chiếu phim. Năm 2024, sự kiện quy tụ hơn 60 bộ phim từ các nước ASEAN, thu hút khoảng 1.000 khán giả mỗi đêm. Họ ngồi trên ghế nhựa xanh trong không gian ngoài trời, nhâm nhi bắp rang bơ, món ăn vặt địa phương và thưởng thức các tác phẩm điện ảnh.
Những tác động trên đã mang đến luồng sinh khí mới cho ngành du lịch Luang Prabang. Chỉ trong năm 2024, nơi này đón hơn 1,5 triệu lượt khách, tăng gần gấp đôi so với mục tiêu đề ra, gấp sáu lần so với năm 2022. Dòng du khách ồ ạt đổ về Luang Prabang, khiến những con phố từng vắng vẻ sau đại dịch giờ đây nhộn nhịp hẳn. Các gánh hàng rong ở chợ đêm Sisavangvong tấp nập người qua lại. Khu ẩm thực gần đó nghi ngút khói thơm của những món ăn như phở Lào và thịt nướng…

Các bữa ăn tại Little Lao Culture Bar được phục vụ trong những chiếc bát sản xuất tại địa phương. (Nguồn: @little.lao.culture.bar/Instagram)
Làn gió khởi nghiệp
Bên cạnh làn sóng du lịch, một hiện tượng khác làm nên diện mạo mới cho Luang Prabang: Xu hướng người trẻ hồi hương. Từ những doanh nhân từng làm việc ở New York (Mỹ), Bangkok (Thái Lan) đến giới làm sáng tạo ở thủ đô Vientiane đang tích cực trở về để khởi nghiệp và thực hiện tham vọng “đánh thức” tiềm năng du lịch ở quê hương. Họ không chỉ mở quán cà phê, nhà hàng, khách sạn sang trọng mà còn làm mới cách kể câu chuyện Luang Prabang bằng ngôn ngữ hiện đại, gần gũi và bền vững.
Nổi bật trong số đó là Vansana Nolintha, sinh ra ở Luang Prabang, lớn lên tại Mỹ và từng gây tiếng vang với chuỗi nhà hàng Laotian ở North Carolina (Mỹ). Năm 2023, anh trở về, biến một tòa nhà cổ từ những năm 1800 thành Little Lao Culture Bar – một không gian văn hóa, ẩm thực và nghệ thuật văn hóa Lào. Không gian này nhanh chóng trở thành điểm đến yêu thích của giới sáng tạo và du khách trẻ.
Không chỉ thế, anh triển khai không gian trưng bày đồ thủ công, đồ gốm và trang phục truyền thống trong một ngôi nhà khác nằm ngay cạnh Little Lao Culture Bar. Tầng trên tòa nhà là các phòng họp và tổ chức sự kiện, có thể sử dụng làm địa điểm chiếu phim trong Liên hoan phim Blue Chair.
Nằm ở góc đường Sisavangvong, quán cà phê Sahai Lao Coffee Roastery là nơi hội tụ của cộng đồng freelancer kỹ thuật số. Ngồi trước bức tranh tường đầy màu sắc và nhắm mắt lại, du khách có thể tưởng tượng không gian mang âm hưởng Bangkok hoặc Hong Kong, cảm giác ấy nhanh chóng nhường chỗ cho hương cà phê Lào đậm đà.

Du khách trải nghiệm dệt vải tại Ock Pop Tok, của hàng cung cấp hàng dệt may cao cấp của Lào tại Luang Prabang. (Nguồn: @ockpoptok/Instagram)
Một điểm nhấn khác là khách sạn Senglao Boutique, nổi bật với tông xanh lá, cam và vàng cùng nội thất trang trí bằng họa tiết vải Lào. Do vợ chồng ông Sayasone và bà Ketsavanh Panyathip sáng lập, khách sạn là sự kết hợp giữa nghệ thuật sắp đặt hiện đại và nét truyền thống, thể hiện tinh thần đổi mới trong lòng di sản. Bà Ketsavanh chia sẻ: “Chúng tôi muốn tạo ra điều khác biệt nhưng vẫn giữ bản sắc Lào… Luang Prabang có sức hút riêng và cần được bảo tồn một cách trân trọng”.
Dưới ánh hoàng hôn đỏ rực trên dòng Mekong, Luang Prabang hiện lên như bức tranh sống động, nơi mỗi con người góp phần định hình tương lai thành phố. Đó là du khách, người trẻ hồi hương, hay cư dân lâu năm lặng lẽ dõi theo sự đổi thay. Dù nhịp sống hối hả hơn, với người dân, đặc biệt là những người trở về, Luang Prabang vẫn là “viên ngọc thô” cần được mài giũa bằng làn sóng đổi mới sáng tạo để vươn tới phát triển du lịch bền vững, để từ đó có thể tỏa sáng hơn trên bản đồ du lịch quốc tế.