Người lao động thất nghiệp được hỗ trợ học phí, tiền ăn khi học nghề và nâng cao kỹ năng nghề
Số lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp tham gia học nghề dù có chuyển biến song vẫn còn khiêm tốn, một trong những nguyên do là chế độ hỗ trợ còn thiếu hấp dẫn. Vì thế, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đề xuất bổ sung nội dung hỗ trợ tiền ăn cho lao động tham gia đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề...

Một lớp đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: TH.
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định thị trường lao động và đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, thông qua các biện pháp hỗ trợ tài chính, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệp, và hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề. Qua đó giúp người lao động sớm trở lại thị trường.
LAO ĐỘNG THẤT NGHIỆP CHƯA MẶN MÀ HỌC NGHỀ
Tuy nhiên, thực tế, số lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp vẫn chủ yếu nhận trợ cấp thất nghiệp, người lựa chọn học nghề còn khiêm tốn. Lý giải về nguyên nhân khiến nhiều người lao động thất nghiệp không mặn mà với việc học nghề, bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (thuộc Sở Nội vụ Hà Nội), nói điều dễ nhận thấy là đa số lao động thất nghiệp là lao động chính của gia đình, khi mất việc làm, nguồn thu nhập bị ảnh hưởng.
Vì thế, người lao động cần có khoản tiền bù đắp thiếu hụt về tài chính, do đó họ không chú trọng quyền lợi được hỗ trợ đào tạo nghề.
Nhu cầu học nghề của người lao động cũng khá đa dạng, lại không tập trung cùng thời điểm, cùng địa điểm, khiến việc tổ chức lớp học dành cho nhóm lao động đặc thù này gặp khó khăn.
Rào cản nữa là mức hỗ trợ đào tạo nghề còn thấp, tối đa là 1,5 triệu đồng/người/tháng, chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo. Cơ chế tuyển dụng của các doanh nghiệp chưa chú trọng ưu tiên người có trình độ sơ cấp, nên chưa khuyến khích được lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp tham gia học nghề. Vấn đề “đầu ra” cho một số ngành nghề còn hạn chế nên khó thu hút người lao động...
Theo ông Nguyễn Tây Nam, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, những năm qua, do tình hình kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, lao động việc làm vẫn là vấn đề nóng, nên số người lao động nộp hồ sơ và hưởng bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội tăng lên hằng năm. Tuy nhiên, số người lao động thất nghiệp lựa chọn học nghề lại chưa nhiều.
Vì thế, nhằm khắc phục những bất cập, thu hút người lao động thất nghiệp tham gia học nghề, đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài, các cơ quan chức năng của Thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
THỰC HIỆN NHIỀU GIẢI PHÁP ĐỂ THU HÚT LAO ĐỘNG THẤT NGHIỆP THAM GIA HỌC NGHỀ
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Thị Thanh Liễu, cho biết hằng năm, Trung tâm đều tổ chức hội nghị thông tin tuyên truyền về công tác đào tạo nghề cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp để thu hút các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, qua đó giúp cho người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn ngành nghề đào tạo.

Người lao động tham gia một lớp đào tạo nghề. Ảnh: TH.
Đơn vị cũng chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo. “Chúng tôi chỉ mở các lớp dạy nghề phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường, mong muốn của người học, bảo đảm đa số học viên có việc làm sau khi tốt nghiệp”, bà Vũ Thị Thanh Liễu cho hay.
Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ thông tin cho người lao động về chính sách đào tạo nghề miễn phí trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tại các buổi kết thúc khóa học nghề, Trung tâm mời các đơn vị có nhu cầu đến tuyển dụng học viên, hoặc giúp lao động thất nghiệp được tham gia phiên giao dịch việc làm để tìm kiếm công việc phù hợp, sớm quay trở lại thị trường lao động.
Với những giải pháp tích cực như vậy, bà Vũ Thị Thanh Liễu cho biết số người lao động thất nghiệp tham gia học nghề trong thời gian gần đây đã có những chuyển biến. Đơn cử như năm 2024, Thành phố Hà Nội có 1.162 người lao động có quyết định học nghề, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2023 (năm 2023 là 778 người). Quý 1/2025, thành phố có 240 người lao động có quyết định học nghề, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước (quý 1/2024 là 119 người).
“Tỷ lệ lao động đăng ký học nghề so với số lượng lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp còn thấp, nhưng đã tăng hơn so với trước”, bà Vũ Thị Thanh Liễu đánh giá.
Điều đáng mừng là nhiều người lao động hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp khi tham gia lớp đào tạo nghề ngắn hạn đã tìm được việc làm. Thậm chí, có nhiều người sau hoàn thành các khóa đào tạo nghề đã bắt nhịp với nền kinh tế số, mở cửa hàng kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Facebook, Zalo, Grabfood…Nhiều người lao động đã khởi nghiệp thành công, có mức thu nhập cao hơn công việc họ làm trước khi thất nghiệp.
Theo quy định hiện nay, người lao động được hỗ trợ học nghề ở bất cứ địa phương nào mà người lao động có nhu cầu học nghề và phù hợp với điều kiện cư trú của họ.
Để thúc đẩy lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp tham gia học nghề, hiện nay, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang đề xuất quy định người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có đề nghị hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề trước thời điểm chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được hỗ trợ.
Nội dung hỗ trợ sẽ bao gồm học phí đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề; tiền ăn cho người lao động trong thời gian tham gia đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Như vậy, so với quy định của Luật Việc làm hiện hành, dự thảo Luật đã bổ sung nội dung hỗ trợ “tiền ăn” cho người lao động. Thời gian hỗ trợ tham gia đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề theo khóa học, thời gian học nhưng tổng thời gian hỗ trợ không quá 6 tháng.
Bên cạnh đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ tất cả đối tượng là người lao động đáp ứng đủ điều kiện, không phân biệt tuổi, giới tính, tôn giáo…