Cổ đông 'ôm' hàng cố thủ, bên bán VPL 'trống trơn' suốt cả phiên giao dịch
Ngay khi mở cửa, cổ phiếu VPL của Vinpearl đã tăng kịch trần 19,9% lên 85.500 đồng/cp. Hôm nay, ngày 13/5 là ngày cổ phiếu này bắt đầu giao dịch trên sàn HoSE.
Sau hơn 1 giờ giao dịch, chỉ có 4.800 cổ phiếu được sang tay và dư mua giá trần hơn 1,6 triệu đơn vị. Chốt phiên, cổ phiếu VPL giữ vững “sắc tím” với dư mua trần hơn 2 triệu cổ phiếu, còn bên bán vẫn… “trống trơn”.
Điều này cho thấy các cổ đông lớn, bé đều “ôm” hàng cố thủ, không bán ra trong phiên đầu tiên chào sàn HoSE của cổ phiếu VPL.

Cổ phiếu VPL tăng kịch trần trong ngày đầu tiên giao dịch.
Chiều ngược lại, bộ 3 “VIC - VHM - VRE” điều chỉnh giảm mạnh từ 1,1 – 2% ngay sau 15 phút mở cửa và duy trì “sắc đỏ" suốt hầu hết cả phiên giao dịch, sau nhiều ngày tăng liên tục. Tuy nhiên, đến phiên ATC, dòng tiền “nhào” tới giúp VIC lấy lại sắc xanh, chốt phiên ở mức 79.600 đồng/cp; còn cổ phiếu VHM vẫn duy trì sắc đỏ, chốt phiên giảm về mức 62.000 đồng/cp; cổ phiếu VRE cũng giảm về 25.400 đồng/cp thời điểm kết phiên.
Trở lại với cổ phiếu VPL, cổ phiếu tăng trần trong ngày đầu “chào sàn” giúp vốn hóa thị trường của Vinpearl tăng vọt lên hơn 150.000 tỷ đồng (tương đương 6 tỷ USD). Con số này đưa Vinpearl lọt danh sách top 10 các công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất trên HoSE. Đây chính là thương vụ “bom tấn” lớn nhất lên sàn chứng khoán Việt Nam kể từ năm 2018.
Vinpearl niêm yết, hệ sinh thái của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chính thức có thêm một thành viên tỷ USD, sau Vingroup, Vinhomes, Vincom Retail, VEFAC. Tổng giá trị vốn hóa “họ Vin” trên sàn chứng khoán vào khoảng 1 triệu tỷ, chiếm 13% toàn sàn.
Hiện, Tập đoàn Vingroup (VIC) đang là cổ đông lớn nhất của Vinpearl khi sở hữu 1,5 tỷ cổ phiếu VPL, tương đương 85,5% vốn điều lệ.
Ông Phạm Nhật Vượng không trực tiếp nắm cổ phần tại Vinpearl mà thông qua công ty mẹ là Vingroup (nắm 85,51% cổ phần). Việc giá cổ phiếu VPL tăng mạnh giúp tài sản của tập đoàn Vingroup và ông Vượng tăng rất mạnh.
Hiện, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lên mức cao kỷ lục, đạt 9,2 tỷ USD – tăng gấp 4 lần so với hồi đầu năm. Với khối tài sản này, ông Vượng đang đứng ở vị trí 323 người giàu nhất hành tinh và nằm trong top những tỷ phú hàng đầu Đông Nam Á theo bảng xếp hạng của Forbes.
Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Chứng khoán VPBankS, nhóm cổ phiếu bất động sản trong tuần này có thể khởi sắc nhờ việc niêm yết của VPL, có thể tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư.
Về kết quả kinh doanh, quý I/2025, Vinpearl ghi nhận doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh cốt lõi (gồm dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí và các dịch vụ liên quan) đạt 2.435 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ.
Cùng với đó, lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh này cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 83% so với quý I/2024, đạt 450 tỷ đồng.
Tổng doanh thu vận hành (bao gồm các cơ sở được Vinpearl quản lý) đạt gần 12.800 tỷ đồng năm 2024, và gần 3.900 tỷ đồng trong quý I/2025, tương ứng mức tăng trưởng lần lượt 36% và 33% so với cùng kỳ.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025, kế hoạch kinh doanh của Vinpearl đã được thông qua với mục tiêu doanh thu thuần ước đạt khoảng 14.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt khoảng 1.700 tỷ đồng cho cả năm 2025.