Người giữ hồn Kinh Phật Việt nơi đất khách
Giữa không gian tĩnh lặng, trầm mặc của khu trưng bày Phật giáo tại Đại lễ Vesak 2025 đang diễn ra ở TP Hồ Chí Minh, có một góc nhỏ khiêm nhường nhưng thu hút nhiều sự quan tâm của khách tham quan.
Không phải bởi sự lộng lẫy, hiện đại mà bởi vẻ đẹp giản dị và sức sống tâm linh đến từ những bộ kinh cổ được trưng bày. Đằng sau những trang kinh cũ kỹ ấy là một hành trình bền bỉ và thầm lặng của sư cô Thích Nữ Thiên Hải, người đang từng ngày giữ gìn linh hồn văn hóa Phật giáo Việt nơi xứ người.
Từ những trang kinh cũ đến tâm nguyện lớn
Trò chuyện với chúng tôi, sư cô Thích Nữ Thiên Hải kể lại bước khởi đầu của hành trình: “Tôi sang Hàn Quốc tu học vào năm 2012. Trong một lần được mời đến một ngôi chùa ở tỉnh Gyeonggi để tụng kinh, tôi tình cờ phát hiện một bản kinh cổ ghi rõ nguồn gốc từ Việt Nam. Đó là bản Diệu Pháp Liên Hoa, chữ Hán-Nôm, đã nhuốm màu thời gian nhưng vẫn được cất giữ trang trọng. Từ đó, tôi bắt đầu để ý và dần nhận ra có nhiều chùa ở Hàn Quốc còn đang lưu giữ những bản kinh Phật giáo Việt Nam như thế”.

Sư cô Thích Nữ Thiên Hải bên các tác phẩm của mình.
Điều khiến sư cô xúc động không chỉ là giá trị vật chất của những văn bản ấy mà còn là sự nâng niu, tôn trọng mà các tu sĩ Hàn Quốc dành cho di sản của một dân tộc khác. “Đây không chỉ là kinh sách. Đó là ký ức văn hóa, là hơi thở của lịch sử, là linh hồn dân tộc còn lưu lại nơi đất khách”, sư cô Hải nói.
Với vai trò là nghiên cứu viên tại Phòng Nghiên cứu Bảo tồn Kinh cổ - Chùa Hải Quang, TP Nha Trang (thuộc Trường Trung cấp Phật học Khánh Hòa), sư cô Thiên Hải bắt đầu hành trình truy tìm, phục dựng và biên dịch các bản kinh cổ của Phật giáo Việt Nam ở nước ngoài. Trong hơn một thập kỷ qua, sư cô đã lặng lẽ di chuyển giữa Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan, tiếp cận hàng chục ngôi chùa để tìm kiếm dấu tích kinh sách.

Sư cô Thích Nữ Thiên Hải chia sẻ tâm huyết của mình.
“Có bản kinh được tìm thấy trong một hòm gỗ đã mục gần hết, giấy rách từng mảnh. Tôi phải dùng găng tay, kính lúp, máy scan đặc biệt để phục hồi từng chữ một. Lúc đó, chỉ cần lật được một trang mà không rách là cảm giác như vừa khai quật được một kho báu”, sư cô Hải nhớ lại.
Lan tỏa di sản từ quá khứ đến hiện tại
Không chỉ phục dựng về hình thức, sư cô Thiên Hải còn phiên âm và dịch nghĩa sang tiếng Việt, đặc biệt hướng đến cộng đồng người Việt trẻ tại Hàn Quốc, nơi chữ Hán và chữ Nôm không còn là ngôn ngữ quen thuộc. Những bản kinh được tái bản nay có thể được người trẻ đọc hiểu, chiêm nghiệm và thực hành.
“Tôi gọi đó là một hình thức "hoằng pháp mới". Phật pháp cần sống cùng thời đại, nhưng vẫn giữ được gốc rễ. Khi một bạn trẻ cầm bản kinh vừa được dịch, cảm thấy gần gũi, hiểu được lời dạy của Đức Phật và nhận ra phần nào văn hóa dân tộc trong đó, tôi thấy công sức mình bỏ ra thật xứng đáng bởi công việc này vô cùng ý nghĩa”, sư cô Hải chia sẻ.

Các cuốn Kinh Phổ Môn Xuất Tượng, mộc bản chùa Chúc Thánh, Hội An, Việt Nam và Kinh Phổ Môn Xuất Tượng, bổ sung phần phiên âm dịch nghĩa, do Phòng Nghiên cứu bảo tồn kinh cổ thực hiện.
Tuy vậy, hành trình ấy không hề dễ dàng. Không có phòng thí nghiệm chuyên biệt, không có đội ngũ kỹ thuật số hóa, không có nguồn tài trợ, đa phần là tiền cá nhân của chính sư cô, còn lại là dựa vào sự đóng góp tự nguyện của Phật tử. Có những bản kinh quý, sư cô phải bỏ tiền túi mua lại từ các nhà sưu tầm tư nhân, những người thậm chí không biết rõ giá trị tâm linh của món cổ vật mình đang giữ.
Điều may mắn là sư cô không đơn độc. Nhiều vị cao tăng Hàn Quốc, trong đó có sư thầy Daejung thuộc Tông phái Tào Khê, đã đồng hành và hỗ trợ sư cô về kỹ thuật in ấn truyền thống, đặc biệt là công nghệ được dùng để khắc in Đại Tạng Kinh Cao Ly nổi tiếng thế giới về độ bền và tính thẩm mỹ.

Sư thầy Daejung thuộc Tông phái Tào Khê, người đồng hành và hỗ trợ sư cô trên hành trình giữ hồn Kinh Phật Việt.
“Sư cô Thiên Hải là người hiếm hoi kết hợp được lòng tôn kính quá khứ và khả năng thực hiện trong hiện tại. Tâm huyết của sư cô khiến cả những người như chúng tôi, sinh ra và lớn lên ở Hàn Quốc cũng phải cảm động”, sư thầy Daejung chia sẻ.
Ấn tượng nhất của hành trình có lẽ là việc sư cô đã sao chép thành công bản Kinh Hoa Nghiêm 80 - một phần của Đại Tạng Kinh Cao Ly, bản kinh đặc biệt được trưng bày trong Đại lễ Vesak năm nay. Đây là lần đầu tiên bản kinh quý hiếm này được giới thiệu trước công chúng trong nước và sư cô Hải cũng đã có cho riêng mình 1 bản sao dạng kinh giấy cuộn, 1 loại kỹ thuật làm giấy của Hàn Quốc có thể lưu giữ cả trăm năm.

Các bộ kinh được sư cô bọc, giữ gìn cẩn thận, chu đáo.
Giấc mơ lớn nhất của sư cô Thiên Hải là Việt Nam sớm có một trung tâm quốc gia về nghiên cứu và bảo tồn kinh sách cổ Phật giáo, nơi có thể hệ thống hóa, số hóa và quảng bá các di sản quý báu này ra thế giới.
“Tôi từng tận mắt chứng kiến các trung tâm bảo tồn kinh sách ở Hàn Quốc hoạt động rất bài bản, từ phân loại, lưu trữ đến nghiên cứu và công bố. Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều tương tự nếu có chiến lược và đầu tư lâu dài. Di sản không chỉ là thứ để ngắm mà là thứ để truyền lại”, sư cô khẳng định.

Những con người đã và đang góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa Phật giáo.
Giữa dòng người tham quan gian trưng bày tại Vesak, ánh mắt của sư cô Thiên Hải lặng lẽ dõi theo từng vị khách. Có lẽ điều cô mong mỏi nhất ở đây, vào lúc này là dù chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi, mọi người sẽ cảm nhận được sự thiêng liêng từ những trang kinh cũ, nơi tinh thần Phật giáo Việt vẫn đang âm thầm sống và được duy trì, gìn giữ giữa lòng thế giới hiện đại.