Người giữ hồn cây đàn nhị
Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Lê Hồng Triệu sinh ra ở làng Tâm Quy, thuộc xã miền núi Hà Tân, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Ông là con trai cố lão thành cách mạng Lê Hồng Khanh, ngôi nhà ông Khanh cũng là địa điểm nuôi giấu bí mật cán bộ của Đảng hoạt động trước cách mạng tháng Tám năm 1945. Nhà ông Lê Hồng Khanh được xếp hạng là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh (2010); gia đình ông được Chính phủ tặng Bằng có công với nước (1966).

Một buổi sinh hoạt văn nghệ tại gia đình Nghệ nhân ưu tú Lê Hồng Triệu
Điều không may mắn và thiệt thòi của NNƯT Lê Hồng Triệu là mới lên sáu tuổi ông đã mất đi vĩnh viễn đôi mắt do bệnh tật. Năm nay (2025), ông tám mươi tuổi tròn, là người khiếm thị nhưng ông vẫn còn khỏe mạnh, giọng nói trẻ trung, niềm nở, thân thiện mỗi khi giao tiếp. Từ thuở nhỏ, được nghe các nghệ nhân ở làng (là gánh hát nổi tiếng trong vùng) hát Bội (tuồng cổ) âm thanh của tiếng hát, cung đàn, nhịp phách... như rót vào tai, vào lòng rạo rực và ông đam mê từ đó. Lên bảy tuổi, ông lôi xoong, nồi, môi, thìa, đũa... rồi đi nhặt ống bơ, ống tre, đuôi ngựa, dây cước... tự chế thành cây đàn nhị bắt chước các nghệ nhân. Mười tuổi, ông được gia đình mua cho cây đàn nhị đã cũ và một cây sáo trúc, từ đó có cơ hội tự học tự luyện nhiều hơn. Lòng say mê, yêu thích đã kéo ông lại gần các nghệ nhân gánh hát. Thấy ông mân mê với cây kèn, cây đàn nhị lại có khả năng thẩm âm tốt nên ông được dạy cho học cách đánh trống, kéo nhị. Chỉ ít lâu sau, âm giai réo rắt véo von phát ra từ cây đàn nhị, tiết tấu trống con “vê” giòn giã đã “lọt tai” các nghệ nhân gánh hát, rồi ông được đi theo gánh hát biểu diễn khắp trong làng, ngoài xã.... Ông bắt đầu tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ ở địa phương từ năm 1958, tham gia hội diễn văn nghệ toàn huyện lần đầu tiên năm 1963. Từ đó, ông thường xuyên được đi phục vụ ở các địa phương trong huyện, ngoài tỉnh như Hà Nội, Hà Bắc, Hà Nam, Ninh Bình, Sơn La, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Lúc này, phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, “Nhóm ca khúc chính trị”, các “đội văn nghệ xung kích” hừng hực khí thế đã không quản ngày đêm, đạn bom ác liệt phục vụ các đoàn dân công hỏa tuyến, bộ đội, TNXP trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước...
Lòng đam mê yêu thích, tâm huyết với nghệ thuật Chèo dân gian đã thôi thúc ông, theo ông suốt chặng đường dài bảy thập niên qua, trên khắp miền quê trong và ngoài huyện. Loại nhạc cụ “Đàn hồ, còn gọi là Hồ trung” - thứ “vũ khí” ông luôn mang theo bên người được ông chăm sóc nâng niu gìn giữ như những đứa con yêu quý ông sinh ra. Ông được các nhạc công trong dàn nhạc dân tộc của “Câu lạc bộ đàn và hát dân ca” của xã “tôn” làm nhạc trưởng. Tiếng đàn của ông xuất hiện ở đâu cũng đều thuyết phục lòng người bởi ông đàn bằng cả trái tim ông. Hay mỗi khi nghe một đoạn nhạc nền của Chèo hoặc đệm cho diễn viên hát sẽ nhận biết ngay đó là tiếng đàn của Hồng Triệu (cách gọi trìu mến dành cho ông). Âm nhạc Chèo, nhạc cụ dân tộc (đàn Hồ trung, Hồ đại) đã ngấm vào máu của ông, cũng là thế mạnh của ông. Ngoài ra, ông còn sử dụng thành thạo một số loại nhạc cụ dân tộc như sáo trúc, đàn nguyệt, đàn tam, trống chèo... Một nhạc công tự học tự trưởng thành và đa tài như ông thật hiếm thấy ở địa phương, ông chính là “bảo tàng sống” về văn hóa dân gian bởi ông và những người yêu nghệ thuật như ông đã góp phần cùng với vườn hoa nghệ thuật dân gian ở địa phương mãi mãi nở rộ ngát hương...

NNƯT Lê Hồng Triệu với cây đàn nhị (hồ trung) luôn gắn bó với cuộc đời
Cuộc đời của ông Lê Hồng Triệu gắn liền với chặng đường phát triển của gánh hát, đội văn nghệ và nay là “Câu lạc bộ đàn và hát dân ca” đã để lại những tình cảm ấn tượng tốt đẹp đối với nhân dân địa phương, trong đó có vai trò quan trọng của tập thể nhạc công dàn nhạc dân tộc và tập thể diễn viên không chuyên. Dàn nhạc dân tộc sử dụng 7 - 8 loại nhạc cụ như: hồ, nhị, nguyệt, tam, sáo, trống, đàn bầu, sênh, phách... Dàn diễn viên hàng chục người trở lên chuyên hát chèo, dân ca, dân vũ, ca trù, xẩm và ca khúc, đã khổ công luyện tập miệt mài sáng tạo, dàn dựng được nhiều tiết mục biểu diễn phục vụ công chúng, phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương và chọn lọc tham gia liên hoan, hội thi, hội diễn từ cơ sở, cấp huyện, tỉnh và toàn quốc. Ngoài ra, những người yêu nghệ thuật Chèo trong xóm tự nguyện đến nhà ông học đàn học hát tối ngày, say sưa với những làn điệu chèo quen thuộc trữ tình đằm thắm như “Đường trường thu không”, “Quân tử vu dịch”, “Đường trường bắn chim thước”, “Luyện năm cung”... ai hát đúng được ông khen ngay, hát sai nhạc sai lời (tiết tấu, nhịp phách, cao độ, trường độ, cường độ...) ông “bắt” hát đi hát lại cho đúng. Ông còn đem hiểu biết, kỹ năng, kinh nghiệm bản thân truyền lại cho nhạc công, diễn viên trong câu lạc bộ, tham gia làm nhạc công các lớp tập huấn do cấp trên tổ chức và các em học sinh nhà trường. Lê Văn Trung và Lê Thị Hoa (con của ông) được ông “thắp lửa” truyền cảm hứng, định hướng bồi dưỡng từ lúc còn bé thơ, rồi cả hai anh em đem lòng say mê với nghệ thuật Chèo và tiếng lành đồn xa đều khen Trung và Hoa là “con nhà nòi” có khác...

Bằng xếp hạng di tích lịch sử cách mạng nhà ông Lê Hồng Khanh, thân sinh NNƯT Lê Hồng Triệu
Dành tình yêu và dồn tâm huyết cho nghệ thuật chèo, ông đã lao động nghiêm túc, say mê không ngừng nghỉ, tiếng đàn của ông thành thục ngọt lịm “để đời”. Và “khổ luyện thành tài, miệt mài thành giỏi”, năm 2001 gia đình ông tham gia Hội diễn các gia đình nghệ thuật không chuyên toàn tỉnh với trích đoạn chèo cổ “Lưu Bình - Dương Lễ”, tiết mục đã giành được Huy chương vàng. Cũng với tiết mục này, tiếng đàn của ông trong dàn nhạc đã “hút hồn” khán giả và ban giám khảo, giải Huy chương bạc dành cho nhạc công xuất sắc đã thuộc về ông... Một số tiết mục tiêu biểu xuất sắc, đoạt giải có sự tham gia sáng tạo của ông và gia đình ông như: vở chèo ngắn “Đường hai mươi quyết thắng”, trích đoạn chèo cổ “Lưu Bình - Dương Lễ”, “Hòa tấu nhạc cụ dân tộc” và nhiều hoạt ca, hoạt cảnh, ca cảnh chèo, hát ca trù, hát xẩm, hát mới... biểu diễn hàng trăm lượt phục vụ nhân dân và tham gia liên hoan, hội thi, hội diễn văn hóa văn nghệ toàn tỉnh, toàn quốc. Cá nhân ông Lê Hồng Triệu đã được Bộ Văn hóa tặng bằng khen (1965), Huy chương vì sự nghiệp văn hóa quần chúng (1986), Kỷ niệm chương chiến sỹ văn hóa (1987), bằng khen của Tổng cục Thông tin (1976), Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (2011), UBND tỉnh (2010); giải thưởng gia đình nghệ nhân tại hội diễn sân khấu không chuyên toàn tỉnh (2013).
Tham gia trình diễn các tiết mục có ông làm nhạc công, con trai ông - Lê Trung cũng đã đoạt được huy chương vàng vai Lưu Bình trong trích đoạn chèo cổ “Lưu Bình - Dương Lễ” (2001), huy chương bạc giải diễn viên xuất sắc tại “Liên hoan câu lạc bộ nghệ thuật toàn tỉnh lần thứ nhất” (2009)... Cô con gái Lê Thị Hoa, một diễn viên xuất sắc từng đoạt huy chương bạc tại liên hoan ca trù toàn quốc tại Hải Phòng (2007) và trích đoạn “Lời thề Trinh nữ” tại liên hoan sân khấu tuồng không chuyên toàn quốc tại Nha Trang (2003), giải ba “Hội thi người đẹp các làng văn hóa Thanh Hóa”.

Nghệ nhân ưu tú Lê Hồng Triệu say sưa với cây đàn
Ông Lê Hồng Triệu rất vui mừng phấn khởi khi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” năm 2019 (QĐ số 355/QĐ-CTN, ngày 8/3/2019). Ông chia sẻ: “Mặc dù năm nay đã tám mươi tuổi, sức khỏe giảm sút nhưng vẫn tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị loại nhạc cụ ông đang nắm giữ và các loại nhạc cụ dân tộc vô cùng quý giá mà cá nhân ông đã cùng với tập thể diễn viên, nhạc công trong câu lạc bộ dày công khổ luyện miệt mài sáng tạo nên những tiết mục, sản phẩm nghệ thuật dân gian đặc sắc để phục vụ công chúng; tiếp tục trao truyền hiểu biết, kỹ năng, kinh nghiệm của mình đã chắt lọc, tích lũy được cho thế hệ kế tiếp đã và đang hoạt động cùng với ông như: NNƯT Lê Hoa, Ngọc Trạm, Ngọc Trai, Thế Sơn, Anh Đức, NNƯT Hồng Quần... để lời ca, điệu nhạc mang hồn, cốt dân tộc bồi đắp tâm hồn thêm phong phú, trong sáng hơn góp phần đem lại niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống”.