Tiền Giang: Kỷ niệm 150 năm Anh hùng dân tộc Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân hy sinh
Sáng 11/5, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tiền Giang đã long trọng tổ chức Lễ viếng, đặt tràng hoa và dâng hương tưởng niệm nhân kỷ niệm 150 năm Ngày Anh hùng dân tộc Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân hy sinh (14/4/1875-14/4/2025 âm lịch).
Đặt tràng hoa, thắp hương tại Tượng đài Anh hùng dân tộc Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, Phường 1, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang).
Đọc diễn văn tại Lễ tưởng niệm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh đã nhấn mạnh: Anh hùng dân tộc Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, sinh năm 1830 tại làng Tịnh Hà, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường (nay là xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang).
Ông là người nổi tiếng học giỏi, đỗ Thủ khoa kỳ thi Hương tại Gia Định năm 1852 dưới triều vua Tự Đức, được nhân dân kính trọng gọi là Thủ khoa Huân. Sau khi thi đỗ, ông được triều đình Huế bổ chức Giáo thụ huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường.
Vốn là người học sâu, hiểu rộng, lại có quan phẩm trong triều đình, sau khi thực dân Pháp đánh hạ thành Gia Định (tháng 2/1859), trước tình cảnh đất nước bị đô hộ, ông từ bỏ chức Giáo thụ để hợp lực cùng với cụ Võ Duy Dương, sinh năm 1827, người thôn Cù Lâm Nam, thuộc phủ Tuy Viễn, trấn Bình Định chiêu mộ nghĩa quân phất cờ khởi nghĩa một vùng rộng lớn.
Các đại biểu đứng trang nghiêm và đặt tràng hoa tại Tượng đài Anh hùng dân tộc Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân.
Cuộc khởi nghĩa đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, trong đó có cả tầng lớp phú hào. Ngoài ra, cuộc khởi nghĩa của hai ông còn có sự phối hợp chiến đấu với nhiều thủ lĩnh nghĩa quân như: Anh hùng dân tộc Trương Định ở Tân Hòa (huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang), Bùi Quang Diệu ở Cần Giuộc (Long An)...
Trước sự lớn mạnh của nghĩa quân, đầu năm 1862, thực dân Pháp đánh úp, nghĩa quân thất bại, ông bị bắt giải về Sài Gòn, bị dùng quyền tước, bổng lộc dụ dỗ mua chuộc, nhưng ông đã kiên quyết từ chối. Ít lâu sau, nhân lúc địch sơ hở, ông đã trốn thoát trở về quê kháng chiến.
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang thắp hương tại Tượng đài Anh hùng dân tộc Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân.
Tháng 7/1862, Nguyễn Hữu Huân đến căn cứ Tân Hòa (huyện Gò Công) bàn việc thống nhất lực lượng nghĩa quân với Trương Định nhằm nâng cao sức mạnh chiến đấu chống giặc Pháp xâm lược.
Tháng 2/1863, sau khi căn cứ Tân Hòa thất thủ, ông và cụ Võ Duy Dương chiêu mộ nghĩa quân, phất cờ khởi nghĩa lần thứ hai. Căn cứ chính được đặt tại thôn Bình Cách, tổng Thạnh Quơn, huyện Kiến Hòa (nay là xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang).
Đến giữa năm 1863, thực dân Pháp huy động một lực lượng lớn tấn công căn cứ Bình Cách. Nghĩa quân đã chiến đấu vô cùng anh dũng nhưng do tương quan lực lượng không cân xứng và còn ít vũ khí kháng cự nên căn cứ bị phá vỡ. Để bảo toàn lực lượng, ông cho nghĩa quân rút qua Thuộc Nhiêu, tiếp tục cuộc chiến đấu. Nghĩa quân đã liên tiếp mở nhiều cuộc tấn công vào Cái Thia, Cái Bè, Cai Lậy, Trung Lương...
Cuối năm 1863, thực dân Pháp tiếp tục huy động lực lượng lớn tấn công Thuộc Nhiêu (vùng huyện Châu Thành, Cai Lậy ngày nay). Nghĩa quân phải rút vào Đồng Tháp Mười xây dựng căn cứ mới.
Sau đó, Nguyễn Hữu Huân sang An Giang, nơi còn thuộc quyền kiểm soát của triều đình để tuyển mộ nghĩa quân và vận động nhân dân ủng hộ, đóng góp tiền của, vũ khí, lương thực cho cuộc kháng chiến. Thế nhưng, do áp lực của thực dân Pháp, tháng 7/1864, Tổng đốc An Giang lúc bấy giờ đã bắt ông giao nộp cho chính quyền Pháp. Một tháng sau, ông bị chính quyền thực dân kết án 10 năm tù khổ sai, bị đày đi Cayenne, Trung Mỹ.
Tháng 2/1869, sau 5 năm bị giam, ông được ân xá và bị quản thúc ở Chợ Lớn. Tại đây, họ ra sức mua chuộc, dụ dỗ ông. Nhưng, ông vẫn một lòng, một dạ trung thành với đất nước và nhân dân. Không những thế, thời gian này, ông vừa dạy học, vừa bí mật tìm cách liên lạc với những người yêu nước và phát động cuộc khởi nghĩa lần thứ ba.
Năm 1872, Nguyễn Hữu Huân về vùng Mỹ Tho, Chợ Gạo, cùng với Âu Dương Lân nổi lên khởi nghĩa, lực lượng nghĩa quân có lúc lên đến 3.000 người. Từ đây, phong trào chống Pháp do ông đứng đầu lan tỏa mạnh mẽ khắp vùng Mỹ Tho, Chợ Gạo, Cai Lậy, Tân An, Chợ Lớn...
Học sinh Trường tiểu học Thủ Khoa Huân vào thắp hương tại Tượng đài Anh hùng dân tộc Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân.
Cuối năm 1874, thực dân Pháp huy động một lực lượng hùng hậu, từ nhiều hướng tấn công căn cứ Bình Cách, nghĩa quân kháng cự vô cùng quyết liệt. Nhưng do tương quan lực lượng, nghĩa quân tan rã, ông bị chính quyền thực dân bắt giam ở Khám lớn Mỹ Tho.
Sau 4 ngày giam cầm, biết không thể lay chuyển được tinh thần yêu nước của ông, chính quyền thực dân đã kết án và tử hình ông ngày 19/5/1875 (nhằm ngày 15 tháng 4 âm lịch năm Ất Hợi).
Đồng hành và sát cánh cùng Anh hùng dân tộc Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân là Anh hùng dân tộc Âu Dương Lân, một trí thức yêu nước sinh năm 1835 tại vùng Phú Kiết-Tịnh Hà (nay cũng thuộc huyện Chợ Gạo), xuất thân trong gia đình khoa bảng, đỗ Cử nhân năm 1858. Ông sớm từ bỏ con đường quan lộ, tham gia kháng chiến cùng cụ Nguyễn Hữu Huân và cụ Võ Duy Dương.
Khi Anh hùng dân tộc Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân phát động cuộc khởi nghĩa lần thứ ba (1872), cụ Âu Dương Lân giữ vai trò chỉ huy nghĩa quân chiến đấu tại vùng Định Tường. Cuối năm 1874, khi căn cứ Bình Cách thất thủ, ông bị bắt, trải qua nhiều lần mua chuộc nhưng ông vẫn không khuất phục. Sau khi hành quyết cụ Nguyễn Hữu Huân, vài tháng sau đó, cụ Âu Dương Lân cũng bị xử tử bên bờ sông Mỹ Tho.