Chuyện người giữ hồn chữ Nôm Dao
Giữa đại ngàn vùng cao Nậm Pồ, nơi núi rừng trùng điệp và những bản làng người Dao quần tụ giữa mây trời Tây Bắc, có một người đàn ông lặng lẽ gìn giữ một phần hồn cốt văn hóa dân tộc mình bằng cây bút và những dòng chữ Nôm cổ. Ông là Lý Lìn Siểu, nghệ nhân ưu tú của dân tộc Dao, bản Sín Chải, xã Nà Hỳ, người suốt gần 50 năm qua vẫn miệt mài giữ lửa cho chữ Nôm Dao và những nghi lễ cổ truyền, những di sản đang dần mai một.
Ông Siểu sinh năm 1963 tại bản Phùng, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai nơi từ lâu đã là một trung tâm sinh sống của đồng bào Dao đỏ. Sau này, gia đình ông di cư về vùng đất mới tại bản Sín Chải (xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ). Từ nhỏ, cậu bé Lý Lìn Siểu đã tỏ ra đặc biệt say mê với những cuốn sách cổ, những dòng chữ lạ kỳ được viết tay bằng mực tàu trên giấy dó, đó là chữ Nôm Dao - loại chữ viết độc đáo phản ánh chiều sâu văn hóa và tín ngưỡng của người Dao.
Ở tuổi 13, trong khi bạn bè cùng trang lứa còn mải rong chơi, cậu bé Lý Lìn Siểu đã xin theo học chữ Nôm Dao từ các thầy cúng trong bản. Vừa học chữ, vừa học lễ, cậu bắt đầu bước chân vào thế giới linh thiêng của những bài cúng, những buổi lễ cấp sắc, lễ cầu an, lễ giải hạn... vốn là những nghi thức gắn liền với đời sống tâm linh của người Dao. Đến năm 20 tuổi, ông chính thức trở thành một người làm lễ độc lập, đảm nhận vai trò thầy cúng trong bản. Gần 50 năm sau, ông vẫn là một trong số rất ít người tại địa phương có khả năng vừa viết, vừa hiểu và thực hành thành thạo những nghi thức truyền thống ấy.

Gần 50 năm miệt mài gìn giữ chữ Nôm Dao, nghệ nhân Lý Lìn Siểu không chỉ giữ gìn một hệ chữ cổ, mà còn níu giữ linh hồn văn hóa dân tộc.
Chữ Nôm Dao, còn gọi là chữ Quá Tha, là hệ thống văn tự hình thành từ việc mượn âm Hán tự để phiên âm tiếng Dao, đồng thời sáng tạo thêm nhiều ký hiệu riêng biệt. Chữ thường được viết tay bằng bút lông, dùng trong các sách lễ, sách thuốc, truyện kể dân gian và các nghi lễ tôn giáo. Dù hệ chữ này không có chuẩn thống nhất như Hán ngữ, nhưng lại mang giá trị sâu sắc trong lưu giữ tri thức dân gian, lịch sử và tín ngưỡng của người Dao.Ngày nay, trước sức ép của cuộc sống hiện đại, số người đọc, viết được chữ Nôm Dao ngày một ít. Tại bản Sín Chải, theo ông Siểu, hiện chỉ còn vài người lớn tuổi có thể viết chữ. Về mặt thực hành lễ nghi, ngoài ông cũng chỉ còn lại 4 người có thể cùng tham gia các nghi lễ truyền thống. Giới trẻ ở địa phương phần lớn đã rời bản đi làm ăn xa, ít người còn mặn mà với chữ nghĩa và lễ tục của tổ tiên.
“Không có người kế thừa, chữ mất, lễ mất, là mình mất luôn cả hồn dân tộc” - ông Siểu chia sẻ.

Chữ Nôm Dao tưởng chừng bị mai một nhưng vẫn "sống" qua từng nét bút của nghệ nhân Lý Lìn Siểu.
Năm 2022, những nỗ lực không mệt mỏi ấy đã được ghi nhận khi ông được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vì có nhiều đóng góp trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Dao. Tuy nhiên, với ông, danh hiệu ấy không chỉ là vinh quang mà còn là trách nhiệm - trách nhiệm tiếp tục gìn giữ và truyền lại vốn quý cho thế hệ sau.
Ông không ngại xa xôi, thường xuyên tham gia các lễ hội văn hóa địa phương, tỉnh, trong đó nổi bật là Lễ hội Hoa Ban 2025, nơi ông tham gia trình diễn Lễ cấp sắc - một nghi thức quan trọng đánh dấu bước trưởng thành của người đàn ông Dao. Ở đó, ông không chỉ thực hành nghi lễ mà còn giới thiệu, thuyết trình, giảng giải về ý nghĩa từng bước lễ với du khách trong và ngoài nước, mang tinh hoa văn hóa dân tộc đến gần hơn với công chúng hiện đại.
Nhưng điều khiến ông trăn trở hơn cả, chính là việc thiếu cơ chế hỗ trợ, đào tạo kế cận. Hiện tại, ở bản Huổi Cơ Dạo - một bản Dao khác trong xã, hàng năm có mở lớp dạy chữ Nôm Dao vào dịp hè, với 3 người đứng lớp. Học sinh là các em thanh thiếu niên, mỗi khóa đều có thi đánh giá cuối kỳ. Tuy vậy, mọi hoạt động đều do người dân tự nguyện đóng góp, thiếu sự bảo trợ về tài chính và chuyên môn từ chính quyền.
Theo thông tin từ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nậm Pồ, hiện chưa có hướng dẫn hay kế hoạch cụ thể nào liên quan đến việc bảo tồn chữ Nôm Dao. Các hoạt động văn hóa dân tộc chủ yếu được tổ chức dưới dạng tuyên truyền hoặc hội thi văn nghệ ngắn ngày, chưa tạo được sự bền vững và liên tục.

Từ danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú đến người ông tảo tần nuôi cháu mồ côi.
Trong mắt mọi người, ông Siểu là một người nhiệt tình, luôn sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ bà con, thường xuyên tham gia các hoạt động xây dựng Đảng, bảo vệ an ninh Tổ quốc... Bước vào nhà ông, không khó để nhìn thấy những tấm bằng khen được ông treo trang trọng trên tường.
Thế nhưng, phía sau một nghệ nhân mẫu mực, một “kho tàng sống” của văn hóa dân tộc Dao ấy lại là câu chuyện đầy gian khó. Gia đình ông từng sống hạnh phúc với 6 thành viên: Vợ chồng ông, con trai, con dâu và hai cháu nội. Vợ chồng con trai tuy lao động tự do nhưng cần mẫn, chịu khó, giúp cả nhà vươn lên thành hộ khá trong xã.
Bi kịch ập đến vào tháng 7 năm 2020, khi đôi vợ chồng trẻ trong chuyến đi ra trung tâm tỉnh mua xe máy, không may gặp tai nạn do sạt lở đất vì mưa lớn. Cả hai tử vong, để lại hai đứa con nhỏ bơ vơ. Hôm nhận tin dữ, ông Siểu như sụp đổ.
Từ đó, ông trở thành trụ cột duy nhất trong gia đình. Người vợ đau ốm triền miên, hai đứa cháu nội nhỏ dại đang tuổi đến trường. Ông vừa làm thầy cúng, vừa làm cha, làm mẹ, làm ông. Cái nghèo lại một lần nữa bao phủ lấy mái nhà nhỏ. Dù vậy, ông vẫn cố gắng gồng gánh gia đình và chưa bao giờ từ bỏ công việc giữ hồn văn hóa dân tộc Dao. Trong căn nhà đơn sơ, những tấm bằng khen được treo ngay ngắn trên tường là minh chứng cho cả một đời cống hiến không mỏi mệt.

Những tấm bằng khen, giấy khen được treo trang trọng trong nhà.
Giờ đây, khi đã ở tuổi ngoài 60, điều ông mong mỏi nhất không phải là một mái nhà kiên cố, hay những khoản hỗ trợ vật chất, mà là có người kế tục con đường gìn giữ văn hóa mà ông đã đi nửa thế kỷ. Ông mong có thêm những lớp học chữ Nôm Dao được tổ chức thường xuyên, bài bản. Ông mong giới trẻ trong bản sẽ trở về, sẽ học lấy thứ chữ của cha ông, và sẽ tiếp tục hành lễ, dựng bàn thờ tổ tiên đúng nghi thức truyền thống.
“Người Dao mình có tiếng nói, chữ viết, lễ tục riêng. Nếu không giữ, mai này chỉ còn lại cái tên thôi thì buồn lắm. Tôi già rồi, chẳng sống mãi được. Chỉ mong trước khi nhắm mắt, được thấy có lớp trẻ nối tiếp là mừng rồi” - ông Siểu trải lòng.