Người gầy có cần giảm mỡ?

Nhiều người cho rằng những ai thừa cân, béo phì mới cần giảm mỡ. Thế nhưng, trên thực tế, người gầy vẫn có thể tích tụ mỡ nội tạng, làm tăng nguy cơ bệnh tim, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa... Vậy người gầy có cần giảm mỡ và giảm như thế nào cho đúng?

1. Gầy có đồng nghĩa với ít mỡ không?

NỘI DUNG:

1. Gầy có đồng nghĩa với ít mỡ không?

2. Khi nào người gầy nên cân nhắc giảm mỡ?

3. Cách giảm mỡ cho người gầy mà không khiến cơ thể suy kiệt

Khi nói đến giảm mỡ, nhiều người thường nghĩ rằng chỉ những ai thừa cân, béo phì mới cần quan tâm. Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn như vậy. Một số người có thể trông gầy, nhẹ cân nhưng vẫn mang trong cơ thể tỷ lệ mỡ cao.

Mỡ trong cơ thể không chỉ là lớp mỡ dưới da mà còn có mỡ nội tạng bao quanh các cơ quan như gan, ruột, tụy... Mỡ nội tạng ít được nhìn thấy bằng mắt thường nhưng lại liên quan mật thiết đến các bệnh lý nguy hiểm như đái tháo đường type 2, bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa. Vì vậy, gầy không đồng nghĩa với ít mỡ. Người gầy vẫn có mỡ thừa.

Chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) thường được dùng để đánh giá tình trạng cân nặng, nhưng nó không phản ánh chính xác tỷ lệ cơ – mỡ. Một người có BMI thấp vẫn có thể có tỷ lệ mỡ cơ thể cao nếu thiếu cơ bắp. Do đó, để đánh giá sức khỏe thật sự, cần dựa trên thành phần cơ thể thông qua các chỉ số mỡ, cơ, không chỉ đơn thuần dựa vào con số cân nặng.

Vì vậy, người gầy không nên chủ quan, đặc biệt là khi có các dấu hiệu mệt mỏi, rối loạn chuyển hóa hoặc vòng bụng lớn bất thường. Một cơ thể khỏe mạnh không chỉ nằm ở con số cân nặng thấp, mà còn cần sự cân đối giữa cơ – mỡ và khả năng trao đổi chất hoạt động hiệu quả.

Ở người gầy, vòng eo lớn có thể phản ánh sự tích tụ mỡ ở vùng bụng.

Ở người gầy, vòng eo lớn có thể phản ánh sự tích tụ mỡ ở vùng bụng.

2. Khi nào người gầy nên cân nhắc giảm mỡ?

Không phải ai gầy cũng cần giảm mỡ, nhưng nếu tỷ lệ mỡ trong cơ thể vượt ngưỡng lành mạnh, đặc biệt là mỡ nội tạng, thì nên điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống. Một trong những dấu hiệu dễ nhận biết là vòng bụng to lên dù cân nặng không thay đổi rõ rệt. Ở người gầy, vòng eo lớn có thể phản ánh sự tích tụ mỡ ở vùng bụng.

Bên cạnh đó, nếu người gầy có lối sống ít vận động, thường xuyên ngồi nhiều, ăn uống kém lành mạnh với nhiều đường, chất béo bão hòa và thực phẩm chế biến sẵn, cơ thể sẽ dễ tích tụ mỡ dù lượng thức ăn không lớn.

Theo thời gian, điều này làm tăng nguy cơ rối loạn lipid máu, đề kháng insulin, gan nhiễm mỡ không do rượu – những vấn đề phổ biến ngay cả ở người không béo.

Một số người gầy cũng có biểu hiện thiếu sức sống, dễ cảm lạnh hoặc khó hồi phục sau mắc bệnh. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể thiếu khối cơ và năng lượng, trong khi vẫn có tỷ lệ mỡ nội tạng cao. Trong trường hợp này, mục tiêu không chỉ là giảm mỡ mà còn cần cải thiện tổng thể sức khỏe thông qua tăng cơ và điều chỉnh chế độ sinh hoạt.

Ngoài ra, những người có chỉ số xét nghiệm như triglyceride cao, HDL-C thấp hoặc đường huyết bất thường, dù thân hình gầy, cũng cần xem xét việc điều chỉnh chế độ ăn uống, luyện tập để cải thiện tỷ lệ mỡ cơ thể.

Tóm lại, người gầy nên cân nhắc giảm mỡ khi có bằng chứng cho thấy mất cân đối trong thành phần cơ thể hoặc dấu hiệu rối loạn chuyển hóa. Việc này không phải để giảm cân, mà để đạt được sức khỏe bền vững, phòng ngừa bệnh lý lâu dài.

Giảm mỡ ở người gầy không phải để giảm cân, mà để đạt được sức khỏe bền vững, phòng ngừa bệnh lý lâu dài.

Giảm mỡ ở người gầy không phải để giảm cân, mà để đạt được sức khỏe bền vững, phòng ngừa bệnh lý lâu dài.

3. Cách giảm mỡ cho người gầy mà không khiến cơ thể suy kiệt

Giảm mỡ không đồng nghĩa với việc nhịn ăn hay ép cân một cách cấp tốc. Mục tiêu chính là cải thiện tỷ lệ mỡ - cơ, duy trì khối cơ bắp và thúc đẩy quá trình trao đổi chất diễn ra hiệu quả. Do đó, chế độ ăn cần được đảm bảo cung cấp đủ năng lượng, đặc biệt là protein để hỗ trợ bảo toàn, xây dựng cơ bắp.

Hãy tập trung vào thực phẩm giàu dinh dưỡng, ít qua chế biến, hạn chế đường bổ sung và chất béo xấu.

Ưu tiên nguồn carbohydrate phức tạp như ngũ cốc nguyên cám, rau củ; bổ sung đủ chất béo lành mạnh từ hạt, cá béo, dầu ô liu; cùng với các loại đạm chất lượng cao như trứng, thịt nạc, đậu hũ hoặc sữa chua.

Tập luyện là yếu tố không thể thiếu. Các bài tập sức mạnh như nâng tạ hay kháng lực giúp kích thích tăng cơ, trong khi cardio cường độ vừa phải góp phần đốt mỡ, nâng cao sức khỏe tim mạch. Kết hợp giữa hai hình thức này mang lại hiệu quả tối ưu, nhất là với người gầy muốn giảm mỡ mà không làm hao hụt cơ bắp.

Ngoài chế độ ăn và luyện tập, ngủ đủ giấc, sức khỏe tinh thần cũng rất quan trọng. Tình trạng stress kéo dài làm tăng nồng độ cortisol - loại hormone liên quan đến tích trữ mỡ vùng bụng. Nhiều người thường xem nhẹ giấc ngủ, nhưng nếu muốn cải thiện thành phần cơ thể một cách toàn diện, thì ngủ đủ và chất lượng là yếu tố không thể thiếu.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

5 loại rau lá xanh tốt nhất giúp giảm mỡ bụng và làm chậm lão hóa - SKĐS.

ThS. Đào Thu Trang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-gay-co-can-giam-mo-169250519132745725.htm
Zalo