Người dân vẫn chủ quan với bệnh cúm mùa

Theo thông tin từ một cơ sở tiêm chủng, hiện tỷ lệ tiêm vắc-xin cúm mùa không có sự biến động dù bệnh cúm đang diễn biến khó lường.

Mùa Đông - Xuân là thời điểm đặc biệt đối với các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa. Thời tiết lạnh, ẩm và nồm tạo ra môi trường thuận lợi cho vi khuẩn và virus sinh sôi, dẫn đến các bệnh như cúm, viêm đường hô hấp, bệnh viêm phổi, sởi, thủy đậu và nhiều bệnh truyền nhiễm khác.

Hơn nữa, đây cũng là mùa lễ hội, nhiều người tụ tập đông đúc, tạo điều kiện cho sự lây lan của các bệnh qua đường hô hấp, đặc biệt là trong các môi trường không khí lạnh và không được thông thoáng.

Việc tiêm vắc-xin cúm giúp giảm nguy cơ mắc cúm và bảo vệ sức khỏe khi tiếp xúc với nhiều người trong các sự kiện tập trung đông người.

Việc tiêm vắc-xin cúm giúp giảm nguy cơ mắc cúm và bảo vệ sức khỏe khi tiếp xúc với nhiều người trong các sự kiện tập trung đông người.

Bên cạnh đó, không khí ô nhiễm, khói bụi từ các hoạt động sinh hoạt, giao thông và đốt than trong mùa lạnh cũng là yếu tố làm giảm sức đề kháng của cơ thể, khiến người dân dễ mắc phải các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, hen suyễn, viêm phế quản cấp, hay các bệnh dị ứng.

Với dịch cúm mùa, đây là căn bệnh đang gây hoang mang sau khi thông tin một nữ diễn viên nổi tiếng Trung Quốc qua đời do biến chứng viêm phổi của bệnh cúm.

Trên thế giới, các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia châu Âu đang đối mặt với các đợt dịch cúm nghiêm trọng. Các bệnh viện đang phải đối mặt với tình trạng quá tải, trong khi việc tiêm vắc-xin vẫn là biện pháp phòng ngừa chính để ngăn ngừa sự lây lan của virus.

Theo báo cáo mới nhất, Việt Nam đã ghi nhận một số trường hợp tử vong do cúm A/H1N1pdm tại tỉnh Bình Định. Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, giám sát chủ động và can thiệp kịp thời để ngăn ngừa tử vong. Bên cạnh đó, một trường hợp nhiễm cúm A(H9N2) ở người đã được ghi nhận.

Trường hợp này xảy ra ở một người trưởng thành có bệnh nền, phải nhập viện điều trị và theo dõi. Thêm vào đó, cúm gia cầm H5N1 cũng đã xuất hiện tại tỉnh Khánh Hòa, với một nam sinh viên 21 tuổi tử vong do nhiễm trùng.

Virus cúm dễ dàng truyền từ người này sang người khác qua ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với bề mặt nhiễm virus. Việc tiêm vắc-xin giúp giảm nguy cơ mắc cúm và bảo vệ sức khỏe khi tiếp xúc với nhiều người trong các sự kiện tập trung đông người.

Theo đại diện hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec, hiện tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin cúm của người dân không có sự biến động mạnh, điều đó cho thấy người dân vẫn còn khá chủ quan với căn bệnh này.

Theo các chuyên gia y tế, cúm mùa là một bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan nhanh, đặc biệt trong mùa lạnh. Bệnh do virus cúm (Influenza virus) thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra, với hai nhóm phổ biến là cúm A (chiếm khoảng 75% ca bệnh) và cúm B (chiếm khoảng 25%).

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê mỗi năm có khoảng một tỷ ca mắc cúm mùa, trong đó có từ 3 - 5 triệu ca bệnh nặng và từ 290.000 đến 650.000 ca tử vong.

Ở một số quốc gia, cúm mùa thường xuất hiện vào mùa lạnh, chẳng hạn Nhật Bản, nơi cúm thường bùng phát vào quý IV hàng năm. Tại Việt Nam, bệnh cúm xuất hiện quanh năm, với hơn 287.000 ca mắc cúm trong năm 2024 và 8 ca tử vong.

Cúm thường có biểu hiện như sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho, và thường phục hồi trong khoảng 2 - 7 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể trở nặng và dẫn đến tử vong nếu virus xâm lấn các cơ quan gây viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não hoặc nhiễm trùng huyết.

Những đối tượng dễ bị biến chứng nặng của cúm gồm người từ 65 tuổi trở lên, thai phụ, trẻ nhỏ và những người có bệnh nền như tim mạch, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy thận, đái tháo đường. Một trong những biến chứng nguy hiểm của cúm là viêm phổi.

Đại diện hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec cho biết, người đã tiêm vắc-xin cúm có nguy cơ phải nhập viện chăm sóc đặc biệt (ICU) thấp hơn 26% và nguy cơ tử vong do cúm thấp hơn 31% so với người chưa tiêm.

Ở người cao tuổi và những người mắc bệnh nền, vắc-xin có thể giảm 70 - 80% tỷ lệ tử vong liên quan đến cúm. Đặc biệt, vắc-xin cúm cũng giúp thai phụ giảm 51% nguy cơ thai chết lưu và giảm 72% nguy cơ trẻ dưới 6 tháng tuổi phải nhập viện do cúm.

Hiện tại, Việt Nam có hai loại vắc-xin cúm tứ giá thế hệ mới, phòng 4 chủng virus cúm phổ biến: cúm A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata và B/Victoria, dành cho cả trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Vắc-xin này có hiệu quả phòng bệnh lên đến 90%, đồng thời giúp ngăn ngừa các biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi, viêm cơ tim và suy hô hấp.

Cúm là bệnh viêm đường hô hấp cấp tính gây ra bởi virus cúm, có khả năng lây lan nhanh chóng qua giọt bắn khi ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với bề mặt nhiễm virus.

Mặc dù cúm thường có triệu chứng nhẹ và tự khỏi ở những người khỏe mạnh, nhưng với những người có hệ miễn dịch yếu, cúm có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, suy hô hấp hoặc thậm chí tử vong.

Ngoài ra, cúm còn có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác như viêm tai giữa, viêm xoang hoặc làm trầm trọng thêm các bệnh lý nền như tim mạch, tiểu đường.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nguoi-dan-van-chu-quan-voi-benh-cum-mua-d244260.html
Zalo