Bộ Y tế thông tin về đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản
Ngày 5/2, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, Hệ thống giám sát dựa vào sự kiện tại Việt Nam ghi nhận các thông tin về đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản.
Theo đó, dữ liệu công bố ngày 31/1/2025 của Viện Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản cho thấy, từ ngày 2/9/2024 đến 26/1/2025 tại Nhật Bản ghi nhận khoảng 9,5 triệu trường hợp mắc cúm mùa. Trong đó, tuần cuối cùng của năm 2024 (từ 23 - 29/12/2024) đã ghi nhận hơn 317.000 trường hợp. Tokyo, Hokkaido, Osaka và Fukuoka là các khu vực có đông dân cư và có nhiều điểm du lịch, tập trung đông người là các địa bàn bị ảnh hưởng nhất của đợt bùng phát dịch cúm mùa hiện tại. Đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản hiện nay, chủ yếu do cúm A gây ra, nhưng vẫn còn nguy cơ bùng phát dịch do cúm B.
Trước đó, theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 7/1/2025, tại nhiều quốc gia ở Bắc bán cầu, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính có xu hướng gia tăng theo mùa vào thời điểm cuối năm do các tác nhân gây bệnh hô hấp như virus cúm mùa, RSV và các virus phổ biến khác như HMPV, mycoplasma pneumoniae.
Theo WHO, tỷ lệ mắc các hội chứng cúm (ILI) hoặc nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính (ARI) ở một số quốc gia ở Bắc bán cầu đã tăng lên trong những tuần cuối năm 2024 và vượt qua mức cơ sở theo mùa thông thường. Ngoài ra, theo kết quả giám sát cúm trên thế giới, bệnh cúm mùa cũng gia tăng ở nhiều quốc gia ở châu Âu (xuất hiện tất cả các phân nhóm của virus cúm), Bắc Mỹ (chủ yếu là cúm A), Trung Mỹ và Caribbean (chủ yếu là cúm A/H3N2), Tây Phi (chủ yếu là cúm B), Bắc Phi (chủ yếu là cúm A/H3N2), Đông Phi (chủ yếu là cúm B) và nhiều quốc gia ở châu Á (chủ yếu là cúm A/H1N1), phù hợp với xu hướng điển hình cho thời điểm cuối năm.
Bộ Y tế cho biết đang tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp phù hợp, kịp thời và cung cấp các thông tin đầy đủ, chính xác, không để xảy ra hoang mang, lo lắng, nhưng không chủ quan, lơ là trước các diễn biến của tình hình dịch bệnh, nhất là trong thời điểm hiện tại với thời tiết thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan; đồng thời cung cấp các khuyến cáo, thông điệp để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh hiệu quả.