4 món 'ngon miệng, hại thân' nhiều người vẫn ăn mỗi ngày
Một số loại thực phẩm dưới đây rất quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày nhưng sẽ gây nguy hại cho sức khỏe nếu ăn quá nhiều và thường xuyên.
Dưa cải, cà muối, măng tươi và khô, giá đỗ hay nội tạng động vật là những món ăn phổ biến trong mỗi bữa ăn của các gia đình. Tuy nhiên, những thực phẩm này có thể chứa chất nguy hiểm, gây hại sức khỏe nếu chế biến, bảo quản sai cách hoặc ăn quá nhiều.
Dưa cải, cà muối
Theo The Healthy, những thực phẩm chứa nhiều muối, lên men như dưa muối, cà muối, rau củ muối... chứa axit, khiến dạ dày và trực tràng bị tăng dịch, nồng độ axit, dẫn đến gây viêm và loét dạ dày.
Ngoài ra, dưa cà muối chứa một số chất bảo quản và hàm lượng nitrit cao. Hợp chất này kết hợp với các axit amin trong thực phẩm thường ăn như thịt, tôm, cá, chuyển thành nitrosamin - chất có khả năng gây ung thư dạ dày và đại trực tràng.
Bên cạnh đó, trong quá trình chế biến, nếu không bảo quản kỹ và để lên men quá lâu, dưa cà muối rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập, gây ngộ độc. Hàm lượng muối lớn có trong món ăn này cũng không tốt cho sức khỏe, có thể ảnh hưởng đến người bị cao huyết áp và suy thận.
Măng
Theo Eating Well, măng tươi và khô là món ăn phổ biến của mọi gia đình, từ nông thôn cho đến thành thị và hầu như được mọi người ưa thích. Tuy nhiên, măng chứa chất có độc tính tương tự sắn, là axit cyanhydric (HCN) nhưng hàm lượng cao hơn nhiều (khoảng trên dưới 300 mg/100 g tươi tùy từng loại măng). Hợp chất này có thể chuyển hóa thành xyanua nếu bạn ăn phải măng sống, chưa ngâm và đun sôi kỹ.
Cách chế biến măng tươi đúng cách, đề phòng ngộ độc:
Gọt vỏ măng để loại bỏ lớp vỏ cứng bên ngoài
Ngâm măng trong nước lạnh ít nhất 2-3 giờ
Thay nước ít nhất 2 lần
Luộc măng chín kỹ
Bảo quản măng trong nước muối hoặc để lạnh nếu không ăn hết để sử dụng sau.
Nếu bạn sử dụng măng khô:
Hãy ngâm trong nước ở nhiệt độ phòng trong 24 giờ
Nếu thời tiết nóng, hãy bảo quản măng trong tủ lạnh
Rửa sạch măng bằng nước vài lần
Cho vào một nồi nước lớn và nấu khoảng 5-10 phút sau khi nước sôi.
Rau mầm, giá đỗ
Rau mầm và giá đỗ sống, đặc biệt khi được bảo quản trong môi trường ẩm ướt, là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn gây hại như Salmonella, Listeria và E. coli phát triển. Việc nấu chín kỹ các loại rau này sẽ giúp loại bỏ mầm bệnh, giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo người già, trẻ nhỏ và những người có hệ miễn dịch suy yếu không nên ăn rau mầm sống mà cần luộc chín trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn. Vì vậy, hãy cân nhắc kỹ trước khi ăn sống rau mầm và giá đỗ trong các món như bánh mì hoặc salad.
Nội tạng động vật
Theo bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, tuy không chứa nhiều chất béo, nội tạng động vật lại rất giàu cholesterol. Vì vậy, những người mắc bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa, gout, huyết áp... nên hạn chế ăn nội tạng động vật. Nếu ăn, chỉ nên ăn một lượng ít.
Thức ăn nhiều chất béo và cholesterol là những yếu tố gây nên bệnh rối loạn chuyển hóa. Vì vậy, người mắc bệnh rối loạn mỡ máu cần hạn chế đồ ăn giàu cholesterol, nhất là nội tạng động vật.
Ngoài ra, nội tạng động vật chứa lượng phốt pho đáng kể. Tổ chức Thận Quốc gia Mỹ nhấn mạnh việc tiêu thụ thực phẩm giàu phốt pho có thể dẫn đến tích tụ phốt pho trong máu, gây tổn thương thận, đặc biệt ở những người có chức năng thận suy giảm.