'Sau Tết, sáng nào tôi cũng đánh vật gọi con dậy đi học'

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều trẻ không muốn đi học, hết ngủ dậy muộn lại ăn vạ, khóc lóc khiến phụ huynh đau đầu.

Ba ngày nay, hai cậu con trai sinh đôi đang học lớp 4 của chị Đặng Thị Thanh Huyền (34 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) vật vã, uể oải không muốn đến trường. Để kịp vào lớp lúc 7h30, chị buộc phải đánh thức con dậy từ 6h vệ sinh cá nhân và ăn sáng. Thế nhưng dù gọi thế nào các con cũng không dậy khiến chị phát cáu mỗi sáng.

"Tôi hò hét khản cả cổ, nhưng các con vẫn mắt nhắm mắt mở, không chịu dậy rồi lại đòi mẹ cho nghỉ học. Ngày Tết ở nhà thức khuya và ngủ nướng quen rồi nên đến khi đi học, sáng gọi cỡ nào chúng cũng cứ nằm ì. Đánh vật mãi thành ra mẹ muộn làm, con muộn học", chị nói.

Nữ phụ huynh kể, 9 ngày nghỉ Tết, hai con thường ngủ đến 9-10h sáng mới dậy. Năm nay, các con không phải làm bài tập về nhà dịp Tết, nên càng có thời gian vui chơi thả ga. "Người lớn còn uể oải sau Tết, huống hồ là trẻ nhỏ. Việc chia tay với những ngày lễ tuyệt vời để trở lại với việc dậy sớm, học bài và đến lớp quả là vấn đề khó khăn", nữ phụ huynh ngao ngán.

Cha mẹ chật vật cho con đi học sau kỳ nghỉ Tết. (Ảnh minh họa)

Cha mẹ chật vật cho con đi học sau kỳ nghỉ Tết. (Ảnh minh họa)

Chung hoàn cảnh, từ hôm mùng 6 Tết tới nay, sáng nào gia đình anh Phạm Anh Tuấn (35 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) cũng đánh vật đưa cậu con trai 5 tuổi đến lớp mầm. Mặc con gào khóc, vợ chồng anh người xách balo, người ôm vỗ về đưa con đến trường "bàn giao" cho cô giáo.

"Những ngày nghỉ Tết, con được cả nhà nuông chiều, ăn ngủ vô tội vạ. Khi bố mẹ nhắc chuẩn bị mai đi học thì con liền phản ứng ngay, mếu máo nói không muốn đi", anh Tuấn kể. Khi đưa con tới lớp, phụ huynh mới nhận ra rất đông các bạn nhỏ khác cũng khóc lóc ăn vạ đòi về hoặc nhõng nhẽo đòi cô bế. Không khí lớp học như ong vỡ tổ.

Ở góc độ học sinh, em Phạm Thái Sơn, học sinh lớp 11 tại Hà Nội chia sẻ, nghỉ Tết là quãng thời gian quý giá mà bản thân có thể tận dụng ngủ nướng đến trưa. Có hôm Sơn thức khuya tới 2h sáng để xem phim, chơi game và tán gẫu cùng bạn bè mà không cần nghĩ đến bài vở.

"Việc phải quay trở về guồng quay dậy sớm đi học, ôn tập bài vở khiến em chán nản, không hứng thú. Ngồi trong lớp nhiều khi em không tập trung, chỉ ước nay mới là ngày 28 Tết để được nghỉ tiếp", Sơn nói.

Cô Bùi Minh Diệp, giáo viên trường Mầm non Khương Đình (Hà Nội) cho rằng, dù các trường học đã quay lại với công việc học tập, giảng dạy, tuy nhiên phần lớn học sinh vẫn trong tâm trạng nghỉ Tết, không hứng thú.

Theo nữ giáo viên, trong những ngày đầu trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, không khó bắt gặp cảnh nhiều học sinh tới trường muộn giờ, thậm chí vắng mặt. Có em ngồi trong lớp mắt đỏ hoe vì ngái ngủ, ngáp ngắn ngáp dài. Nhiều trường hợp ra sức níu giữ ba mẹ không chịu vào lớp, khóc lóc ầm ĩ.

"Các em nghỉ dài, được vui chơi thoải mái thành ra quên lối sinh hoạt thường ngày. Lúc này, phụ huynh và giáo viên cần kiên nhẫn và tạo không khí tích cực để các con cảm thấy hào hứng, nhanh chóng bắt nhịp trở lại", cô Diệp nói.

Nhiều học sinh uể oải, chán học và không muốn đến trường sau kỳ nghỉ Tết. (Ảnh minh họa)

Nhiều học sinh uể oải, chán học và không muốn đến trường sau kỳ nghỉ Tết. (Ảnh minh họa)

Theo Th.S Nguyễn Thị Mai Anh, Phó viện trưởng Viện Tâm lý học Nhân văn, để xốc lại tinh thần học tập cho con trẻ, phụ huynh và thầy cô cần có biện pháp phù hợp với từng lứa tuổi, tâm lý.

Thay vì vội vàng thúc giục, phụ huynh cần khéo léo cùng con thực hiện các hoạt động để khởi lại hứng khởi như: điều chỉnh dần giờ giấc sinh hoạt, chuẩn bị sách vở đồ dùng, dọn dẹp góc học tập, trò chuyện với con về những điều thú vị khi quay lại trường như gặp lại bạn bè, thầy cô... những việc này sẽ giúp trẻ cân bằng cảm xúc và lấy lại tinh thần.

Đồng thời, bước vào những ngày học đầu tiên sau kỳ nghỉ, thầy cô không nên giao bài tập nặng nề, hay các kiến thức khó, khiến học sinh mệt mỏi, chán càng thêm chán, không muốn học. Thay vào đó, thầy cô hỏi thăm học sinh về kỳ nghỉ, tạo động lực học tập cho các em bằng cách tặng các phần quà như lì xì, sách, truyện thông qua câu hỏi ôn tập, củng cố kiến thức.

"Khởi động lại việc học nhẹ nhàng, vui vẻ giúp các em tự tin, lấy lại hứng thú học tập, muốn đến trường và hợp tác với thầy cô hơn. Kỳ nghỉ lễ vui vẻ nhưng không quên nhiệm vụ học tập là điều người lớn nên định hướng cho con em. Khi có sự phối hợp đồng điệu từ phụ huynh, thầy cô sẽ giúp các em quay lại trường với tâm thế tự tin, cởi mở và bắt nhịp tốt với tiến độ học tập sau Tết", Th.S Mai Anh nhấn mạnh.

Kim Nhung

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/sau-tet-sang-nao-toi-cung-danh-vat-goi-con-day-di-hoc-ar923562.html
Zalo