Chuyện về ông Dư Bài chòi
Cả đời gắn bó với tiếng trống, tiếng hô… rồi đến lời ca bả chạo, dân ca, ông không chỉ giữ gìn tinh hoa văn hóa cha ông mà còn góp phần truyền lửa đam mê cho nhiều thế hệ sau. Đó là nghệ nhân Nguyễn Dư (SN 1948), hay còn được biết đến với cái tên thân thuộc 'ông Dư Bài chòi', là gương mặt tiêu biểu của nghệ thuật Bài chòi dân gian của tỉnh Bình Định.
Sinh ra trong một gia đình làm nghề biển, ở làng chài bán đảo Phương Mai thuộc thôn Hải Đông, xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, ngay từ tuổi 12, ông Dư đã theo các bậc cao niên học hát Bài chòi chiếu. Những năm sau, tình yêu truyền thống đã dẫn lối ông vào thế giới tuồng cổ với các vở diễn kinh điển như Vạn Hoa Lầu, Tiết Nhơn Quý, Thoại Khanh – Châu Tuấn…

Trong không gian ấm cúng tại ngôi nhà riêng, ông Dư cất cao giọng hô ngẫu hứng, vỗ nhịp bằng tay theo từng câu điệu
Ngồi trong không gian ấm cúng tại ngôi nhà riêng, sống cạnh bờ biển Hòn Khô, trò chuyện với chúng tôi ông Dư nhớ lại: “Năm 1983, tôi gia nhập Đội nghệ thuật truyền thống xã Nhơn Hải, được nghệ sĩ ưu tú trong tỉnh dìu dắt, chuyên sâu cả tuồng cổ, hát dân ca và sân khấu đình đám”.
Và rồi những vai diễn để đời như Cao Hoài Đức (Đào Tam Xuân loạn trào), Tạ Ôn Đình(San Hậu Thành), Lão thuyền chài (Phụng Hoàng Anh)… đã khắc sâu dấu ấn ông trong lòng khán giả ở vùng biển quê nhà.
Những năm 1985, bên cạnh biểu diễn, ông Dư bắt đầu sáng tác, viết lời mới cho các làn điệu dân ca Bài chòi, khéo léo lồng ghép thông điệp ca ngợi Đảng, Bác Hồ, bảo vệ môi trường, biển đảo, ông còn âm thầm sưu tầm, chắt lọc ca dao, tục ngữ, hò về Bình Định, làm giàu kho tàng dân ca địa phương.
Kể tiếp hành trình đam mê Bài chòi, ông Dư chia sẻ: Năm 2012, khi hội đánh Bài chòi lần đầu được đưa vào Ngày hội Văn hóa - Thể thao miền biển TP Quy Nhơn, lúc đó tôi được giao trọng trách huấn luyện đội xã Nhơn Hải và giữ vai trò anh Hiệu “linh hồn” của hội chơi. Ngay lần đầu tham dự, đội của tôi giành giải Nhất và liên tục đạt thành tích cao ở các năm sau đó.
Ông còn cho biết, mới đây đạt giải Ba trong cuộc thi sáng tác câu Thai bài chòi do hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Định tổ chức.
Nhắc lại kỷ niệm lần đầu học Bài chòi chiếu, niềm xúc động trước sự đón nhận của lớp trẻ, cùng nỗi trăn trở khi những làn điệu xưa dần vắng bóng, giọng ông Dư trầm ấm, ánh mắt rạng ngời khi kể về hành trình qua các đình làng Bình Định để truyền dạy Bài chòi.
Rồi ông cất cao giọng hô ngẫu hứng, vỗ nhịp bằng tay theo từng câu điệu, tiếng nhịp trầm vang như dội về từ những mùa hội xa xưa.

Ông Nguyễn Dư tham gia trình diễn hô hát Bài chòi tại làng biển ở xã Nhơn Hải
Giữa không gian tĩnh lặng của buổi sáng biển Nhơn Hải, từng lời ca của ông vang lên mộc mạc, tha thiết, khiến chúng tôi cảm nhận rõ hơn sức sống mãnh liệt của di sản tưởng chừng giản đơn này.
“Mỗi khi gõ nhẹ lên mặt trống, tôi như nghe vọng về tiếng xưa, tiếng của cha ông, của bao thế hệ đã qua. Mỗi lời hô, mỗi câu Thai là một mảnh hồn quê hương còn đọng lại. Tôi mong các cháu hiểu được giá trị ấy, để giữ gìn, để lan tỏa,” ông Dư xúc động chia sẻ.
Đã 77 mùa xuân trôi qua, vẫn miệt mài sáng tác và dạy Bài chòi, nhưng ông Dư không khỏi lo lắng, trăn trở.
Trong làng giờ chỉ còn vài người lớn tuổi biết hát Bài chòi. Mai này tụi tôi không còn nữa, ai giữ lửa. Tôi mong muốn chính quyền quan tâm mở lớp truyền dạy nghệ thuật Bài chòi, rồi đến Bả chạo để thế hệ trẻ tiếp nối. Phải dạy để các cháu hát trong lễ hội cho bà con nghe, chứ bỏ thì uổng lắm
Nghệ nhân Nguyễn Dư
Ở cái tuổi xế chiều, khi mái tóc đã bạc theo những mùa trăng hội làng, tâm nguyện lớn nhất của ông Dư là được tận mắt chứng kiến Lễ hội Cầu ngư vạn chài Nhơn Hải – một nghi lễ linh thiêng gắn bó mật thiết với đời sống tín ngưỡng và sinh kế ngư dân, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Nhìn về hướng làng biển, ông bộc bạch: “Không chỉ riêng tôi mà cả cộng đồng làng biển Nhơn Hải đều mong mỏi điều ấy. Bởi đó không chỉ là lễ hội, mà còn là hồn vía của làng chài, là nơi Bài chòi, Bảo chạo, múa gươm… được cất lên đầy tự hào. Được công nhận, tức là được gìn giữ, được trao truyền cho con cháu mai sau”.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Văn Ngọc, Chi hội phó Văn nghệ dân gian, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Định cho biết: Nghệ nhân Nguyễn Dư xứng đáng là “di sản sống” của Bài chòi Nhơn Hải. Ông thành thạo tổ chức Hội đánh Bài chòi, làm anh Hiệu, trình diễn độc lập cả Bài chòi chiếu lẫn sân đình.

Chia sẻ hành trình đam mê Bài chòi với chúng tôi, ông Nguyễn Dư cho biết, năm 12 tuổi đã theo các bậc cao niên học hát Bài chòi chiếu
Khả năng sáng tác lời mới phục vụ tuyên truyền chính trị – xã hội cùng tinh thần truyền dạy giúp nghệ thuật dân gian này luôn sống động.
Hơn sáu thập kỷ bền bỉ với nghệ thuật truyền thống, dù không đi xa biểu diễn, ông Dư vẫn âm thầm gắn bó với từng mái đình, bãi biển quê hương.
Hình ảnh “Ông Dư Bài chòi” lặng lẽ hô hát, kiên nhẫn truyền dạy cho lớp trẻ, thấp thoáng trong tiếng trống rền vang và câu hô Bài chòi da diết, đã trở thành biểu tượng sống động cho sức sống bền bỉ của di sản văn hóa Bài chòi dân gian.