'Người chuột cống' ở Trung Quốc là ai?
Thuật ngữ mô tả lối sống 'năng lượng thấp' trở nên thịnh hành tại Trung Quốc. Những người trẻ theo đuổi trào lưu này ngủ triền miên, đặt đồ ăn về nhà và sống khép kín.

Ngủ triền miên, nằm trên giường cả ngày, từ bỏ khao khát thành công trở thành trào lưu của nhiều người trẻ Trung Quốc. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels.
Từ bỏ khát khao thành đạt, nhiều người trẻ Trung Quốc tìm thấy sự đồng điệu trong lối sống chậm và tự gọi mình là “người chuột cống”. Đây là một cụm từ lóng thu hút hàng tỷ lượt xem trên mạng xã hội tại xứ tỷ dân.
Khác với nhóm người trẻ sống kỷ luật, dậy sớm lúc 5h sáng, đến phòng gym và xử lý lịch trình dày đặc, “người chuột cống” chọn sống bên lề guồng quay năng suất. Họ dành cả ngày trên giường, gọi đồ ăn về, gần như không giao tiếp xã hội và không có mục tiêu rõ ràng trong cuộc sống, theo SCMP.
Trào lưu mạng xã hội
Thuật ngữ này bắt đầu lan rộng sau khi đoạn video ghi lại thói quen sinh hoạt uể oải của một cô gái trẻ đến từ tỉnh Chiết Giang được đăng tải hồi cuối tháng 2. Trong video, cô nằm trên giường suốt 3 tiếng sau khi thức dậy, vệ sinh cá nhân rồi ngủ tiếp thêm 5 tiếng.
Bữa ăn đầu tiên của cô diễn ra vào buổi tối khi được cha mẹ đánh thức. Nửa đêm, cô mới bắt đầu bóc gói hàng nhận từ tuần trước và tắm lúc 2h sáng.

Nhiều người trẻ chọn sống thu mình, nằm dài trên giường, coi đó là cách ứng phó với áp lực xã hội. Ảnh: Weixin.
Tự gọi mình là “người chuột cống”, cô gái ví cuộc sống thu mình của bản thân với một con chuột dưới cống ngầm. Đoạn video nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội với hơn 400.000 lượt thích và bình luận. Trong đó, một người viết: “Vlog chân thực nhất tôi từng xem”.
Một bình luận nổi bật khác thể hiện rõ tâm thế của những người thuộc trào lưu này: “Chúng tôi đã quá mệt mỏi với lối sống gọn gàng, hiệu quả và nhịp độ cao mà xã hội áp đặt. Chúng tôi chỉ muốn được tự do nằm xuống, bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu”.
Khái niệm “người chuột cống” gợi nhớ đến phong trào “nằm yên” (lying flat) từng bùng nổ tại Trung Quốc. Nhiều người trẻ theo đuổi lối sống này để phản ứng với áp lực xã hội.
Một phụ nữ họ Lin sống tại Bắc Kinh chia sẻ với SCMP rằng cô làm việc tại nhà, hạn chế giao tiếp với đồng nghiệp, sống bằng đồ ăn đặt về và dành cả cuối tuần để ngủ hoặc chơi game.
“Không cần thiết phải tỏ ra tràn đầy năng lượng hay tham vọng. Chúng tôi không sống để làm hài lòng ai cả. Chỉ cần thấy thoải mái là đủ”, cô nói.
Lối sống gây lo ngại
Tại Anh, du học sinh Trung Quốc cũng là một trong những nhóm dẫn đầu của trào lưu này. Trước thời tiết u ám và chi phí sinh hoạt cao, nhiều người chọn cách sống thu mình, tránh tiếp xúc xã hội để giữ gìn sức khỏe tinh thần và thể chất. Các bài viết về “người chuột cống” đã thu hút hơn 2 tỷ lượt xem trên mạng xã hội Trung Quốc.
Một nhân vật hoạt hình có tên “Chuột Bự” (Big Rat), do họa sĩ Sugar Xianbei sáng tạo, được xem là biểu tượng của trào lưu. Tính đến tháng 4, các sản phẩm ăn theo đã mang về hơn 1 triệu NDT (khoảng 140.000 USD) doanh thu.

Lối sống trốn tránh, thụ động của người trẻ Trung Quốc gây lo ngại. Ảnh minh họa: Sixth Tone.
Tuy nhiên, một số ý kiến bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực của lối sống này. Ông Zhang Yong, một nhân viên công tác xã hội tại tỉnh Hồ Bắc, cho biết hiện tượng “người chuột cống” phản ánh xu hướng rút lui khỏi xã hội của giới trẻ.
“Đây là cơ chế ứng phó mang tính thụ động sau khi trải qua nhiều thất bại. Họ chọn cách giảm giao tiếp và đơn giản hóa cuộc sống để phục hồi tinh thần”, ông nhận định. Song, ông cũng cảnh báo rằng việc sống như một “người chuột cống” không phải là lựa chọn bền vững.
“Sau khi nghỉ ngơi đủ, điều quan trọng là phải tái kết nối với những điều mình yêu thích và chủ động quay lại với cuộc sống”, ông nói.