Tri ân những gia đình có người hiến tạng

Trong khoảnh khắc đau thương tột cùng vì sắp mất đi người thân, 5 gia đình đã quyết định hiến tạng của người chết não để cứu sống nhiều người bệnh hiểm nghèo chỉ với mong muốn 'cho đi là còn mãi'.

Tại cuộc gặp gỡ tri ân và khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho thân nhân những gia đình có người hiến tạng tại tỉnh Phú Thọ vào sáng 19/4 do Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tổ chức nhiều câu chuyện xúc động đã được chia sẻ.

Truy tặng giấy khen cho người hiến tạng và tri ân 5 gia đình đã có nghĩa cử cao đẹp.

Truy tặng giấy khen cho người hiến tạng và tri ân 5 gia đình đã có nghĩa cử cao đẹp.

Vượt qua điều tiếng

Tại buổi tri ân, người mẹ trẻ Hà Thị Kim Cúc (trú tại huyện Tân Sơn, Phú Thọ) lẳng lặng ngồi dưới hội trường, đôi mắt đỏ hoe nhớ lại kỷ niệm về con trai khi chúng tôi hỏi thăm. Chị chia sẻ, sau 4 năm lấy nhau, vợ chồng chị mới có con trai đầu lòng và 11 năm sau sinh thêm con gái thứ hai. Chàng trai lớn lên hoạt bát, nhanh nhẹn, hòa đồng, chịu khó. Hôm đó là một ngày giữa tháng 10/2024, chị Cúc đang đi làm thì nhận được tin con bị tai nạn giao thông phải cấp cứu trong bệnh viện.

Người mẹ đau khổ tuyệt vọng khi nhận được kết quả con bị đa chấn thương rất nặng. Sau 5 ngày điều trị hồi sức tích cực, bệnh tình con ngày càng xấu đi. "Tôi đã cầu nguyện nhưng phép mầu không đến. Con được chẩn đoán chết não, bác sĩ vận động gia đình hiến tạng để cứu người bệnh hiểm nghèo khác. Trong giây phút đau đớn tột cùng đó, chúng tôi đã đưa ra quyết định hiến tạng của con chỉ với mong muốn hồi sinh sự sống cho người khác. Đây cũng là việc làm tốt cuối cùng của con để lại trên đời", người mẹ trải lòng.

Mặc dù ban đầu trong dòng họ có người đồng ý, có người không, nhưng chị Cúc tin là con sẽ đồng ý với quyết định hiến tạng của cha mẹ. Chàng thanh niên đã hiến tim, gan, thận cứu sống 4 người. Những ngày đầu hiến tạng của con, vợ chồng chị Cúc sống trong nỗi buồn chua xót vì những lời xì xầm bàn tán, nghi ngờ vợ chồng chị bán tạng con được hơn 1 tỷ đồng. "Lúc đó chúng tôi đau lòng lắm, nhưng mình luôn tâm niệm hiến tạng là để cứu người nên chúng tôi đã vượt qua. Sau này, dần dần mọi người cũng hiểu là mình hiến tạng để trao đời sự sống, không dị nghị nữa. Nhiều anh em còn đến nhà động viên chúng tôi, thấy được ý nghĩa cao đẹp của hiến tạng một số người còn ngỏ ý muốn hiến tạng sau khi qua đời", chị Cúc chia sẻ.

Khi quyết định hiến tạng của con, vợ chồng chị Cúc không biết những tạng đó được ghép cho bệnh nhân nào, ở đâu. Sau này, có 2 người được nhận trái tim và thận tìm đến nhà thắp hương, thăm hỏi, chị mới biết trái tim của con đang đập trong lồng ngực của em bé 11 tuổi ở Lạng Sơn và một người đàn ông ở TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Chị thấy vui vì quyết định của gia đình đã trao sự sống cho nhiều người, đặc biệt là đối với cháu bé được ghép trái tim, đang có sống một cuộc sống khỏe mạnh.

Giống như chị Cúc, khi nhận được kết quả con trai được chẩn đoán chết não do tai nạn giao thông, anh Hán Thành Chung (Tam Nông, Phú Thọ) cùng gia đình đã đồng ý hiến tạng của con. Tối 12/12/2024, con trai anh Chung là Hán Thành Nam (18 tuổi) bị tai nạn giao thông cách nhà 300m. Dù được cấp cứu và điều trị hồi sức tích cực, nhưng do chấn thương sọ não quá nặng, Nam được chẩn đoán chết não. "Hôm đó anh trai tôi ở viện trông cháu, sau khi được bác sĩ vận động hiến tạng, có nói lại với tôi và bảo tùy chú thím. Tôi cũng suy nghĩ, đắn đo và về nói với ông nội cháu. Ông bần thần rồi cũng đồng ý và ông là người đưa ra quyết định hiến tạng", anh Chung kể lại.

Có mặt tại lễ tri ân, ông Hán Văn Nhất (68 tuổi, ông nội của Nam) xúc động bày tỏ: "Cháu mất đi đối với chúng tôi là đau thương tột cùng. Nhưng trong lúc đau thương ấy, chúng tôi đã quyết định đúng đắn. Dù gia đình bị nhiều lời dị nghị đau đớn lắm, nói chúng tôi bán tạng cháu. Nhưng tôi nghĩ cho đi là còn mãi mãi, số phận cháu ngắn, cứu được ai thì nên cứu. Vì thế, tôi đưa ra quyết định hiến tạng cháu chỉ mong mỏi việc làm của gia đình mình có thể cứu nhiều sinh mệnh khác".

Nam đã hiến 2 giác mạc, 2 thận, tim, gan, cứu sống 6 người bệnh. "Tôi rất vui khi biết trái tim của con đã ghép và cứu sống một người bệnh suy tim. Giác mạc của con đã giúp hai người mù lòa sáng mắt. Chúng tôi cảm nhận con vẫn ở bên mình khi những người nhận tạng đang sống khỏe mạnh", anh Chung nói.

Vươn lên số 1 về tăng tỷ lệ hiến tạng chết não

Theo Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, nếu như năm 2023 trở về trước, Việt Nam nằm trong nhóm thấp nhất thế giới về tỷ lệ hiến tạng sau khi chết não, thì năm 2024, nước ta đã có tên trên bản đồ hiến tạng thế giới khi số ca hiến tạng sau chết não tăng 173% so với năm 2023. Chia sẻ về điều này, PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho biết, năm 2024, Việt Nam có 41 trường hợp chết não hiến tạng và đã vươn lên vị trí số 1 thế giới về tỷ lệ tăng nguồn hiến mô tạng từ người chết não năm 2024. Trong 4 tháng đầu năm 2025, cả nước có 27 trường hợp hiến tạng sau chết não. Gần đây nhất là trường hợp chết não tại TP Hồ Chí Minh, gia đình chưa cần được vận động đã tự nguyện hiến tạng cứu sống 7 người. Từ nước có tỷ lệ hiến tạng sau chết não thấp nhất Đông Nam Á, Việt Nam đã vươn lên ở vị trí dẫn đầu. Đây là sự nỗ lực từ rất nhiều phía, trong đó có công tác vận động, cũng như truyền thông để nâng cao nhận thức về ý nghĩa cao đẹp của hiến tạng đến người dân.

Tổ chức Y tế thế giới không khuyến khích ghép tạng từ người cho sống. Ghép tạng từ người chết não là giải pháp tối ưu cho những người bệnh hiểm nghèo đang mòn mỏi chờ tạng. Hiện nay, cả nước có hàng nghìn người đang chờ ghép tạng, nhưng tỷ lệ hiến tạng sau chết não vẫn còn rất ít ỏi, nhiều người bệnh đã không chờ đợi được tạng hiến. Ông Trần Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ cho biết, năm 2024, riêng tỉnh Phú Thọ đã vận động được 5 trường hợp chết não hiến tạng, cứu sống 24 người. Không chỉ tri ân nghĩa cử cao đẹp của những gia đình có người hiến tạng, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ đã tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho thân nhân của người hiến tạng. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ còn quyết định mỗi năm tối thiểu khám bệnh miễn phí 1 lần cho người thân trong gia đình và cấp thẻ BHYT cho tứ thân phụ mẫu của người hiến tạng.

Để tăng nguồn tạng hiến sau chết não, theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, vai trò của Giám đốc các bệnh viện trong công tác tuyên truyền vận động hiến mô, tạng là rất quan trọng. Có trường hợp bệnh nhân tử vong, gia đình đưa về, trên đường mới biết có thể hiến tạng nhưng đề nghị bệnh viện tỉnh phối hợp lấy tạng thì bị từ chối.

Hiện nay, mới chỉ một số bệnh viện thành lập được tổ tư vấn, cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho người vận động. Đặc biệt, cần phải sửa đổi Luật để tạo thuận lợi cho việc hiến tạng sau chết não, bảo vệ quyền lợi của người hiến và gia đình; có chính sách hỗ trợ chi phí cho quá trình hiến và ghép tạng cũng như vinh danh những gia đình hiến tạng của người thân sau chết não.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/tri-an-nhung-gia-dinh-co-nguoi-hien-tang-i765712/
Zalo