Ngư dân Quảng Nam 'thu về' hàng chục triệu đồng sau mỗi chuyến câu mực

Kết thúc mỗi chuyến biển, mỗi lao động trên tàu câu mực ở Quảng Nam đạt doanh thu 160 triệu đồng; sau khi trừ chi phí và 'chia lợi nhuận,' thu nhập đạt 40 triệu đồng/người.

Ngư dân sửa sang, vá lưới chuẩn bị cho chuyến đi biển. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)

Ngư dân sửa sang, vá lưới chuẩn bị cho chuyến đi biển. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam), ông Nguyễn Tấn Hùng cho biết sau hai chuyến biển dài ngày đầu năm nay, nhiều tàu câu mực của ngư dân địa phương có lãi lớn nhờ được mùa, giá thu mua mực khô ổn định, người lao động trên tàu câu mực có thu nhập khá.

Xã Tam Hải hiện có 22 tàu công suất lớn, với đầy đủ các trang thiết bị đi biển hiện đại, chuyên khai thác dài ngày ở vùng biển xa bờ; trong đó, có bốn tàu chuyên nghề câu mực.

Trong hai chuyến biển dài ngày đầu năm nay, mỗi chuyến kéo dài khoảng hai tháng, trung bình mỗi lao động trên tàu câu mực khai thác được 1 tấn mực khô.

Theo thời giá hiện tại, mực khô được thu mua với giá 160.000 đồng/kg, trị giá mỗi tấn mực khô đạt 160 triệu đồng. Như vậy kết thúc mỗi chuyến biển, mỗi lao động trên tàu câu mực đạt doanh thu 160 triệu đồng.

Sau khi trừ chi phí sản xuất gồm nhiên liệu, lương thực, thực phẩm thiết yếu, mỗi tấn mực khô đem về cho chủ tàu và người lao động 100 triệu đồng.

Chia lợi nhuận theo tỷ lệ 4/6, mỗi lao động trên tàu câu mực có thu nhập 40 triệu đồng/người/chuyến biển.

Nhờ có thu nhập khá, hiện tại đội tàu câu mực xa bờ của ngư dân xã đảo Tam Hải đang chuẩn bị nhiên liệu, lương thực, thực phẩm để thực hiện chuyến đi biển xa bờ thứ ba trong năm nay.

Cùng với nghề câu mực khơi, các nghề chủ lực của ngư dân Tam Hải là nghề lưới vây ánh sáng, lưới vây ngày.

Đội tàu làm nghề lưới vây ngày, lưới vây ánh sáng của ngư dân xã Tam Hải sinh hoạt chung trong Nghiệp đoàn nghề cá xa bờ, gồm 18 chiếc tàu có công suất lớn, chia làm hai tổ đoàn kết trên biển. Đây là lực lượng đóng góp lớn vào sản lượng hải sản khai thác hằng năm của địa phương.

Năm ngoái, ngư dân xã đảo Tam Hải khai thác được 3.520 tấn hải sản các loại, đạt tổng giá trị trên 92 tỷ đồng; trong đó, đội tàu đánh bắt xa bờ khai thác đạt 1.800 tấn.

Năm nay, đội tàu xa bờ của ngư dân Tam Hải đã đặt ra chỉ tiêu khai thác sản lượng hải sản bằng hoặc tăng hơn năm trước.

Huyện Núi Thành là địa phương có đội tàu xa bờ hùng mạnh nhất tỉnh Quảng Nam. Toàn huyện có trên 1.900 tàu thuyền các loại, với tổng công suất gần 222.000CV.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ngô Đức An cho biết hầu hết tàu có công suất lớn của ngư dân trong huyện đều được trang bị đầy đủ các phương tiện đi biển hiện đại như máy định vị, bộ đàm tầm trung, tầm xa, máy thăm dò cá.

Năm 2025, ngư dân Núi Thành phấn đấu khai thác đạt 51.000 tấn hải sản các loại, chiếm khoảng 48% tổng sản lượng hải sản khai thác của toàn tỉnh.

Kinh tế biển đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Nam. Vì vậy cùng với việc khuyến khích ngư dân nâng cao năng lực đi biển, tỉnh Quảng Nam đã và đang chú trọng việc nâng cấp hậu cần dịch vụ nghề cá nhằm gia tăng giá trị kinh tế sau mỗi chuyến biển.

Hiện tại khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá An Hòa kết hợp cảng cá Tam Quang (huyện Núi Thành) được nâng cấp, mở rộng trên vùng diện tích mặt nước rộng 140ha, dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão năm nay, đảm bảo chỗ neo đậu và cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá cho trên 1.200 tàu thuyền các loại.

Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá An Hòa kết hợp cảng cá Tam Quang hoàn thành còn góp phần tích cực trong việc truy xuất nguồn gốc thủy sản, góp phần gỡ bỏ thẻ vàng (IUU) do Ủy ban châu Âu đưa ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ngu-dan-quang-nam-thu-ve-hang-chuc-trieu-dong-sau-moi-chuyen-cau-muc-post1038833.vnp
Zalo