Ngọc Lặc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống
Thời gian qua, huyện Ngọc Lặc luôn quan tâm công tác giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của Nhân dân, xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng.

Lễ hội Mường Lập, xã Thạch Lập được người dân gìn giữ và phát huy.
Quang Trung là xã có hơn 86% đồng bào dân tộc Mường. Đây là một trong những xã tiêu biểu của huyện Ngọc Lặc quan tâm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Cùng với tiếng Mường được dùng trong giao tiếp hằng ngày, trang phục của phụ nữ Mường được sử dụng vào các dịp lễ, tết, xã còn thành lập câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ (VHVN) để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Theo đó, trên địa bàn xã có 11 câu lạc bộ, đội VHVN, hằng tháng tổ chức các buổi sinh hoạt truyền dạy cho các thành viên những làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Mường. Các câu lạc bộ, đội văn nghệ còn tích cực tham gia hội thi, hội diễn VHVN do các cấp tổ chức. Qua đó, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho Nhân dân, thúc đẩy phong trào văn nghệ của xã phát triển.
Phó Chủ tịch UBND xã Quang Trung Phạm Ngọc Biên cho biết: Để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, hằng năm xã đã xây dựng, triển khai kế hoạch bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Vận động Nhân dân, đặc biệt là những nghệ nhân, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ bản sắc văn hóa. Tổ chức nhiều hội thi, hội diễn, giao lưu VHVN, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, tạo động lực lan tỏa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng sâu rộng trong các khu dân cư.
Để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, huyện Ngọc Lặc đã ban hành kế hoạch bảo tồn di sản văn hóa giai đoạn 2020-2025, trong đó tập trung bảo tồn các di sản văn hóa tiêu biểu, di sản văn hóa có nguy cơ mai một. Xây dựng các đề án: “Bảo tồn, phát triển nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng huyện Ngọc Lặc giai đoạn 2021-2025”; “Phát triển du lịch huyện Ngọc Lặc đến năm 2030”; biên soạn cuốn Bách khoa thư du lịch Ngọc Lặc. Đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa của việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; tổ chức các hoạt động VHVN, trò chơi, trò diễn không chỉ trong dịp lễ, tết, ngày hội, mà còn ở các buổi sinh hoạt văn hóa ở các khu dân cư, cơ quan, trường học. Chú trọng tổ chức các lớp tập huấn về bảo tồn văn hóa truyền thống. Từ năm 2021 đến nay, huyện đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp bộ tổ chức 9 lớp tập huấn về bảo tồn văn hóa truyền thống.
Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các giá trị văn hóa truyền thống được Nhân dân trên địa bàn huyện giữ gìn và phát huy. Hiện, huyện có 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Trò diễn Pồn Pôông, nghệ thuật trình diễn xường giao duyên dân tộc Mường, nghệ thuật trình diễn dân gian sắc bùa của dân tộc Mường. Ngoài ra, nhiều loại hình văn hóa dân gian độc đáo của các dân tộc trên địa bàn huyện được bảo tồn, phát huy, như: Nghệ thuật trình diễn dân gian hát sắc bùa; ru ún (hát ru); tập quán xã hội và tín ngưỡng mo Mường; múa rùa, tết năm cùng, tết nhảy của dân tộc Dao. Huyện cũng duy trì và phát triển được nhiều hoạt động lễ hội đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: Lễ Rước nước trong lễ hội văn hóa - du lịch Bàn Bù; lễ dâng hương Trung Túc vương Lê Lai gắn với Lễ hội Lam Kinh; Lễ hội Mường Lập...
Hiện nay, huyện Ngọc Lặc đang tập trung phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường tại xã Thạch Lập. Cùng với đó, kết nối điểm du lịch cộng đồng Thạch Lập với Khu di tích lịch sử, danh thắng, không gian văn hóa hang Bàn Bù, đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai ở xã Kiên Thọ, đền thờ Lê Lâm ở xã Phùng Giáo... để phát triển du lịch tâm linh. Đây là hướng đi mới không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học, Thông tin huyện Ngọc Lặc Phạm Đình Cường cho biết: Những giá trị văn hóa truyền thống được đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện giữ gìn và phát huy. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tăng cường quản lý Nhà nước đối với việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức tự giác của người dân trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với quảng bá du lịch. Quan tâm, động viên, khuyến khích nghệ nhân, những người am hiểu văn hóa truyền thống tích cực tham gia trao truyền những giá trị văn hóa cho thế hệ trẻ.