Ngoài giấy phép kinh doanh, cần nhiều thủ tục để dạy thêm theo Thông tư 29

Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT có hiệu lực, một số địa phương ở Đắk Lắk nhộn nhịp người đi đăng ký kinh doanh nhưng có nơi 'bình chân như vại'.

Ngày 14-2, trao đổi với PLO, một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết tỉnh đang rà soát, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy định dạy thêm học thêm theo Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Nơi nộp nhịp, nơi đủng đỉnh

Ngày 14-2, Thông tư 29 của Bộ Giáo GD&ĐT chính thức có hiệu lực. Cùng ngày, nhiều người dân đã đến Trung tâm hành chính công (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) để làm hồ sơ, đăng ký hộ kinh doanh với ngành nghề: Giáo dục khác chưa được phân vào đâu (chi tiết: dạy thêm, học thêm). Mã ngành là 8559.

 Một giấy đăng ký kinh doanh theo được cấp cho người dân tại TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: T.T

Một giấy đăng ký kinh doanh theo được cấp cho người dân tại TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: T.T

Theo bà LAT, bà có bằng cấp sư phạm nhưng chưa tham gia giảng dạy ở trường nào. Hiện bà đăng ký đứng tên chủ hộ kinh doanh để sau này mở lớp dạy thêm, đồng thời hợp đồng cho người thân dạy thêm theo quy định của Thông tư 29.

“Hiện tôi đã được cấp giấy chứng nhận hộ đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, tôi cần làm nhiều thủ tục khác nữa mới được mở lớp dạy thêm, học thêm”, bà T nói.

Một cán bộ trực tiếp nhận, xử lý hồ sơ về lĩnh vực Tài chính tại trung tâm Hành chính công tỉnh Đắk Lắk, cho biết trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ, mỗi ngày có khoảng 8-10 hồ sơ đăng ký kinh doanh lĩnh vực giáo dục.

Tuy nhiên, sau Tết, số hồ sơ đăng ký kinh doanh lĩnh vực giáo dục tăng lên rất nhiều. “Sau Tết, chúng tôi tiếp nhận khoảng 30 bộ hồ sơ mỗi ngày. Mỗi hồ sơ kinh doanh lĩnh vực giáo dục đều được rà soát chặt chẽ, người đến đăng ký phải có đủ bằng cấp tương ứng”, cán bộ này nói.

Theo ông Lê Đình Dương, Phó trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch UBND TP Buôn Ma Thuột, hiện đơn vị đã tiếp nhận khoảng 400 hồ sơ thuộc lĩnh vực giáo dục. Trong đó, đã có khoảng 300 hồ sơ đã được rà soát để cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh với ngành nghề: Giáo dục khác chưa được phân vào đâu.

 Trưa 14-2, nhiều người dân vẫn chờ làm thủ tục tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: T.T

Trưa 14-2, nhiều người dân vẫn chờ làm thủ tục tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: T.T

Trái ngược với cảnh nhộn nhịp ở TP Buôn Ma Thuột, một số huyện khác của Đắk Lắk việc đăng ký hộ kinh doanh lĩnh vực giáo dục khá yên ắng.

Một lãnh đạo Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Krông Ana, cho biết hiện trên địa bàn chưa cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho cá nhân nào liên quan lĩnh vực giáo dục.

“Trên địa bàn chưa có ai đăng ký hộ kinh doanh để thực hiện dạy thêm theo Thông tư 29”, lãnh đạo này nói.

Tương tự, một lãnh đạo Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Krông Pắk, cho biết gần đây có vài người gọi điện, xin hướng dẫn để thực hiện đăng ký hộ kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục theo Thông tư 29.

Tuy nhiên, hiện chưa có hồ sơ chuyển lên và Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Krông Pắk chưa cấp bất kỳ giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh nào liên quan lĩnh vực giáo dục.

Còn bà bà Phan Thị Lý-Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk), cho biết đến nay đơn vị đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục cho 15 hộ dân.

Ngoài giấy phép còn nhiều thủ tục khác

Theo bà Lý, người đứng tên trong giấy phép kinh doanh thuộc lĩnh vực giáo dục phải có chuyên môn sư phạm nhưng không phải là giáo viên thuộc các trường công lập.

Do đó, Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Cư M’gar phối hợp chặt chẽ với Phòng GD&ĐT để rà soát, kiểm tra nếu đủ điều kiện thì mới tiến hành cấp phép.

 Một tiết học của học sinh tại TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: T.T

Một tiết học của học sinh tại TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: T.T

Còn ông Lê Đình Dương, Phó trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch UBND TP Buôn Ma Thuột, cho biết giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh chỉ là một trong số các thủ tục khi dạy thêm theo Thông tư 29.

“Sau khi cấp giấy chứng nhận hộ đăng ký kinh doanh, người dân phải thực hiện thêm một số thủ tục khác. Chúng tôi đã hướng dẫn người dân bổ sung thêm các thủ tục liên quan”, ông Dương nói.

Theo lời một giáo viên tại TP Buôn Ma Thuột, người đứng tên chủ hộ kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục bắt buộc phải có bằng cấp sư phạm. Ngoài giấy đăng ký kinh doanh, chủ hộ kinh doanh phải làm nhiều thủ tục khác liên quan đến vệ sinh, phòng cháy chữa cháy, cơ sở vật chất, các loại hợp đồng: thuê nhà, thuê giáo viên…

“Nhiều thủ tục, nhiều khâu phải làm nhưng hầu hết các thủ tục không quá phức tạp. Ngoài việc không được đứng tên chủ hộ kinh doanh dạy thêm, giáo viên trường công lập cũng không được dạy thêm học sinh của mình”, giáo viên này nói.

Liên quan đến Thông tư 29, ngày 14-2 một lãnh đạo Sở KH&ĐT tỉnh Đắk Nông xác nhận đã có văn bản hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện dạy thêm, học thêm đúng quy định.

Theo hướng dẫn của Sở KH&ĐT tỉnh Đắk Nông, hiện nay có các hình thức đăng ký kinh doanh như: Thành lập hộ kinh doanh cá thể; thành lập doanh nghiệp tư nhân…

Sở KH&ĐT tỉnh Đắk Nông cho biết giáo viên thuộc các trường công lập không được đăng ký hộ kinh doanh để dạy thêm ngoài nhà trường; không được thành lập và quản lý doanh nghiệp; không được thành lập, quản lý điều hành hợp tác xã.

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Đắk Nông, căn cứ theo các quy định, tổ chức, cá nhân có thể sử dụng mã ngành cấp bốn (bốn số) để đăng ký kinh doanh liên quan lĩnh vực giáo dục.

Trong đó, các mã ngành liên quan đến dạy thêm có thể tham khảo gồm: Giáo dục khác chưa được phân vào đâu, mã ngành 8559; Dịch vụ hỗ trợ giáo dục, mã ngành 8560; Giáo dục thể thao và giải trí, mã ngành 8551; Giáo dục văn hóa nghệ thuật, mã ngành 8552…

Sai phạm khi dạy thêm sẽ bị xử lý nghiêm

Liên quan việc thực hiện Thông tư 29, UBND huyện Cư M'gar vừa ban hành văn bản về việc quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm sau đăng ký thành lập trên địa bàn huyện.

Theo đó, ngoài việc giao rà soát, cấp phép kinh doanh, UBND huyện Cư M'gar đã có văn bản, giao bộ phận chuyên môn tăng cường kiểm tra công tác dạy học và chất lượng giáo dục; giám sát các quy định về dạy thêm, học thêm. Nếu phát hiện cơ sở dạy thêm sai phạm, phải có biện pháp xử lý nghiêm và công khai các trường hợp sai phạm.

Đồng thời, UBND huyện Cư M’gar giao ngành thuế kiểm tra, quản lý về thuế hộ kinh doanh, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh có hành vi vi phạm quy định về thuế.

TIẾN THOẠI

Nguồn PLO: https://plo.vn/ngoai-giay-phep-kinh-doanh-can-nhieu-thu-tuc-de-day-them-theo-thong-tu-29-post834345.html
Zalo