Ngôi nhà an toàn của trẻ thiệt thòi
Cà Mau hiện có khoảng 32.000 giáo dân, với hơn 30 linh mục phụ trách 24 giáo xứ và 11 điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung.
![Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật mồ côi Nhân Ái.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_181_51481092/eaeb83fbb1b558eb01a4.jpg)
Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật mồ côi Nhân Ái.
Nhiều năm qua, đồng bào Công giáo luôn sống “tốt đời đẹp đạo”, tích cực tổ chức các hoạt động thiện nguyện, nổi bật là việc thành lập Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật mồ côi Nhân Ái, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài đạo.
Dạy trẻ bằng tình yêu thương
Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật mồ côi Nhân Ái tọa lạc tại phường Tân Xuyên, TP Cà Mau, là cơ sở từ thiện Công giáo được thành lập với mục tiêu chăm sóc và giáo dục trẻ em khuyết tật khiếm thính và tự kỷ trên địa bàn. Hiện trung tâm chăm sóc, nuôi dạy hơn 70 em, từ lớp dự bị (mẫu giáo) đến lớp 5. Các em được tổ chức học nội trú, riêng những em có nhà ở gần thì học bán trú.
“Dạy trẻ bình thường đã cực, dạy trẻ khuyết tật sẽ cực hơn rất nhiều lần, đặc biệt là vào những ngày thời tiết nóng bức, trẻ sẽ la hét, quấy khóc và không hợp tác với giáo viên trong quá trình học làm cho việc giảng dạy càng khó khăn hơn. Khi ấy tình yêu thương và lòng bao dung của người thầy chính là liều thuốc giúp các em bình tâm và ổn định tâm lý”, cô Phạm Thị Thiên Kim nói.
Sơ Vũ Thị Tươi, Phó Giám đốc trung tâm cho biết, cơ sở vật chất tại đây đã được đầu tư khang trang, đáp ứng tốt việc nuôi dạy và chăm sóc trẻ. Các phòng học đều được lắp đặt màn hình tivi. Giáo viên thường xuyên được tập huấn về công nghệ thông tin và nâng cao trình độ chuyên môn để giảng dạy hiệu quả, đặc biệt là với trẻ khuyết tật, tự kỷ. Ngoài học tập, các em còn được tham gia hoạt động vui chơi, giải trí, sinh hoạt ngoại khóa để cải thiện sức khỏe và hòa nhập cộng đồng.
Gắn bó với trung tâm suốt 15 năm trong vai trò giáo viên, cô Lê Thị Cam chia sẻ, ban đầu tiếp nhận lớp học, thực hiện việc giảng dạy cô gặp nhiều khó khăn vì chưa hiểu ngôn ngữ ký hiệu của các em. Nhưng qua thời gian tiếp xúc và được đào tạo, cô dần thích nghi.
“Dạy trẻ ở đây cần phải dạy bằng cái tâm. Nếu chỉ nghĩ đến lương bổng hay ngại khó khăn thì không thể gắn bó lâu dài. Giáo viên phải xem các em như con, cháu trong gia đình, hiểu hoàn cảnh của từng em và tạo sự gần gũi, gắn kết.
Khi thầy cô hiểu các em muốn gì, cần gì thì mới có thể hỗ trợ tốt cho chúng trong học tập và cuộc sống. Trẻ ở đây khả năng tiếp thu rất khác nhau, giáo viên phải điều chỉnh phương pháp phù hợp, chứ không thể ép các em học theo một khuôn khổ chung được”, cô Cam chia sẻ.
Cô Phạm Thị Thiên Kim đã có 13 năm giảng dạy tại trung tâm, hiện dạy lớp dự bị. Trong lớp cô Kim có nhiều trẻ hơn 10 tuổi, thậm chí gần 20 tuổi, nhưng mới được phụ huynh đưa đến học lớp dự bị 1 (tương đương lớp mầm).
“Nhiều phụ huynh vẫn chưa có nhận thức đúng về trẻ tự kỷ, dẫn đến bỏ lỡ “thời gian vàng” để can thiệp sớm, khiến việc hồi phục của trẻ đã khó lại càng trở nên khó khăn hơn. Với những em lớn tuổi mới vào học, khả năng tiếp thu thường rất chậm. Dù vậy, chúng tôi vẫn luôn kiên trì, cố gắng hết mình để các em biết mặt chữ, biết đọc, dù khả năng học lên lớp cao là rất khó”, cô Kim bày tỏ.
![Cô Lê Thị Cam dùng ký hiệu ngôn ngữ giao tiếp với học trò.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_181_51481092/1de273f241bca8e2f1ad.jpg)
Cô Lê Thị Cam dùng ký hiệu ngôn ngữ giao tiếp với học trò.
![Cô Phạm Thị Thiên Kim hướng dẫn trò học qua hình ảnh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_181_51481092/895de54dd7033e5d6712.jpg)
Cô Phạm Thị Thiên Kim hướng dẫn trò học qua hình ảnh.
Ước mơ của trẻ khuyết tật
Khi giáo viên xem học trò như con, cháu trong gia đình, thì ngược lại, các học trò ở Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật mồ côi Nhân Ái cũng coi các thầy, cô như cha mẹ thứ hai của mình.
“Con rất quý cô giáo, vì cô dạy con biết chữ. Con sẽ cố gắng học ngoan và không quậy phá. Con muốn học để sau này làm kỹ sư xây dựng cầu đường giống như cha con”, Võ Thị Thiên Di, 14 tuổi, dù chỉ mới học lớp dự bị 1, hồn nhiên chia sẻ.
Cùng học lớp dự bị với Thiên Di, Nguyễn Thị Kiều My, 19 tuổi, thông qua ngôn ngữ ký hiệu, cho biết: “Ở trung tâm vui hơn ở nhà, em được vui chơi cùng các bạn. Cô giáo vừa dạy vừa chăm sóc em rất nhiệt tình, em luôn xem cô như mẹ, rất nhớ mỗi khi xa cô lâu ngày”.
Mã Gia Phú, 13 tuổi, học lớp 4, tâm sự: “Em rất thích học và mong muốn học để sau này biết tính toán làm nghề mua bán tôm, nối nghiệp gia đình”.
Cô Lê Thị Cam, giáo viên tại trung tâm tâm sự: “Thương các em lắm, dù bệnh tật, khiếm khuyết, nhưng các em rất lễ phép, chăm học và biết bày tỏ sự quan tâm tới thầy cô. Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 hay ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, các em lớp lớn đã tự làm thiệp chúc mừng cô hoặc khi cô bước vào lớp, các em biết dùng ngôn ngữ ký hiệu chúc mừng. Những khi nghỉ hè hay nghỉ Tết, trở lại trường, vừa vào lớp các em đã chạy ra ôm chầm lấy cô. Chính tình cảm đó đã tạo thành động lực để tôi gắn bó với trung tâm đến nay”.
Sơ Vũ Thị Tươi đánh giá rất cao tinh thần làm việc tâm huyết và đầy trách nhiệm của đội ngũ giáo viên ở trung tâm. Dù gặp nhiều khó khăn trong giảng dạy trẻ khuyết tật, đặc biệt là trẻ tự kỷ, nhưng các giáo viên luôn nhiệt tình và chịu khó học hỏi.
“Khi đã làm việc tại trung tâm, ngoài kỹ năng sư phạm, các giáo viên cần có tình yêu bao la đối với trẻ khuyết tật. Phải xem sự thiệt thòi, bệnh tật của các em là trách nhiệm của bản thân mình, từ đó đồng cảm, yêu thương và hỗ trợ các em hết mức có thể. Ngoài dạy chữ, giáo viên còn rèn luyện cho các em về mặt đạo đức, theo dõi sức khỏe của các em trong suốt quá trình học tập. Những người thiếu kiên nhẫn, không chịu khó và thiếu lòng nhân ái sẽ khó trụ được lâu dài với công việc này”, sơ Vũ Thị Tươi khẳng định.
![Một tiết học của học sinh lớp dự bị tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật mồ côi Nhân Ái.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_181_51481092/6d220032327cdb22826d.jpg)
Một tiết học của học sinh lớp dự bị tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật mồ côi Nhân Ái.
![Một học sinh khiếm thị thể hiện năng khiếu vẽ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_181_51481092/41653375013be865b12a.jpg)
Một học sinh khiếm thị thể hiện năng khiếu vẽ.
Hướng nghiệp, dạy nghề cho học trò
Nhận thức được khả năng học tập lên cao của trẻ khiếm thính và tự kỷ là rất hạn chế, Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật mồ côi Nhân Ái không chỉ dạy văn hóa mà còn mở rộng các hoạt động hướng nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, in lụa, sản xuất nước đóng chai, vật lý trị liệu và các lớp nghề như đan móc, may, làm hoa, nước rửa chén… nhằm giúp các em có một tay nghề để có thể tự nuôi sống bản thân và hòa nhập với gia đình, xã hội.
Cô Nguyễn Thị Mỹ Xuân, giảng viên bộ môn Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, chia sẻ: “Khi dạy nghề cho các em, lúc đầu tôi cũng gặp khó khăn trong việc giao tiếp, chưa hiểu ngôn ngữ của các em.
Nhưng khi hiểu rồi, tôi nhận thấy các em tiếp thu rất nhanh. Hầu hết các em rất chăm chỉ và siêng năng trong học tập. Dù thời gian dạy nghề không nhiều nhưng nhiều em đã biết vẽ, nếu chịu khó rèn luyện thêm, các em sẽ vẽ rất đẹp”.
Theo sơ Vũ Thị Tươi, trung tâm đa dạng nghề để giúp các em không chỉ có thêm thu nhập trong quá trình học mà còn có cơ hội lựa chọn nghề phù hợp khi ra trường, có thể tự nuôi sống bản thân.
“15 năm qua, trung tâm đã giúp hơn 70 trẻ ra ngoài làm nghề tự nuôi sống bản thân, nhiều em lương gần 8 triệu đồng/tháng và đã có 5 em lập gia đình. Đặc biệt, có 4 em được công nhận nghệ nhân điêu khắc với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng. Hy vọng trung tâm sẽ ngày càng phát triển để nuôi dạy thêm nhiều trẻ kém may mắn, giúp các em hòa nhập cộng đồng”, sơ Tươi tâm sự.
Anh Lê Pha Lil, một học sinh từng học tại trung tâm và nay trở thành nghệ nhân điêu khắc, chia sẻ: “Cũng nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của các sơ, cán bộ và giáo viên ở trung tâm mà em có được cái chữ trong đầu, có cái nghề trong tay và tìm được công việc ổn định. Trung tâm như ngôi nhà thứ hai của em.
Dù không còn sinh sống ở đây nhưng mỗi khi có sự kiện quan trọng hoặc có thời gian, em vẫn trở về thăm các sơ cùng thầy, cô và hỗ trợ các em khuyết tật tại đây trong điều kiện và khả năng có thể của mình...”.
“Trung tâm sẽ tiếp tục phát huy tính nhân đạo từ thiện xã hội, nuôi dạy và giáo dục trẻ em khuyết tật, khiếm thính, tự kỷ với tinh thần “Tất cả vì các em khuyết tật, tự kỷ thân yêu” giúp các em sớm phục hồi, hòa nhập cộng đồng, có việc làm ổn định để có thể tự nuôi sống bản thân. Đồng thời tích cực cùng các ngành, các cấp, tổ chức và cá nhân, cộng đồng xã hội hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các em, để ngày càng lan tỏa yêu thương, góp phần vun đắp, tô thắm thêm truyền thống nhân văn, nhân đạo của dân tộc, thúc đẩy tỉnh Cà Mau ngày càng phát triển”, Linh mục Nguyễn Văn Vinh, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Cà Mau, Giám đốc Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật mồ côi Nhân Ái cho hay.