Để con không sa bẫy 'việc nhẹ, lương cao', cần giáo dục từ phía gia đình
Mong muốn tự chủ tài chính, tìm được công việc nhẹ nhàng với mức thu nhập cao, nhiều học sinh, sinh viên đã gặp những rủi ro, thậm chí là mất tích khi tìm kiếm các công việc trên mạng Internet. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo, các gia đình cần có sự quan tâm, hướng dẫn các em tránh khỏi những nguy hiểm tiềm ẩn trên không gian 'ảo'.
![Tuyển nhân viên “việc nhẹ, lương cao” đang là một “mồi câu” béo bở của những kẻ xấu trên không gian mạng. (Ảnh: ST)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_207_51480858/00421b492907c0599916.jpg)
Tuyển nhân viên “việc nhẹ, lương cao” đang là một “mồi câu” béo bở của những kẻ xấu trên không gian mạng. (Ảnh: ST)
Hiểm họa từ công việc “trôi nổi” trên mạng
Trước Tết Nguyên đán, vụ việc nữ sinh viên tên H, học năm thứ 4 tại một trường đại học ở TP HCM, mất tích đã khiến cộng đồng vô cùng lo lắng.
Tết năm nay, nữ sinh viên có ý định ở lại thành phố làm việc kiếm thêm thu nhập. H đã chủ động gọi điện thông báo với gia đình vào ngày 27 tháng Chạp (tức ngày 26/1). Tuy nhiên, sau đó, gia đình nhiều lần liên lạc cho H nhưng không được. Lo lắng, gia đình H đến ký túc xá tìm thì được biết nữ sinh viên đã rời ký túc xá từ ngày 21/1. Gia đình nhanh chóng đến cơ quan công an trình báo vụ việc và đăng tải thông tin tìm kiếm trên mạng xã hội.
Cơ quan chức năng đã tìm thấy nữ sinh viên sau quá trình phối hợp với cơ quan xuất nhập cảnh tại Quảng Châu (Trung Quốc). Tổng lãnh sự quán Việt Nam đã liên hệ với gia đình, thông báo về tình hình của H và hỗ trợ các thủ tục cần thiết để đưa nữ sinh về đến Việt Nam vào ngày 9/2.
Không chỉ sinh viên, ngay cả học sinh phổ thông hiện nay cũng đang là đối tượng mà nhiều kẻ gian nhắm tới. Mới gần đây, một nữ sinh lớp 11 sinh sống ở Sơn La đã bỏ nhà đi cùng với một nam thanh niên mới quen trên mạng xã hội, hiện nay gia đình vẫn chưa có thông tin liên lạc của em. Hay trước Tết Nguyên đán, một nam sinh lớp 9 đã bỏ nhà đi với những sự chuẩn bị vô cùng “tinh vi” như hóa trang, bán điện thoại lấy tiền mua vé xe...
Trong bối cảnh số lượng lớn thanh, thiếu niên ở Việt Nam đang dùng mạng Internet như hiện nay, các em rất dễ gặp các nguy hiểm tiềm ẩn trên mạng xã hội. Mà một trong số đó, là việc bị dụ đi làm những “công việc nhẹ, lương cao” ở nước ngoài. Mong muốn có nguồn thu nhập, không phải phụ thuộc vào bố mẹ, được chứng tỏ khả năng với bạn bè, người thân, rất nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra.
Gia đình cần bồi dưỡng kỹ năng quản trị rủi ro cho con em
Trao đổi với phóng viên, Thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng Khuất Thị Hoa, giảng viên Trường Đại học FPT (Hà Nội) nhận định, thanh, thiếu niên về mặt sinh học đã có độ trưởng thành nhất định, tuy nhiên về tâm, sinh lý các em còn rất nhiều suy nghĩ bồng bột, nổi loạn. Sâu thẳm bên trong các em có mong muốn được tự lập sớm. Nhưng phần lớn học sinh, sinh viên đều chưa có đủ khả năng để độc lập tài chính. Các em trở thành đối tượng dễ bị những kẻ xấu nhắm vào và dùng những chiêu trò, lời đường mật dụ dỗ, lừa sang làm công việc khổ cực ở nước ngoài. Ngoài ra, ở lứa tuổi học sinh, sinh viên các em đang bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố như mạng xã hội, phim ảnh, âm nhạc, video ngắn... với những hình ảnh hào nhoáng, đẹp đẽ. Một bộ phận lớn thanh, thiếu niên sống trong các gia đình quản lý quá mức chặt chẽ hoặc bố mẹ, người thân thiếu kết nối với các em, khiến học sinh, sinh viên tìm đến không gian “ảo” để trò chuyện, tâm sự. Đây chính là cơ hội để những kẻ lạ mặt trở thành chỗ dựa, những người bạn thân thiết của các em.
Trong xã hội hiện đại, khi điều kiện vật chất ngày càng tốt lên, đời sống của các gia đình được nâng cao, thì đời sống tinh thần đang có xu hướng giảm sút, một bộ phận người lớn không còn nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc con cái thường xuyên. ThS Khuất Thị Hoa đưa ra lời khuyên, mỗi gia đình cần có sự phân chia, sắp xếp, để bố mẹ (hoặc ông bà) có thể dành thời gian mỗi ngày hoặc một tuần từ 3 - 4 lần đưa các em đi chơi, tâm sự, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và trò chuyện với học sinh, sinh viên. Đặc biệt, mỗi gia đình nên dành thời gian hướng dẫn thanh, thiếu niên cách quản trị rủi ro, nhận thức mối nguy hiểm từ không gian “ảo” trên mạng. Nếu các em có mong muốn trải nghiệm việc đi làm, phụ huynh nên hỗ trợ, hướng dẫn học sinh, sinh viên tìm những công việc phù hợp với độ tuổi và năng lực của bản thân.