Nghiệp đoàn của những người lao động áo xanh

Một nghiệp đoàn vô cùng đặc biệt, nghiệp đoàn của những người lao động đa số mặc áo xanh, đang hàng ngày chạy xe công nghệ trên đường. Đó chính là nghiệp đoàn của những tài xế xe công nghệ TP Đà Lạt.

Ra mắt Ban Chấp hành Nghiệp đoàn Tài xế xe công nghệ Đà Lạt nhiệm kì 2025-2028

Ra mắt Ban Chấp hành Nghiệp đoàn Tài xế xe công nghệ Đà Lạt nhiệm kì 2025-2028

LẦN ĐẦU TIÊN CÓ TẬP THỂ

Chị Nguyễn Trần Phương Thảo, một tài xế xe công nghệ lâu năm nhắc lại, lần đầu tiên anh em tài xế xe công nghệ và shipper có tập thể, đi bệnh viện được công đoàn tới thăm hỏi. Là người gắn bó với nghề, chuyên hỗ trợ anh em tài xế, chị Thảo có kinh nghiệm không ít về nghề: “Làm shipper thì chạy một mình, cái gì cũng tự lo, đau bệnh cũng thế. May mắn, năm 2024 chúng tôi thành lập được nghiệp đoàn và đến hôm nay, anh em shipper có một tập thể để chia sẻ về nghề, về công việc”. Chị Phương Thảo là một trong những thành viên tích cực vận động thành lập Nghiệp đoàn tài xế xe công nghệ Đà Lạt.

“Ban đầu chúng tôi được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Đà Lạt vận động tham gia nghiệp đoàn, cũng không nhiều anh em tham gia. Vì mọi người quen làm việc cá nhân, không có tập thể rồi. Vận động mãi mới được 49 người tham gia nghiệp đoàn. Không ngờ chỉ sau 1 năm, nghiệp đoàn hoạt động hiệu quả nên anh chị em đăng kí tham gia đông đảo hơn, hiện đã có 135 thành viên”, chị Phương Thảo rất tự hào.

Bà Đinh Thị Thùy Dương - Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Lạt, Chủ tịch Nghiệp đoàn Tài xế xe công nghệ Đà Lạt cũng nhắc lại, ban đầu khi thành lập nghiệp đoàn cũng còn nhiều khó khăn. Vì nghiệp đoàn là mô hình mới, Lâm Đồng chưa có kinh nghiệm thành lập cũng như mô hình hoạt động. “Tuy nhiên, chúng tôi xác định vì quyền lợi của người lao động, kể cả khu vực lao động tự do nên đã vận động anh chị em tham gia nghiệp đoàn, vừa làm vừa điều chỉnh hoạt động. Từ thực tế, nghiệp đoàn đã thu hút đông đảo người lao động và mang lại được nhiều quyền lợi cho anh chị em”, bà Thùy Dương cho biết.

THU HÚT NGƯỜI LAO ĐỘNG TỰ DO BẰNG HOẠT ĐỘNG THỰC TIỄN

“Cũng như các tổ chức Công đoàn khối doanh nghiệp, chúng tôi xác định thu hút anh chị em bằng các hoạt động thực tiễn, không chỉ bằng lời nói”, bà Định Thị Thùy Dương cho biết. Trong suốt 1 năm hoạt động, Nghiệp đoàn phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đoàn viên về các chủ trương, chính sách, pháp luật; các quy định về pháp luật như: Luật Giao thông đường bộ, Luật Bảo hiểm xã hội, công tác khai thác thông tin xử lý tin mạng, từ đó tạo đoàn kết, hỗ trợ nhau trong hoạt động và đời sống; bảo vệ quyền lợi khi xảy ra tranh chấp trên đường, sự cố, rủi ro, tai nạn.

Nghiệp đoàn ký kết chương trình thỏa thuận hợp tác phúc lợi đoàn viên với Công ty TNHH Ngọc Anh Lâm Đồng thay nhớt miễn phí định kỳ, điểm hỗ trợ cho tài xế thuộc nghiệp đoàn đến sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng. Đồng thời, nhà tài trợ còn tặng quà, bảo hiểm bắt buộc xe gắn máy cho anh chị em, là nguồn động viên rất lớn để anh chị em vững tay lái.

Anh Phan Minh Đức, thành viên nghiệp đoàn cho biết, trước đây, anh chị em tài xế cũng có các nhóm để chia sẻ thông tin, hỗ trợ nhau nhưng từ khi tham gia nghiệp đoàn, sự hỗ trợ trở nên chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn. Khi anh chị em đau ốm, nằm viện cũng có nghiệp đoàn thăm hỏi, điều anh chưa từng thấy khi làm lao động tự do. Vừa qua, trong hội thao của LĐLĐ thành phố, nghiệp đoàn tài xế cũng tham gia nhiệt tình trong bộ môn bóng đá nam, là ngày vui với thành viên của nghiệp đoàn. Anh chị em tài xế cũng tham gia các hoạt động chung như: trồng cây gây rừng, đi bộ dọn vệ sinh…, những hoạt động thúc đẩy tinh thần đoàn kết của anh chị em.

Bà Đinh Thị Thùy Dương đánh giá: “Nghiệp đoàn Tài xế xe công nghệ Đà Lạt vừa chính thức đại hội, đề ra phương hướng hoạt động cho nhiệm kì 2025 - 2028. Cơ bản hoạt động Nghiệp đoàn Tài xế xe công nghệ Đà Lạt trong thời gian qua đã gần gũi, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của người lao động, tạo được niềm tin và tinh thần phấn khởi cho đoàn viên. Chúng tôi xác định, tranh thủ mọi nguồn lực để tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho anh chị em trong thời gian tới”.

Điều trăn trở của người làm công tác Công đoàn, theo bà Thùy Dương, vẫn là vấn đề cơ chế: “Nghiệp đoàn hoạt động còn nhiều khó khăn vì thực tế hiện nay chưa có quy định tại Điều lệ Công đoàn Việt Nam về tổ chức, hoạt động của nghiệp đoàn; hướng dẫn cụ thể về mô hình hoạt động và kinh phí, nên hoạt động của nghiệp đoàn vẫn còn nhiều hạn chế. Chúng tôi không có nguồn để hỗ trợ, động viên, tặng quà khi đoàn viên nghiệp đoàn bị nạn, gặp rủi ro hoặc những khó khăn khác trong cuộc sống vì chưa có quy định, cơ chế hỗ trợ đoàn viên nghiệp đoàn, chủ yếu vẫn là vận dụng nguồn Công đoàn và nguồn hỗ trợ của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tích cực hoạt động và khẳng định vai trò hạt nhận của Công đoàn với người lao động khu vực tự do, thu hút anh chị em vào mái nhà chung Công đoàn”.

DIỆP QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/doi-song/202505/nghiep-doan-cua-nhung-nguoi-lao-dong-ao-xanh-3846e05/
Zalo