Kinh tế tư nhân với bộ ba chính sách đẩy

Những chuyển động chính sách gần đây phản ánh tầm nhìn chiến lược trong việc tái cấu trúc mô hình tăng trưởng quốc gia, với khoa học công nghệ và kinh tế tư nhân được xác định là hai trụ cột chủ lực.

Nhà nước khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào các dự án chiến lược và công trình trọng điểm quốc gia

Nhà nước khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào các dự án chiến lược và công trình trọng điểm quốc gia

Ưu tiên doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp tiên phong

Tuần qua, thông tin về việc Công ty VinSpeed đăng ký đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam được lan truyền rộng rãi trong cộng đồng đầu tư.

Theo đó, dự án có vốn đầu tư khoảng 1,562 triệu tỷ đồng (tương đương 61,35 tỷ USD), không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng. VinSpeed đề xuất, 80% vốn đầu tư vay Nhà nước, không tính lãi suất trong vòng 35 năm; doanh nghiệp sẽ tự thu xếp 20% vốn đầu tư còn lại.

Để đảm bảo một phần nguồn thu hoàn trả cho Nhà nước, VinSpeed sẽ hợp tác với Vingroup và Vinhomes phát triển các đô thị hiện đại, đầy đủ tiện ích tại các vị trí phụ cận với các ga đường sắt.

Trong thông báo của Văn phòng Chính phủ sau cuộc họp ngày 12/5/2025 do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì có đề cập, các bộ, cơ quan có ý kiến ban đầu cơ bản ủng hộ đề xuất đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam của VinSpeed.

Phó Thủ tướng yêu cầu VinSpeed chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ phương án đầu tư, lập bản so sánh 2 phương án đầu tư giữa Nhà nước và tư nhân. Trong đó, làm rõ tính khả thi, tiến độ hoàn thành, hiệu quả đầu tư…, từ đó chứng minh những ưu điểm khi tư nhân đầu tư như nhanh hơn, rẻ hơn, hiệu quả hơn.

Nghị quyết của Chính phủ về Đề án này sẽ được tổng hợp để trình Quốc hội tại kỳ họp đang diễn ra. Nếu được thông qua, phương án đầu tư công “dự án thế kỷ” sẽ chuyển sang đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), bước đầu hiện thực hóa chủ trương lớn của Nghị quyết 68-NQ/TW năm 2025, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào các dự án chiến lược và công trình trọng điểm quốc gia (đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, công nghiệp mũi nhọn…).

Cũng trong tuần qua, thảo luận của Quốc hội về Nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân được giới kinh doanh đặc biệt quan tâm, khi Chính phủ đề xuất 2 chính sách hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong: một là, đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu thực hiện dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội; hai là, hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu.

Nhìn rộng hơn, giới lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá cao 3 Nghị quyết của Bộ Chính trị ban hành gần đây nhằm tạo đột phá cho nền kinh tế Việt Nam bao gồm Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân.

Với 3 nghị quyết này, khoa học công nghệ và kinh tế tư nhân được đặt làm hai trụ cột chủ lực, thể hiện tư duy xoay trục của kinh tế Việt Nam.

Dưới góc nhìn của ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị SHB, tư tưởng cải cách, đổi mới đang được thể hiện rõ nét qua chính sách, có thể tạo ra động lực bứt phá mạnh mẽ cho khu vực kinh tế tư nhân. Đặc biệt, việc tinh gọn bộ máy, giảm các lớp trung gian giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả đầu tư và củng cố niềm tin kinh doanh.

Ông Hiển kỳ vọng, khu vực tư nhân sẽ được giao đảm nhiệm các dự án quy mô lớn của đất nước, đồng thời cho rằng, trong tư duy của các lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay cũng có sự chuyển đổi về định hướng phát triển theo các định hướng lớn của Đảng và Nhà nước.

Thực tế từ các nền kinh tế lớn cho thấy, họ xây dựng được các doanh nghiệp nội địa lớn mạnh, sau đó vươn ra khu vực và thế giới. Chẳng hạn, Trung Quốc xây dựng được các tập đoàn công nghệ nội địa mạnh trong các lĩnh vực then chốt như Huawei (viễn thông), DJI (thiết bị bay không người lái), CATL (pin xe điện). Hàn Quốc có Samsung, LG, Hyundai...

Chìa khóa mở cửa nền kinh tế hiện đại, bền vững

Tư tưởng cải cách, đổi mới đang được thể hiện rõ nét qua chính sách, có thể tạo ra động lực bứt phá mạnh mẽ cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

Tiến hành thành công cuộc cách mạng khoa học - công nghệ là con đường để Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình, với sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp tiên phong, sáng tạo, có tầm nhìn toàn cầu.

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 16/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập đến mô hình nhà máy không đèn - hình ảnh ẩn dụ cho nền sản xuất hiện đại hóa toàn diện.

“Nhà xưởng không đèn, kho, cảng cũng không đèn, tức là họ không cần ánh sáng làm việc nữa. Họ làm việc tự động bằng robot và điều hành qua mạng, làm việc suốt ngày đêm, 3 ca. Năng suất lao động của người ta tăng gấp 3 lần. Bán hàng bây giờ cũng là qua mạng, 24/24, nửa đêm muốn mua hàng cũng được, có thể mua trên toàn cầu, chứ không phải chờ đến giờ mở cửa hàng, mở kho hàng”, Tổng Bí thư nói.

Thế giới đã xuất hiện những mô hình sản xuất mới, kinh doanh mới, đầu tư mới, thậm chí vượt xa sự tưởng tượng của nhiều người. Nếu không thay đổi tư duy, không mạnh dạn đổi mới, khả năng tụt hậu, thua cuộc là nhãn tiền. Điều này càng đúng trong bối cảnh hàng rào thuế quan sẽ xây dựng bức tranh mới về tiêu chuẩn hàng hóa toàn cầu, làm thay đổi cục diện sản xuất ở nhiều khu vực.

Câu chuyện về hiện đại hóa các nhà máy, tăng năng suất lao động cũng trở thành một trong những chủ đề được đề cập nhiều nhất tại cuộc họp đại hội cổ đông của các doanh nghiệp niêm yết năm nay.

Ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Sông Hồng cho biết, các nhà máy Trung Quốc có năng suất lao động đáng kinh ngạc, công nhân của họ có thể làm việc 12 tiếng/ngày, nhờ kết hợp với việc áp dụng máy móc, công nghệ. Đây là một trong những yếu tố kéo giá thành sản xuất xuống thấp, để hàng hóa của họ có sức cạnh tranh lớn trên thế giới.

Bí mật trong công nghệ và năng suất của các nhà máy dệt may tại công xưởng lớn nhất thế giới cũng là điều ông Nguyễn Đức Mạnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG trao đổi với giới đầu tư: “Họ không cho khách hàng vào tham quan, chụp ảnh để có thể bị rò rỉ công nghệ ra ngoài. Nhưng quả thực, công suất, năng lực sản xuất của họ khiến mình thực sự choáng ngợp”.

Những chia sẻ của thế hệ CEO trẻ, đang điều hành các doanh nghiệp thuộc tốp đầu ngành dệt may Việt Nam, với số lượng công nhân lên tới hàng chục nghìn người, cho thấy sự trăn trở về sức cạnh tranh của nền sản xuất trong nước.

Trong cuộc cạnh tranh toàn cầu khốc liệt, doanh nghiệp Việt Nam buộc phải thay đổi, chắt chiu nguồn lực cho nghiên cứu và phát triển (R&D), để tăng năng suất, giảm chi phí.

Câu chuyện của Vicostone là minh chứng điển hình. Từ một doanh nghiệp bên bờ vực phá sản năm 2003, họ đã vươn lên trở thành nhà sản xuất đá thạch anh tấm lớn thứ tư trên thế giới, với lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Thay vì sử dụng nguyên liệu trong nước, tạo ra những sản phẩm cấp thấp nhưng vẫn có mức giá cao so với khả năng tiêu dùng của thị trường nội địa, Vicostone quyết định nhập khẩu nguyên liệu để chế tạo ra sản phẩm thực sự cao cấp và xuất khẩu.

Vicostone đã lĩnh hội được bí quyết làm chủ công nghệ độc quyền của Breton (Ý) và cải tiến thành bí quyết của riêng mình. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đầu tư mạnh cho R&D để tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, thoát khỏi chiếc áo của một đơn vị gia công. Các đối thủ cạnh tranh đã làm theo sản phẩm của Công ty, nhưng khó có thể bắt chước được những điểm cốt lõi của mẫu đá và càng không thể nhanh chóng sao chép do bí quyết riêng ở mỗi sản phẩm. Có lợi nhuận nghìn tỷ đồng, song doanh nghiệp chủ yếu sử dụng máy móc hiện đại nên công nhân trong nhà máy của doanh nghiệp chỉ cần dưới 100 người.

Việt Nam đang đứng ở ngã ba của quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nếu chỉ tối ưu công nghiệp gia công có thể sẽ bị mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình. Nhưng nếu tận dụng chuyển dịch chuỗi cung ứng, đòn bẩy số hóa và cải cách thể chế để phát triển dịch vụ giá trị gia tăng cao, Việt Nam có thể bước sang giai đoạn phát triển bền vững, đúng với tinh thần “Việt Nam 2045” được thể hiện trong 3 nghị quyết mà Bộ Chính trị ban hành gần đây.

Anh Việt

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/kinh-te-tu-nhan-voi-bo-ba-chinh-sach-day-post369508.html
Zalo